Mùa bão năm nay ở miền Trung được dự báo không cực đoan như năm 2020 nhưng vẫn có khả năng 2-3 cơn bão nối nhau.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra bản tin dự báo mùa, trong đó nhấn mạnh diễn biến mùa bão năm nay tại Trung Bộ. Khu vực này vừa kết thúc đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5.
Theo các chuyên gia, cao điểm mùa mưa bão năm nay ở Trung Bộ là tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12. Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.
Tổ hợp bão kèm không khí lạnh
Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết để dự báo được mức độ cực đoan của mùa bão trên Biển Đông, các chuyên gia khí tượng dựa vào cơ sở chính là hiện tượng El Nino và La Nina.
Với nhận định mới nhất của các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, những tháng cuối năm nay và sang đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương dần chuyển sang pha lạnh (La Nina – trái ngược với pha nóng là El Nino).
Trong khi đó, vào những năm La Nina, mùa bão thường diễn biến cực đoan. Dựa trên cơ sở này, bà Lan cho biết bão trên Biển Đông sẽ dồn dập trong những tháng tới và có xu hướng cực đoan.
Vừa kết thúc đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5, các tỉnh Trung Bộ khả năng hứng thêm một cơn bão vào nửa cuối tháng 9. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Chuyên gia cũng cho biết vào tháng 10, ngoài bão ở Biển Đông thì phía Bắc còn có sự hoạt động của không khí lạnh. Đây là tổ hợp hình thế thời tiết rất bất lợi. Bão vào kèm theo không khí lạnh, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, các đợt mưa lớn ở miền Trung sẽ kéo dài.
“Năm 2020, trong vòng một tháng rưỡi, khu vực chịu ảnh hưởng của 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Năm nay không lặp lại như vậy, nhưng 3-4 cơn liên tiếp là có thể xảy ra. Lũ do đợt mưa này chưa kịp rút thì lại đến đợt mưa khác”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bà Lan cũng cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, không loại trừ khả năng Biển Đông hứng chịu những cơn bão mạnh hoặc siêu bão trong thời gian tới. Nguyên nhân là nhiệt độ khí quyển tăng sẽ tạo điều kiện cung cấp năng lượng cho bão ngày càng mạnh lên.
Miền Trung có thể hứng chịu 2-3 cơn bão nối nhau
Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina từ khoảng tháng 10 và duy trì cường độ yếu đến hết năm 2021. Đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm và trong trạng thái pha lạnh.
Chuyên gia nhận định từ giữa tháng 9 đến hết năm 2021, Biển Đông còn xuất hiện 6-8 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Ông nhấn mạnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập xảy ra thời gian tới, đặc biệt trong tháng 10. Sang nửa đầu tháng 12, khu vực tiếp tục xuất hiện các đợt mưa vừa đến mưa to.
“Nhiều khả năng, trong tháng 1/2022, bão hoặc áp thấp nhiệt đới vẫn còn xuất hiện trên khu vực phía nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ”, ông Hưởng thông tin.
Miền Trung trải qua mùa mưa lũ lịch sử năm 2020 khi hứng chịu liên tiếp ảnh hưởng của 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong vòng 1,5 tháng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trong tháng 10/2020, miền Trung hứng chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Kịch bản này khả năng không lặp lại trong năm nay, nhưng 2-3 cơn liên tiếp thì có thể xảy ra.
“Tháng 9 vẫn chưa phải cao điểm của mùa bão. Chúng tôi nhận định cao điểm năm nay sẽ kéo dài trong tháng 10, 11 và có thể sang tháng 12. Thời gian tới, Biển Đông có khả năng hứng các cơn bão nối tiếp nhau”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, đại diện cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Hình thái này có xu hướng gia tăng tần suất trong các tháng chính của mùa đông.
Miền Bắc có thể đón các đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông vào khoảng giữa tháng 12. Nhiệt độ trung bình của mùa đông năm 2021-2022 có xu hướng thấp hơn cùng kỳ năm 2020-2021.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mùa mưa khả năng kết thúc muộn. Trong mùa khô năm 2022, khu vực nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.
Đáng lưu ý, đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10. Tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, đỉnh lũ ở trên báo động 2 và báo động 3, gây nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long.
Cơ quan khí tượng cho biết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít khả năng có lũ lớn, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến khu vực.
Nguồn: News.zing.vn