Lý do khách quốc tế chi tiêu không nhiều ở Việt Nam

0
107

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh, tuy nhiên chi tiêu ít do thiếu sản phẩm du lịch và các dịch vụ ở điểm đến.

Khách quốc tế chi tiêu thấp là chủ đề thảo luận chính trong chuyên đề 3 về “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến”, trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam sáng 9/12.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Du lịch cho biết, du lịch Việt Nam phát triển nhanh, mạnh thời gian qua. Trong giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế tới Việt Nam trung bình 12,8%. Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, đóng góp vào GDP ước đạt 8,5%. Trong 11 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến đạt 16,3 triệu lượt, tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung. Ảnh: Kiều Dương.

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Ngô Hoài Chung. Ảnh: Kiều Dương.

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngoài mục tiêu tăng nhanh lượng khách đến, ngành du lịch còn cần tìm những giải pháp để khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Theo bà Nguyễn Thùy Yên, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại địa phương này là 2,4 triệu đồng và thời gian lưu trú trung bình 2,7 ngày. Hiện doanh thu từ khách quốc tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã chỉ ra nguyên nhân nằm ở sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí, mua sắm và trải nghiệm của khách quốc tế. Các vấn đề khác còn có môi trường, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng của điểm du lịch.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, các sản phẩm du lịch hiện cứng nhắc, không đa dạng và linh hoạt, do “các điểm tham quan địa phương thường bị ràng buộc bởi cơ chế”. Do đó, ông đề xuất các địa phương có thể giao trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch nhưng cần đảm bảo doanh thu cho địa phương.

Dựa trên đánh giá của du khách sau tour, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist cho biết du khách chưa chi tiêu nhiều và chưa hài lòng với du lịch Việt Nam là do vấn đề giao thông, môi trường ô nhiễm, chưa đầy đủ dịch vụ mua sắm, giải trí. Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở khả năng hỗ trợ du khách khi giải quyết sự cố, trình độ ngôn ngữ, visa, chi phí tour cao do chưa có đường bay thẳng tới các điểm du lịch.

Ông Tài đưa ví dụ về Cuba, dù điều kiện còn khó khăn, “các sản phẩm xì gà được làm tinh tế, cao cấp” để tăng mức chi tiêu của du khách. Ở Việt Nam, sản phẩm quốc gia mang giá trị cao còn hạn chế và chưa được xác định rõ. Các đơn vị lữ hành cũng cần có sự sáng tạo trong sản phẩm du lịch.

Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến là nội dung thảo luận tại chuyên đề 3 thuộc Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam ngày 9/12.

“Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” là nội dung thảo luận tại chuyên đề 3 thuộc Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam ngày 9/12. Ảnh: Kiều Dương.

Theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel, du lịch đường thủy ở nước ta hiện chưa phát triển khi Việt Nam có tiềm năng với hơn 2.000 con sông. Cảng tàu quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, đến 2019 đã đón hơn 42.000 lượt khách. Do đó, bà cho rằng cần khuyến khích các nhà đầu tư mua tàu lớn, để đảm bảo chính sách thuế. Ngoài ra, không bê tông hóa du lịch đường sông, mà tạo ra các điểm đến, cảnh quan để tăng trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, cần kích thích, quảng bá tạo thói quen du lịch đường sông cho du khách.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh: “Muốn khách trải nghiệm tốt thì cần có dịch vụ tốt”. Bên cạnh môi trường du lịch, môi trường xã hội thì thái độ của người làm du lịch rất quan trọng. Vì vậy cần nâng cao đào tạo cả đội ngũ nhân lực, cả đội ngũ quản lý du lịch ở điểm đến.

Nhưng theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, đại diện Hội đồng khoa học của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, “nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng”. Hiện nay Việt Nam có 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó tới 38% là từ ngành khác chuyển sang và 20% còn lại chưa qua đào tạo.

Ngoài bài toán chung, hiện nhiều địa phương đã chủ động phát huy những thế mạnh của mình để giải quyết bài toán chi tiêu của du khách. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh luôn đặt việc bảo tồn các giá trị văn hóa triều Nguyễn là mục tiêu quan trọng nhất trong phát triển du lịch. Vì vậy, các di sản thường xuyên được bảo tồn, phục dựng, tu bổ và góp phần nâng cao giá trị gia tăng của du khách.

“Sắp tới, Quảng Ninh tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch như phát triển cảnh quan biển, cảnh quan núi rừng ở Bình Liêu, cảnh quan trung du, đồng bằng như thị xã Đông Triều, Quảng Yên”, bà Yên nói thêm. 

Lan Hương

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn