‘Mẹ tôi cười rất nhiều khi bà đi du lịch Việt Nam’

0

Thầy giáo Jesse Peterson cho biết, khi mẹ anh tới Việt Nam, bà như một đứa bé tròn mắt thích thú khi được dẫn vào cửa hàng bán bánh kẹo.

Trong 5 năm sống ở Việt Nam, tôi quả thực có diễm phúc được các bạn mình trên thế giới ghé thăm. Nhưng nhiều kỷ niệm nhất và cũng thú vị nhất đó là lần mẹ tôi quá bộ tới thăm tôi và một anh bạn người Australia vượt biển qua chơi.

Tại sao tôi lại nhớ nhất chuyến đi tới Việt Nam của hai người? Tôi thấy họ đại diện cho hai đối tượng phổ biến hay đến Việt Nam du lịch. Đối tượng thứ nhất là kiểu người hơi trẻ tuổi, họ muốn đi chơi xa, xả stress, tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống và giao lưu với những người bạn mới. Họ thường đi phượt kiểu “Tây balô” như người Việt thường gọi. Số lượng “Tây balô” du lịch Việt Nam ngày càng tăng. Đây là tín hiệu tốt với ngành du lịch.

'Me toi cuoi rat nhieu khi ba di du lich Viet Nam' hinh anh 1
Bà Peterson tự đi xe máy tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Đối tượng thứ hai là tầng lớp trung niên hoặc lớn tuổi. Họ là những người đã nghỉ hưu và chưa đi du lịch nhiều vì những lý do về công việc, gia đình, hoặc sợ đi nước ngoài. Họ chọn du lịch theo tour kết hợp mua sắm.

Cả đời mẹ tôi sống ở Canada. Bà chưa đi đến một quốc gia nào khác ngoài Mỹ. Việt Nam rất khác biệt, mẹ tôi thấy rất vui khi ở đây. Bà giống như một đứa bé với cặp mắt to tròn thích thú khi được dẫn vào cửa hàng bán bánh kẹo.

Tôi đưa mẹ đi thăm các danh lam thắng cảnh trải nghiệm giờ phút thanh bình thơ mộng bên những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp. Tất nhiên, đi với mẹ đồng nghĩa với shopping.

Có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt khi mẹ tôi ở đây. Bà không biết tiếng Việt nên tôi phải phiên dịch, kiêm chân “vệ sĩ” và là nhà mặc cả thần kỳ mỗi khi mẹ mua sắm. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình là ông ngoại.

Chúng tôi không gặp vấn đề gì khó khăn gì. Mẹ lúc nào cũng cười rất tươi, và dường như ai cũng quý mẹ. Có lẽ cười tươi cũng là một cách để không bị chặt chém chăng? Lúc mẹ mua áo dài ở chợ Bến Thành, họ bán cho mẹ với giá hợp lý.

Lonely Planet ca ngợi văn hóa cà phê Việt Nam

“Thức dậy mỗi buổi sáng với một ly cà phê từ lâu đã trở thành thói quen của người Việt”, trang Lonely Planet mở đầu phần giới thiệu về văn hóa đồ uống phổ biến tại Việt Nam.

Một lần người hàng xóm của tôi mời mẹ đi ăn tối. Họ cố gắng nói chuyện bằng tiếng Anh nhưng bà không hiểu. Tôi phải phiên dịch lại. Đôi lúc, tôi mải ăn, họ dùng “body language” cho tiện. Tôi cũng không hiểu sao họ lại hiểu được nhau. Thần giao cách cảm chăng? Mẹ tôi cười rất nhiều, mẹ nói đồ ăn miền Nam dễ ăn hơn đồ ăn miền Bắc, vì đồ ăn miền Nam có vị ngọt hơn.

Ở Mũi Né, chúng tôi thuê một phòng tại một resort nhỏ do người Việt Nam quản lý, giá phòng chỉ 500.000 đồng một đêm. Mẹ thích lắm, vì nhà tôi ở Canada cách biển 4.000 km về phía đông và 3.000 km về phía tây. Mẹ chưa được thấy biển bao giờ. Mẹ thích thú ngồi xem sóng biển cả giờ đồng hồ đến khi mặt trời lặn.

