Lý do bệnh dễ lây trên du thuyền

0
110

Du thuyền hay những nơi chật hẹp đông người được cho là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh và dễ lây nhiễm chéo.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá, mầm bệnh có thể lan ra nhiều chuyến đi khác nhau do thủy thủ đoàn lây nhiễm chéo, hoặc do “môi trường ủ bệnh dai dẳng” trên tàu. Đôi khi, hành khách có thể lây bệnh từ người địa phương khi tàu cập cảng, từ đó mang theo mầm bệnh lên không gian khép kín và chật hẹp trên du thuyền.

Giới chức ngành y tế tin rằng đường lây lan chính của nCoV là thông qua những giọt bắn. Tiến sĩ Jason Kindrachuk, từ Đại học Manitoba (Canada) nói: “Nếu ai đó ho hoặc hắt hơi ở cự ly gần, bạn có thể bị dính vài giọt chứa virus. Vì vậy, mọi người có thể thấy nguy cơ lây nhiễm lớn hơn trên một con tàu du lịch”.

Ông chỉ ra rằng, đó chính là lý do giới chức phải ban lệnh cách ly để kiểm soát số trường hợp lây nhiễm chéo trên tàu. “Chỉ cần một người có dấu hiệu đáng ngờ hay ai đó dương tính với virus, bạn sẽ không muốn để những hành khách rời khỏi tàu và trở thành những nguồn chứa virus di động – cho đến khi cơ bản xác định ai tiếp xúc gần người bệnh, kết quả xét nghiệm của những ai âm tính hoặc dương tính…”, Kindrachuk nói.

Theo tiến sĩ Bogoch, hiện tại “còn quá sớm để biết” liệu virus corona có lan truyền trên tàu du lịch nhanh hơn những căn bệnh truyền nhiễm khác hay không. Dù nghiên cứu cho thấy nCoV có khả năng sống trên những bề mặt trong vài giờ, hoặc có thể đến khoảng một ngày.

Du thuyền Diamond Princess thả neo ngoài khơi Yokohama, phía nam Tokyo vào đầu tháng 2. Con tàu với 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly từ 4/2, sau khi một khách Hong Kong nghỉ trên tàu từ tháng 1 dương tính với nCoV. Ảnh: Hiroko Harima/Kyodo News.

Du thuyền Diamond Princess thả neo ngoài khơi Yokohama, phía nam Tokyo vào đầu tháng 2. Con tàu với 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn bị cách ly từ 4/2, sau khi một khách Hong Kong nghỉ trên tàu từ tháng 1 dương tính với nCoV. Ảnh: Hiroko Harima/Kyodo News.

Tiến sĩ Isaac Bogoch, giảng viên bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto (Canada), nói: “Tiếp xúc gần một người khác không chỉ là điều kiện lây bệnh hô hấp mà cả bệnh đường tiêu hóa”.

Theo báo cáo của CDC, chỉ trong năm 2019 có tới 8 vụ dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát trên 7 du thuyền khác nhau. 

Hành khách trên du thuyền dễ nhiễm bệnh đường tiêu hóa nhất từ đồ ăn hoặc thức uống chứa norovirus (virus gây bệnh tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng) và những vi khuẩn đường ruột có hại. Tiến sĩ Jason Kindrachuk lý giải: “Khi rất nhiều người cùng ở trên một con tàu chật hẹp và tất cả đều sử dụng một nguồn thực phẩm – chắc chắn bạn sẽ ăn buffet và dùng nhiều đồ vật chung – thì chuyện lây nhiễm những mầm bệnh càng dễ dàng hơn”.

Để đảm bảo sức khỏe của chính mình, hành khách cần tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn uống trên du thuyền. Ảnh: Overblog.

Để đảm bảo sức khỏe của chính mình, hành khách cần tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khi ăn uống trên du thuyền. Ảnh: Overblog.

CDC khuyến cáo, trước khi đi du thuyền, hành khách nên hỏi ý kiến bác sĩ của mình và cân nhắc lựa chọn loại tàu và thời gian hải trình. Cơ quan này khuyên hành khách nên kiểm tra xem có cảnh báo y tế nào hay dịch bệnh đường tiêu hóa nào từng được đăng tải, trước ngày khởi hành hay không. 

Tiến sĩ Bogoch nhấn mạnh, một khi đã lên du thuyền, cách tốt nhất để tránh bị ốm là “vệ sinh tay hoàn hảo”. “Hãy hắt xì hay ho vào cánh tay và rửa tay là những lời khuyên hứu ích nhất. Tất nhiên, nó không thể phòng tránh tuyệt đối nhưng giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây bệnh”, ông nói.

Trên tàu, hành khách cần tuân thủ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và nước uống, giữ tinh thần tỉnh táo, tránh uống quá nhiều đồ có cồn. Nếu cảm thấy không khỏe, bạn nên tự liên lạc với chuyên gia y tế. “Chúng ta chỉ cần thực hiện những điều cơ bản để đảm bảo không nhiễm bệnh hay truyền vi khuẩn cho người khác”, tiến sĩ Kindrachuk trấn an.

Bảo Ngọc (Theo Global News)

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn