Mổ cấp cứu tháo lồng ruột cho bé 14 tháng tuổi

0
47

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn trớ nhiều và sốt, đau bụng, các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu.

Ngày 28/6, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh nhi là S.N.H., 14 tháng tuổi, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Bé H. nhập viện trong tình trạng nôn trớ nhiều, đau bụng, quấy khóc, bụng chướng rõ, sốt, đại tiện phân lỏng.

Trước đó, trẻ được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh nhưng không đỡ, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Sau thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán lồng ruột. Bé H. được hội chẩn chuyên khoa và chỉ định mổ cấp cứu. Hiện tình trạng trẻ ổn định và được điều trị tích cực tại khoa Ngoại Tổng hợp.

Mo cap cuu thao long ruot anh 1

Bệnh nhi được điều trị tích cực sau ca mổ cấp cứu. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp cho biết lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em. Tình trạng này xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn ruột kế cận. Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Tuy nhiên, trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, bác sĩ có thể phải lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em chưa được xác định rõ ràng. Một số giả thuyết như do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc liên quan các viêm đường hô hấp.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan và luôn chú ý biểu hiện sức khỏe của con. Đặc biệt là các biểu hiện như đau bụng cơn hoặc khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn. Cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú… Gia đình cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

Lồng ruột sau khi tháo có thể bị lại ngay sau một vài giờ hoặc nhiều ngày. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm các dấu hiệu để đưa trẻ quay lại viện kịp thời. Những trẻ đã từng bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lần hai.

Sau khi tháo lồng, phụ huynh cần lưu ý theo dõi chặt chẽ, không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều, ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sĩ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát như đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn, đi ngoài ra máu, chướng bụng… Nếu phát hiện quá muộn, trẻ có thể phải trải qua cuộc mổ để tháo lồng do ruột bị hoại tử.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn