Man United đã sai khi cố xây lại mô hình của Sir Alex?

0
34

Nếu Man United sa thải Solskjaer, điều đó đồng nghĩa họ thừa nhận thất bại trong việc cố tái hiện mô hình quản trị đội bóng dưới thời Sir Alex Ferguson.

Bình luận

Trợ lý HLV hiện tại của Manchester United, Mike Phelan, từng nói rằng sau giai đoạn chật vật với David Moyes, Louis van Gaal hay Jose Mourinho, ban lãnh đạo “Quỷ đỏ” cảm thấy họ cần đưa mô hình quản trị bóng đá dưới thời Ferguson trở lại.

Manchester United anh 1

Solskjaer trở thành HLV trưởng Manchester United và được trao niềm tin lớn. 3 năm kể từ thời điểm chiến lược gia người Na Uy ngồi vào ghế nóng ở Old Trafford, ban lãnh đạo Man United lập lại cách Sir Alex từng vận hành đội bóng.

Đó là lý do Ole vẫn chắc ghế dù Man United không giành nổi một danh hiệu nào trong 3 năm qua. Sa thải Solskjaer đồng nghĩa với việc nửa đỏ thành Manchester phải đập đi tất cả để xây lại một mô hình quản trị mới, điều tốn nhiều công sức, tài chính và thời gian.

Solskjaer có phải là vấn đề lớn nhất?

Phương pháp huấn luyện và mô hình quản trị đội bóng của Solskjaer đang bị đặt dấu hỏi sau chuỗi trận kém của Manchester United. Không chỉ Ole, bản thân Phelan, Carrick hay Kieran McKenna – các trợ lý chính của HLV người Na Uy tại Man United cũng nhận chỉ trích.

Manchester United anh 2

Từ trái sang, Emilio Alvarez (trợ lý HLV thủ môn), Carrick, Solsa, Phelan và McKenna. Ảnh: Sky Sports.

Lối chơi của Man United hiện tại rất vô hồn và thiếu tổ chức. Những chỉ trích cho các trợ lý HLV Man United lớn đến mức Ole phải lên tiếng bảo vệ họ trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí trước trận gặp Atalanta ở vòng bảng Champions League.

“Tôi nhiều lần nói rằng Man United đang có đội ngũ HLV tuyệt vời”, Solsa nói. “Mọi đội bóng đều có giai đoạn khó khăn, và tôi tuyệt đối tin tưởng vào các trợ lý của mình. Tôi không thể đòi hỏi những người tốt hơn”.

Đó là thông điệp quyết đoán của Solskjaer, người thường bị truyền thông Anh chê là hiếm khi nói về chiến thuật trước công chúng, điều Pep Guardiola hay Jurgen Klopp thường làm.

Điểm mạnh nhất của Solskjaer kể từ khi dẫn dắt Man United là khả năng quản trị phòng thay đồ, điều khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến Sir Alex. Việc giới chuyên môn và truyền thông Anh đặt dấu hỏi về đội ngũ huấn luyện của Man United khi đội bóng chơi tệ, cũng cho thấy vấn đề của đội bóng này.

Man United muốn xây dựng một đội ngũ và mô hình quản trị giống như thời Sir Alex, nhưng Solskjaer không thể so với ông thầy cũ. Trong khi đó, năng lực của Phelan, Carrick hay Kieran McKenna, những người về lý thuyết đóng vai trò quan trọng không kém trong mô hình hiện tại của Man United, cũng bị nghi ngờ.

Kieran McKenna phụ trách các bài tập tấn công của Man United và được chiêu mộ về từ Tottenham. Trong khi đó, cả Carrick và Fletcher đều thiên về vai trò làm việc với cá nhân từng cầu thủ.

Manchester United anh 3

Các trợ lý của Ole có tầm ảnh hưởng lớn đến lối chơi của Man United hiện tại. Đồ họa: Minh Phúc.

Đầu tháng này, Phelan được trao bản hợp đồng mới có thời hạn đến năm 2024, như một động thái đảm bảo cho tương lai của đội ngũ huấn luyện hiện tại. Solskjaer không mang đến Old Trafford một trợ lý thân tín nào, mà sẵn sàng dung nạp những người cũ của đội bóng, như một động thái cho thấy tầm ảnh hưởng của Sir Alex.

Phelan từng tự hào nói rằng chính ông chứ không phải Sir Alex mới đóng vai trò lớn trong các bài tập chiến thuật của Man United ở quá khứ. Phelan từng ra sân 146 lần cho Man United, sau đó trở thành trợ lý số 1 của Sir Alex từ năm 2008, thay cho Carlos Queiroz.

“Nhìn vào cách Man United vận hành khi đó, tôi có thể tự hào mà nói rằng mình là ‘ông chủ’ của đội bóng”, Huffington Post dẫn lời Phelan vào tháng 11/2013, không lâu sau khi vị trợ lý này bị David Moyes đẩy khỏi sân Old Trafford.

“Ferguson là người đứng đầu và quản trị mọi thứ, nhưng có rất nhiều người đóng vai trò quan trọng và tôi là một trong số đó”, Phelan, người được cho trực tiếp huấn luyện các buổi tập của Man United khẳng định.

