Lý do UEFA bỏ luật bàn thắng sân khách

0
Lý do UEFA bỏ luật bàn thắng sân khách

Tối 24/6, UEFA phát đi thông báo hủy bỏ luật bàn thắng sân khách ở các giải đấu cấp CLB tại châu Âu mùa tới.

Bình luận

Cuối cùng ngày đó cũng đã đến, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố bắt đầu kể từ mùa 2021/22, toàn bộ giải đấu cấp CLB đều sẽ chấm dứt luật bàn thắng trên sân đối phương.

Luat san khach anh 1

Tottenham từng khiến Man City ôm hận. Ảnh: Reuters.

Điều đó có nghĩa là giờ đây, các trận của vòng knock-out Champions League và Europa League sẽ không cần quan tâm đến việc đội bóng nào được đá sân nhà trước hay sau nữa, bởi lẽ mọi sự tính toán như trước kia đã lỗi thời. Bên cạnh đó, luật mới cũng sẽ bỏ cách tính hiệu số đối đầu ở các vòng đấu bảng.

Luat san khach anh 2

Chủ tịch UEFA thông báo thay đổi quan trọng ở các giải đấu cấp CLB mùa giải tới. Ảnh: Reuters.

Thay đổi bước ngoặt

Giờ đây, các đội cùng một bảng cũng không cần so sánh số bàn thắng trên sân đối phương khi điểm số và điểm đối đầu ngang nhau. Đây là quyết định “rung chuyển” của UEFA thì có phần thái quá. Nhưng rõ ràng, sau quyết định này, bóng đá châu Âu sẽ biến động nhiều, đặc biệt là ở nửa sau của mỗi mùa bóng.

Trong bài phát biểu sau khi quyết định trên được công bố, Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin cho biết: “Ảnh hưởng của luật này giờ đi ngược lại với mục đích ban đầu. Trên thực tế, nó đã ngăn cản các đội chủ nhà chơi tấn công, đặc biệt là trong những trận lượt đi, bởi họ sợ việc để thủng lưới sẽ mang lại lợi thế quan trọng cho đối thủ. Cũng có nhiều ý kiến chỉ trích về sự không công bằng, đặc biệt là trong hiệp phụ khi buộc đội chủ nhà phải ghi 2 bàn nếu đội khách ghi thêm bàn”.

Ceferin là luật sư giàu kinh nghiệm. Những lời nói của ông rất rõ ràng và rành mạch cho thấy UEFA đã ra quyết định hoàn toàn hợp tình và hợp lý. Nhưng như vậy, bóng đá châu Âu liệu có mất đi sự đặc sắc mà nó đã có trong suốt hơn 50 năm qua?

Chúng ta hãy nhìn lại về luật bàn thắng trên sân đối phương trong suốt thời kỳ hoàng kim của bóng đá. Về cơ bản, luật này cho biết trong trường hợp tổng tỷ số của 2 trận lượt đi và về của 2 đội bóng hòa nhau, thì mỗi bàn thắng trên sân đối phương sẽ được nhân đôi.

Chúng ta có thể lấy ví dụ trường hợp của Tottenham Hotspur mùa 2018/19, họ đánh bại Manchester City bằng cách sử dụng luật này. Spurs thắng Man City 1-0 trên sân nhà và sau đó vài tuần, thất thủ 3-4 tại Manchester. Vì tổng tỷ số là 4-4, nên luật bàn thắng trên sân đối phương được áp dụng.

Luật bàn thắng trên sân đối phương được áp dụng bắt đầu vào giữa thập niên 1960 bởi trước đó, UEFA đã nhận ra lợi thế lớn của các đội chủ nhà. Lúc này, trong trường hợp 2 đội hòa nhau về tổng tỷ số, một trận đấu play-off sẽ được tổ chức sau đấy ít ngày để quyết định thắng bại. Khi đó, đội chủ nhà ở trận lượt đi sẽ là chủ nhà của trận play-off.

Và không ít đội bóng tận dụng lợi thế này để đi tiếp, điển hình là Real Madrid của mùa giải 1956/57 khi họ vượt qua Rapid Wien sau 3 lượt trận. Nếu áp dụng luật bàn thắng trên sân đối phương, Real mới là đội bị loại (Real thắng 4-2 trên sân nhà và thua 1-3 trên đất Áo) và lịch sử Cup châu Âu có thể rất khác.

Vào thời điểm ấy, việc di chuyển giữa các quốc gia không dễ dàng như bây giờ. Các cầu thủ đội khách luôn có xu hướng mệt mỏi trước khi bước vào trận đấu sau quãng đường dài dằng dặc.

Những đội bóng này khi đó luôn phải gắng sức ghi được một vài bàn để “làm vốn” do họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: Một sân bóng lạ lẫm (đôi khi kích thước còn khác nhau), khoảng thời gian chuẩn bị trận đấu ít ỏi, sự thiên vị của trọng tài đối với đội chủ nhà và tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất, chính là sự cổ vũ của khán giả.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra số lượng khán giả tỷ lệ thuận với số bàn thắng mà đội chủ nhà ghi được, rằng cứ được 10.000 khán giả cổ vũ, thì đội chủ nhà sẽ ghi nhiều hơn 0,1 bàn mỗi trận. Lợi thế ấy khiến trong khoảng thập niên 1960 và 1970, đội chủ nhà giành chiến thắng 61% số trận.

Chính UEFA đã thống kê vào khoảng thời gian này, trung bình mỗi trận, đội chủ nhà ghi 2.02 bàn thắng trong khi đội khách chỉ có 0.95 bàn. Nhưng cùng với thời gian, khoảng cách giữa đội chủ nhà và đội khách đã được rút lại.

Trong những năm gần đây, đội chủ nhà chỉ còn thắng có 47% số trận trong khi đội khách đã nâng tỷ lệ thắng từ 19% lên con số 30%. Đội chủ nhà cũng chỉ còn ghi trung bình 1.58 bàn/trận, còn số bàn thắng trung bình của đội khách tăng lên thành 1.15 bàn. Những con số trên được UEFA đưa ra để giải thích cho sự thay đổi về mặt quy định này.

Luat san khach anh 3

Trận cầu kịch tính trong quá khứ. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân thay đổi

Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho sự thay đổi cán cân trên. Với sự phát triển của ngành giao thông vận tải, các đội bóng giờ đây có thể dễ dàng đến sân đấu khác chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ bằng nhiều phương tiện hiện đại.

Việc mở rộng EU cũng gỡ bỏ rào cản về visa và UEFA quy định kích thước chuẩn của sân đấu tại Cup châu Âu đã khiến những “trò ma” như của HLV Graeme Souness trong trận đấu giữa Rangers và Dynamo Kiev (ông Souness cho thay đổi kích thước sân ngay trước trận để chống lại lối chơi của đội khách và đã lật ngược tỷ số sau khi thua ở lượt đi) không còn tồn tại nữa.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, các sân bóng giữa những CLB đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách về mặt chất lượng. Việc UEFA áp dụng VAR vào công tác trọng tài hạn chế những sai lầm mang tính chủ quan nhạy cảm của người cầm còi. Tất cả góp phần xóa mờ ranh giới giữa đội chủ nhà và đội khách.

Cuối cùng, dịch Covid-19 tác động khủng khiếp tới bóng đá. Khi hàng chục nghìn cổ động viên không còn tới sân, chính đội chủ nhà đôi khi mới là những người chịu áp lực. Theo thống kê, khoảng thời gian sân bóng đóng cửa vì tác động của dịch bệnh, các đội khách đã chơi tốt hẳn lên mỗi khi phải xa nhà.

“Đề nghị về việc bãi bỏ luật này đã được tranh luận tại nhiều cuộc họp khác nhau của UEFA trong vài năm qua. Mặc dù không có sự thống nhất về mặt quan điểm, nhiều HLV, cổ động viên và các bên liên quan đặt câu hỏi về tính công bằng của nó và bày tỏ mong muốn quy định này được bãi bỏ”, với câu nói này của Chủ tịch Ceferin, UEFA muốn trình bày họ đang đi theo ý kiến của số đông.

Trong những năm qua, nhiều đội bóng cảm thấy cay đắng khi bị loại bởi luật này. Tỷ số hòa sau 2 lượt trận cho thấy 2 đội là cân bằng nhau về mặt thực lực, nhưng số bàn thắng trên sân đối phương khác nhau đã khiến một đội đi tiếp trong khi đội kia không còn cơ hội để sửa sai.

