Masan tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX lên 84,9%. Đồng thời, tập đoàn này có kế hoạch huy động thêm 300-400 triệu USD vốn đầu tư vào công ty con ở nửa cuối năm 2021.
Ngày 1/7, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan, mã chứng khoán MSN) công bố việc mua lại cổ phần của The CrownX – một công ty thành viên của Masan – từ các cổ đông thiểu số. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp của Masan tại The CrownX tăng từ 80,2% lên 84,9%.
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Ban điều hành Masan khẳng định giao dịch này đã sử dụng tối ưu lượng tiền mặt của công ty và kỳ vọng vào quỹ đạo lợi nhuận, tăng trưởng của The CrownX.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, cho biết 2021 là năm đánh dấu bước ngoặt của VinCommerce khi hệ thống bán lẻ này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của tập đoàn hiện tại là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận.
“Đây chính là nền tảng để chúng tôi gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online (O2O). Theo nhận định của chúng tôi dựa trên kết quả kinh doanh dự kiến của The CrownX vào năm 2021 và tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp O2O, định giá hiện nay của The CrownX chưa phản ánh chính xác giá trị công ty”, ông Danny Le nói.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đại diện Tập đoàn Masan thông tin thêm ban điều hành vẫn đang có kế hoạch huy động thêm 300-400 triệu USD vốn đầu tư vào The CrownX trong nửa cuối năm 2021.
Trước đó, Masan công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD. Thông qua giao dịch, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2,15 triệu đồng).
Tiếp đến ngày 24/5, Masan cho biết Công ty TNHH The Sherpa – một công ty thành viên của tập đoàn – đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn tại Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Thương vụ trên có giá trị 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chủ chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm kiosk Phúc Long đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng. Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VinCommerce, tương đương với 1 triệu đồng/ngày.
Ban điều hành công ty đặt mục tiêu tính đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp kiosk Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4%.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MSN của Masan đang có giai đoạn tăng nóng sau thời gian tích lũy. So với hồi đầu năm, MSN đã tăng gần 24%, từ 88.900 đồng/cổ phiếu lên 110.450 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6).
Nguồn: News.zing.vn