Khi ra Hà Nội, mẹ tôi thắc mắc tại sao có rất nhiều người đàn ông cởi trần, uống rượu ở ngoài đường chứ không thấy phụ nữ. Tôi giải thích với mẹ, con gái miền Bắc rất truyền thống, hầu hết không uống bia và hút thuốc nhiều như con gái ở Canada. Thật ra, tôi quên dẫn mẹ ra phố bia Tạ Hiện. Ở đó có nhiều bạn nữ uống bia lúc trời nóng, và chắc chắc họ không cởi trần.

Lúc ở vịnh Hạ Long, tôi lại dẫn mẹ đi biển, đi thuyền và tham quan nhiều hang động. Mẹ thích thú chụp hình nhiều đến mức bị ngã nhưng vẫn cảm thấy rất vui. Buổi tối, chúng tôi quay về Hà Nội đi chợ đêm, mẹ cũng mua rất nhiều đồ giống lúc ở chợ Bến Thành.

Mẹ rất thích đất nước và con người Việt Nam, có khi thích nhiều hơn  tôi. Mẹ nhớ được mỗi từ tiếng Việt “cà phê sữa đá”. Chắc cuối năm khi ở Canada thời tiết trở lạnh, mẹ tôi sẽ trở lại Việt Nam du lịch và tiếp tục shopping giá rẻ.

Một nhân vật nữa tôi muốn nhắc tới đó chính là anh bạn Rowan, người Australia. Cậu ấy đang làm hướng dẫn viên du lịch ở Triều Tiên. Rowan rất cao, hơn 2 m. Điều này làm các cô gái Việt rất ngạc nhiên và luôn thắc mắc về chiều cao của cậu ấy. Tất nhiên cậu cũng cảm thấy rất thích thú khi được nhiều cô gái Việt chú ý.

'Me toi cuoi rat nhieu khi ba di du lich Viet Nam' hinh anh 2
Rowan (phải) và Jesse uống bia ở phố Tạ Hiện (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Trong một ngày đẹp trời đang đi loăng quăng, chúng tôi nảy ra ý định đi phượt tới một nơi hoang vu, tránh con người, công việc, thế giới ảo và các thiết bị tiện nghi. Nghe thật điên rồ, nhưng chúng tôi đã xách balô lên và đi. Nghi Lộ là đích đến. Chúng tôi phải đi xe khách lên Yên Bái, sau đó mới vòng qua Nghi Lộ.

Buổi tối, một nhóm người Việt mời chúng tôi ăn và uống rượu táo mèo. Rowan không biết tiếng Việt nhưng rất rất phấn khích khi trò chuyện và “chén chú, chén anh” với những người bạn người mới quen. Có lẽ tôi nên bắt chước cách cư xử của cậu ấy, nhưng thật khó vì tôi đã sống ở Việt Nam 5 năm rồi. Chắc tôi đã bị “Việt hóa” chăng?

Đến nơi, chúng tôi phải di chuyển rất xa vào sâu trong rừng vì ở đâu cũng có người sinh sống. Sau một tuần ở trong rừng chỉ ăn, ngủ, đọc sách và kể những chuyện ngày xưa, Rowan muốn về sớm một ngày để nhậu ở Hà Nội. Chúng tôi xuống núi, mua một ít đặc sản gần Yên Bái và quay về thủ đô.

Cả mẹ tôi, Rowan và tôi đều có một điểm chung là thích đi xe máy. Canada rất lạnh, xe máy thường là phân khối lớn, chỉ được sử dụng khoảng  3-4 tháng mùa hè. Ngẫm lại mới thấy tiếc. Giá như Canada cũng ấm như ở Việt Nam, chắc tôi cũng đã “đánh bóng mặt đường” từ sáng tới tối. Xe máy tiện và không tốn nhiều diện tích đỗ.

Rowan và mẹ tôi đã hứa sẽ quay trở lại Việt Nam vào một ngày không xa. Trước mắt tôi chưa có kế hoạch gì để đi du lịch, nhưng Việt Nam còn rất nhiều nơi tôi chưa khám phá. Tôi rất muốn khám phá Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới. Tôi còn muốn cắm trại trong rừng ở Đà Lạt, đi chùa lớn nhất Việt Nam ở Ninh Bình, hay đi chợ miền Tây… Việt Nam lúc nào cũng có nhiều điều mới mẻ chờ đợi bạn.

4 nỗi sợ về du lịch Việt trong mắt thầy giáo Tây

“Sau 5 năm sống ở Việt Nam, tôi hình thành lối suy nghĩ khá tiêu cực khi gặp người nào bán giá đúng cho người nước ngoài”, Jesse Peterson, giáo viên tiếng Anh người Canada chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn