
VTV.vn – Tết Chol Chnam Thmay – Tết cổ truyền của đồng bào Khmer đã chính thức bắt đầu từ ngày 14/4 và kéo dài trong 3 ngày.
Hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer ở khu vực Nam bộ đang rất háo hức đón Tết Chol Chnam Thmay với nhiều niềm vui và hứng khởi.
Trong tiếng Khmer, “Chol” nghĩa là “Vào” và “Chnam Thmay” là “Năm mới”. Theo quan niệm của đồng bào, đây là giai đoạn giao giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi.
Trong không khí rộn ràng, Tết Chol Chnam Thmay vừa là dịp để đồng bào Khmer đón mừng năm mới, vừa là thời điểm thiêng liêng để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, gắn kết cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nên một mùa xuân trọn vẹn yêu thương và hy vọng.
Giờ đây, văn hóa truyền thống đang được người trẻ đón nhận một cách rất khác, trong đó không thể thiếu việc ứng dụng các công nghệ mới.
Nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay, chị Chanh Ty (Xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, An Giang) là một trong những nghệ nhân có tay nghề cao ở làng nghề Văn Giáo được mời đến sự kiện để quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Theo chị, đây là dịp để chia sẻ về một nghề tồn tại hàng trăm năm mà không phải ai cũng có thể biết và làm được.
Buổi triển lãm được các bạn sinh viên tại TP. Cần Thơ hưởng ứng. Ngoài việc trưng bày và tái hiện quá trình tạo ra sản phẩm, các bạn còn ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá, giúp người trẻ dễ tiếp cận với văn hóa truyền thống.
Theo bạn Vũ Lê Gia Hưng (Trường Đại học FPT, TP. Cần Thơ) bày tỏ: “Thông qua việc sử dụng công nghệ, chúng em cũng mong muốn gìn giữ nghề thổ cẩm Khmer Văn Giáo. Khách tham quan có thể ghé và quét những mã QR mà chúng em đã chuẩn bị để có thể xem được các clip về làng nghề này. Điều đó sẽ mang tính lưu truyền cho mai sau”.
Triển lãm là sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, tạo cầu nối để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Bên cạnh đó, nó còn cho thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc, khả năng ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa lâu đời.
Nguồn: Vtv