Tại Man United, Sir Alex từng có nhiều trợ lý thân tín khác như Archie Knox, Brian Kidd, Steve McClaren và Queiroz. Nhưng Phelan là người duy nhất công khai nói về tầm ảnh hưởng của mình lên đội bóng, và thừa nhận rằng Sir Alex không phải “thiên tài chiến thuật”.

Tuy nhiên, chính tầm ảnh hưởng của Phelan cũng là lý do khiến ông bị HLV Moyes đẩy khỏi Old Trafford. Nhiều cựu cầu thủ Man United sau đó cho rằng đó là một quyết định sai lầm của Moyes.

Nhưng các nguồn tin từ báo chí Anh thời điểm đó cho rằng, Moyes cảm thấy phương pháp của Phelan lỗi thời và Man United cần một sự tươi mới. Bản thân Van Gaal hay Mourinho cũng khá dè dặt trong việc sử dụng các trợ lý cũ của Sir Alex.

Về lý thuyết, mô hình này giúp tạo ra cái gọi là “DNA United”, điều mà BLĐ “Quỷ đỏ” tin đã phai nhạt dưới thời Moyes, Van Gaal hay Mourinho. Cả Phelan, Carrick và Fletcher đều sở hữu “DNA United” và không xa lạ gì với mô hình quản trị của Sir Alex.

McKenna là nhân tố “bên ngoài” duy nhất trong đội ngũ huấn luyện hiện tại của đội một Man United, khi chưa từng khoác áo “Quỷ đỏ”. Và khi Man United sa sút, mọi vấn đề đều được đem ra mổ xẻ.

Dấu ấn mà McKenna để lại ở đầu mùa giải năm nay là chưa rõ ràng, khi Man United chơi tấn công vô hồn và thiếu đường nét. Các bài tập chiến thuật của Phelan phải chăng lạc hậu và lỗi thời?

Carrick hay Fletcher chưa thể giúp Sancho hòa nhập với môi trường mới, và các sai lầm cá nhân vẫn thường xuất hiện ở Man United kể từ đầu mùa.

Manchester United anh 4

Arsenal và Barca, hai đội bóng lớn khác cũng đang gặp vấn đề khi đặt niềm tin vào các cựu cầu thủ.

Mô hình dùng cựu cầu thủ đã lỗi thời?

Solskjaer vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính. Thế nhưng, khi trao cho HLV người Na Uy bản hợp đồng mới vào tháng 7 vừa qua, BLĐ Man United thừa hiểu Ole không phải mẫu HLV quá giỏi về chiến thuật như Tuchel, Pep hay Klopp.

Giống như Ferguson, Solskjaer thiên về khả năng quản trị phòng thay đồ. Và Man United dường như hài lòng với quyết định đó.

Tầm ảnh hưởng hiện tại của Sir Alex lên Man United là không cần bàn cãi. Cựu HLV huyền thoại người Scotland trực tiếp gọi điện thuyết phục Cristiano Ronaldo về Old Trafford trong mùa hè 2021.

Ông đóng vai trò quan trọng để Ole ngồi vào ghế nóng 3 năm trước. Solskjaer không giấu việc hay gọi cho Ferguson để hỏi về các quyết định quan trọng tại Man United.

Việc Phelan, trợ lý thân tín số 1 của ông được ký hợp đồng đến năm 2024 vào đầu tháng 10 này cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Sir Alex. Bất chấp những kết quả tệ của Man United trong một tháng qua, phòng thay đồ của đội bóng vẫn chưa có dấu hiệu nổi loạn.

Ghế của Solsa vẫn vững, ít nhất cho đến hết tháng 10. Không có gì sai khi Man United muốn tái hiện thứ văn hóa bóng đá dưới thời Sir Alex.

Tuy nhiên, bóng đá hiện đại luôn thay đổi chóng mặt và không phải lúc nào, người ta cũng tìm ra một nhà quản trị kiệt xuất như Ferguson.

Nhìn quanh châu Âu, rất ít đội bóng lớn đang thành công với mô hình đưa cựu cầu thủ lên dẫn dắt.

Bayern Munich có một HLV mới ngoại đạo, Man City hay Liverpool thành công với Pep và Klopp nhiều năm qua. Chelsea vô địch Champions League sau khi mạnh dạn sa thải Lampard.

Ba đội bóng trọng dụng các cựu cầu thủ lên làm HLV gồm Barcelona, Arsenal và Manchester United đều đang chơi kém, và đã sa sút so với vị thế của họ trong nhiều năm qua.

Bóng đá đỉnh cao luôn thay đổi liên tục và cực kỳ khắc nghiệt. Không phải lúc nào sử dụng các cựu cầu thủ cho vị trí HLV cũng đảm bảo thành công. Năng lực nội tại của một HLV vẫn là thứ quan trọng nhất.

Townsend gọi Ronaldo là thần tượng sau khi phá lưới MU Sau khi ghi bàn ấn định trận hòa 1-1 cho Everton trước Man United ở vòng 7 Ngoại hạng Anh, Andros Townsend giải thích hành động ăn mừng theo phong cách của Cristiano Ronaldo.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn