Khi cơn gió heo may đầu đông ùa về, ấy là lúc những đồi lau ở Bình Liêu (Quảng Ninh) trổ bông trắng tinh khôi. Lau trắng hòa cùng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng ở nơi đây tạo nên sự cuốn hút khó cưỡng.
Đường từ Hà Nội đi Bình Liêu khá đẹp và thuận tiện.
Chinh phục “sống lưng khủng long”
Bình Liêu nằm phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 270km. Giống như nhiều tỉnh miền núi, đường đến Bình Liêu quanh co, gấp khúc nhưng lại khá dễ đi vì mặt đường bê tông rộng và thoáng đãng. Từ Hà Nội đến Bình Liêu du khách mất khoảng nửa ngày đi đường. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi gần như được xua tan bởi cảnh sắc, thiên nhiên núi rừng hiện ra đẹp đến mê hồn.
Khi cơn gió heo may đầu đông ùa về, những đồi lau ở Bình Liêu bắt đầu trổ bông.
Theo kinh nghiệm của những người đã đi du lịch Bình Liêu, để trải nghiệm đầy đủ vẻ đẹp của những đồi lau tại đây, du khách nên lưu trú lại, ít nhất là 2 ngày 1 đêm. Khám phá những đồi lau vùng núi, du khách sẽ được check-in các cột mốc thiêng liêng, đó là cột mốc 1297, 1326, 1300, 1305. Trong đó, thử thách lớn nhất dành cho du khách là chinh phục cột mốc 1305 ở vị trí cao nhất, mà để đến được đó, du khách phải đi bộ trên đoạn đường dài và dốc, được ví là “sống lưng khủng long”.
Những cây lau cao quá đầu người phủ kín sườn núi.
“Sống lưng khủng long” thực chất là đường tuần tra biên giới Việt – Trung, dài khoảng 3km với hơn 2.000 bậc thang. Dù con đường đã được đổ bê tông nhưng vì có nhiều độ dốc khác nhau nên cũng là thử thách không nhỏ đối với du khách. Nhìn từ trên cao, con đường uốn lượn nối dài các đỉnh núi với nhau, nên dân phượt gọi vui là “sống lưng khủng long” hay “Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam”.
Con đường lên cột mốc 1305 được ví là “sống lưng khủng long”.
Điều hấp dẫn nhất khi chinh phục “sống lưng khủng long” là ngoài thử thách về thể lực, du khách sẽ được tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp khi trải nghiệm trên con đường này. Các ngọn núi được phủ bởi màu trắng tinh khôi của những bông lau cao hơn đầu người tạo khung cảnh nên thơ, đẹp khó cưỡng. Chạm tay tới cột mốc 1305, du khách có thể ngắm bao quát toàn cảnh núi non hùng vĩ, tươi đẹp.
Điểm check-in tại cột mốc 1.300 – nơi có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Từ cột mốc này, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ.
Chị Nguyễn Thu Trang, một du khách Hà Nội vừa có chuyến du lịch Bình Liêu cho biết, chinh phục “sống lưng khủng long” để được check – in tại cột mốc 1305 là hành trình khó quên với nhiều cảm xúc. “Đứng tại cột mốc ở vùng biên cương của Tổ quốc, ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, tôi rất tự hào vì đất nước ta vô cùng tươi đẹp”, chị Nguyễn Thu Trang nói.
Hấp dẫn du lịch Bình Liêu
Bình Liêu đang là điểm du lịch mới nổi của tỉnh Quảng Ninh. Điểm du lịch này không chỉ hấp dẫn du khách bởi miền lau trắng vào mùa đông mà còn vì rất nhiều điểm đến thú vị, như: Thác Khe Tiên, bản Sông Moóc, thác Khe Vằn, cửa khẩu Hoành Mô, đình Lục Nà, cầu treo Nà Làng…
Những đồi lau hòa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp.
Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, nhiều năm nay huyện đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng việc tổ chức Tuần văn hóa, du lịch và Hội mùa vàng Bình Liêu. Năm nay, Tuần văn hóa, du lịch Bình Liêu 2020 diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ; trải nghiệm các môn thể thao, trò chơi dân gian (đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy) trên ruộng bậc thang; hướng dẫn du khách trải nghiệm ẩm thực phở xào Đồng Văn, lễ “Mừng cơm mới”; hoạt động gặt lúa trải nghiệm trên ruộng bậc thang; tái hiện nghi lễ đám cưới dân tộc Sán Chỉ; chương trình dù lượn “Bay trên mùa vàng”… Từ nay đến hết năm 2020, ngoài việc thu hút du khách bởi cánh đồng lau, Bình Liêu sẽ tổ chức Lễ hội hoa sở – loài hoa đặc trưng của núi rừng ở Bình Liêu.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, Bình Liêu còn thu hút du khách bởi nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc như: Dao, Mán, Sán Chỉ, Tày… Vì thế, Bình Liêu còn có nhiều lễ hội truyền thống, nét sinh hoạt văn đặc sắc như hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, hát Pả Dung của dân tộc Dao, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ…
Ẩm thực tại Bình Liêu với nhiều món ăn đặc trưng của vùng biên giới, trong đó có pha trộn không ít văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc đã tạo nên đặc sắc riêng, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Du khách có nhiều trải nghiệm thú vị khi chinh phục “sống lưng khủng long”.
Cột mốc 1305 – cột mốc biên giới cao nhất tại Bình Liêu.
Với sức hút của du lịch Bình Liêu, nhiều công ty lữ hành đã tổ chức khai thác tour, đưa nhiều đoàn khách du lịch đi từ Hà Nội đến tham quan, khám phá Bình Liêu theo hành trình phổ biến là 2 ngày 1 đêm, với mức giá dưới 2 triệu đồng/người. Đây là những lựa chọn khá hấp dẫn để du khách có thể có hành trình khám phá vẻ đẹp còn hoang sơ của núi rừng vùng biên cương của Tổ quốc.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/983982/me-man-mua-lau-binh-lieuNguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/983982/me-man-mua-lau-binh-lieu
Nguồn: 24H.COM.VN