Chính HLV Arsene Wenger đã công khai nói rõ quan điểm của ông muốn bãi bỏ luật trên sau khi Arsenal bị loại bởi Monaco vào năm 2015, trong khi HLV Diego Simeone, cũng chung ý tưởng với người đồng nghiệp, nhấn mạnh ở khoảng thời gian của hiệp phụ, khi đội khách chỉ cần ghi số bàn ngang với đội chủ nhà là đủ để đi tiếp.

Song dường như UEFA mới chỉ nghĩ đến khoảng thời gian thi đấu chính thức của 2 trận lượt đi và về. Sau khi luật bàn thắng trên sân đối phương bị bãi bỏ, khả năng các trận đấu lượt về phải kéo dài đến hiệp phụ là khá cao, nếu xét theo kết quả của những vòng đấu knock-out trong quá khứ. Khi ấy, đội chủ nhà của trận lượt về lại nhận được lợi thế khi họ có thêm 30 phút nữa đá trên sân của mình, cộng với sự áp đảo về mặt cổ động viên.

Rõ ràng, trong trường hợp này, đội khách của lượt về lại trở nên thiệt thòi. Liệu một lần nữa, UEFA có lại thay đổi và chỉ áp dụng luật trên ở thời gian hiệp phụ của trận lượt về?

Tất nhiên, UEFA có lý khi quyết định bãi bỏ luật bàn thắng trên sân đối phương, bởi tổ chức này mong muốn cả hai trận đấu lượt đi và về đều sẽ là những bữa tiệc của bóng đá tấn công. Với việc không còn sợ bị thủng lưới trên sân nhà (và đối thủ được nhân đôi với mỗi bàn trong trường hợp tổng tỷ số hòa nhau), các đội bóng sẽ cống hiến hơn và làm mọi cách để ghi bàn nhiều nhất có thể.

Tuy vậy, quan điểm đó chỉ đứng trên phương diện của đội chủ nhà. Còn đội khách chắc chắn sẽ lại có xu hướng tử thủ để tránh việc bị thủng lưới, thay vì cố gắng tấn công để tìm kiếm cho mình những bàn thắng mang đầy lợi thế. Xét cho cùng, bất cứ vấn đề gì cũng đều có 2 mặt và chẳng có quyết định nào có thể làm hài lòng tất cả.

Nhưng quyết định này chắc chắn sẽ làm mất đi bản sắc vốn có của bóng đá châu Âu trong hơn nửa thế kỷ qua với những sự toan tính của các HLV và cả cảm xúc bùng nổ khủng khiếp của các khán giả sau mỗi bàn thắng được ghi ở trận lượt về.

Nếu quyết định này đến sớm hơn, có lẽ trận bán kết kinh điển của Champions League 1998/99 giữa MU và Juventus khó có thể gay cấn đến như thế, bởi lẽ sau khi MU cân bằng 2-2 ở Delle Alpi (và tổng tỷ số là 3-3, MU sẽ đi tiếp theo luật bàn thắng trên sân đối phương), Juve hoàn toàn có thể chơi cầm chừng trên sân nhà để chờ hiệp phụ thay vì phải điên cuồng tấn công và rồi bị thủng lưới thêm bàn thứ 3 vào những phút cuối cùng của trận đấu.

Chúng ta sẽ phải đợi thêm một vài mùa bóng nữa để xem, liệu quyết định hợp lý về mặt lý thuyết này liệu cũng sẽ hợp lý về mặt thực tế hay không. Song ít nhất, sự hồi hộp của việc đo đếm số bàn thắng trên sân đối phương giờ đây đã không còn ý nghĩa nữa, và các trận đấu knock-out sẽ bớt đi hương vị đặc biệt để tạo nên những kết quả đầy bất ngờ và kịch tính.

Zing tại Euro – không khí lễ hội chưa xuất hiện tại Đức Zing ghi nhận không khí từ Munich khi một số CĐV Đức vẫn tỏ ra lạc quan sau khi đội nhà lọt vào vòng 1/8 Euro 2020 dù chỉ hòa Hungary ở lượt cuối bảng tử thần.

Nguồn: News.zing.vn