Việt Nam đang trên đà phát triển du lịch mạnh mẽ nhưng mọi thứ đã gián đoạn suốt 2 năm qua vì Covid-19. Nhiều chuyên gia tin mở cửa du lịch là giải pháp tốt nhất lúc này.
Bức tranh du lịch Việt Nam gần 2 năm qua có thể được miêu tả bằng từ “ảm đạm”. Đây là điều ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam – nhận định tại diễn đàn “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn” do báo Dân Trí tổ chức. Để đưa du lịch Việt Nam trở lại con đường phát triển, mở cửa là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc mở sao cho an toàn, hiệu quả lại là bài toán cần tìm lời giải.
Vì sao cần mở cửa?
“Thiệt hại về du lịch rất lớn. Thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên, tiếp đà những năm trước. Chúng ta đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019.
Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020″, ông Khánh chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề cao việc mở lại du lịch. Ảnh: Mạnh Quân. |
Sau 4 đợt dịch, đặc biệt đợt dịch thứ 4 kéo dài vừa qua, nguồn lực của doanh nghiệp gần như cạn kiệt. Tính đến thời điểm này, du lịch coi như đã chạm đáy. Do đó, việc khôi phục du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách với những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch.
Mở cửa du lịch sẽ giúp hoạt động du lịch dần trở lại. Ngoài ra, khi du lịch trở lại, các doanh nghiệp có thể kết nối lại với đối tác, bạn hàng và tìm kiếm thị trường sau 2 năm “đứt gãy”.
Mặt khác, số lao động trong ngành này cũng đã phân tán nhiều sau những lần đóng/mở vì dịch. Đây là bộ phận quan trọng bậc nhất với ngành du lịch. Khi du lịch hoạt động bình thường, các doanh nghiệp có thể khởi động việc thu hút, đào tạo lại nhân lực đặc thù. Dùng từ “đặc thù” bởi nhân lực ngành này được đào tạo đặc biệt và cần bồi dưỡng thường xuyên.
“Cuối cùng, việc mở lại du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích giúp phục hồi lại các ngành nghề khác trong kinh tế. Chúng tôi đánh giá đây là thời điểm chín muồi để triển khai. Chủ trương của Đảng, Chính phủ trong thời gian vừa qua cũng ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh”, đại diện Tổng cục Du lịch nói.
Mở rồi đóng?
Câu chuyện đóng mở như công tắc của du lịch Việt Nam đã trở thành điều quen thuộc suốt 2 năm qua. Khi các doanh nghiệp chỉ rục rịch mở lại, một vài ca nhiễm xuất hiện và mọi thứ lại “đóng băng”.
Điều này gây tổn thất lớn với những người làm du lịch bởi việc mở lại một hệ thống lớn chưa bao giờ đơn giản. Ngoài ra, chuyện đền bù cho những khách đã đặt cũng gây nên nhiều tranh cãi suốt thời gian dài.
Trong khuôn khổ diễn đàn, một độc giả đã bày tỏ sự lo lắng về việc “mở ra không quản được lại đóng”. Theo độc giả này, việc đóng mở liên tục không chỉ khiến doanh nghiệp hụt hơi, nó còn ảnh hưởng đến tâm lý du lịch của người dân.
Nhân sự là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi nghĩ tới chuyện mở lại du lịch. Ảnh: Vietravel. |
Giải đáp thắc mắc này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: “Chúng ta cũng đã vật lộn với Covid-19 và cũng rút ra những bài học, kinh nghiệm từ quản trị, công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp…
Đây là điều kiện để các doanh nghiệp xem xét việc chuyển đổi thế nào để phù hợp với tình hình bình thường mới. Điều này cần có những chương trình, hành động cụ thể”.
Những đợt mở đóng liên tục cũng khiến nhân sự du lịch buộc phải chuyển nghề. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành thừa nhận họ phải rất khó khăn để giữ chân các nhân sự chính. Chuyện nhân sự bỏ việc, về quê không phải vấn đề hiếm gặp.
Khi Việt Nam đang từng bước mở lại du lịch, vấn đề nhân sự tiếp tục được đặt ra. Liệu các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch còn đủ nhân sự để đáp ứng việc tổ chức các tour tuyến, đưa đón khách “an toàn” theo đúng tiêu chí đề ra hay không?
Việc mở, đóng du lịch liên tục khiến nhiều bên ảnh hưởng. Ảnh: Booking. |
Ông Bình nhận xét hiện lực lượng lao động trong ngành du lịch đã giảm nhiều, số lượng doanh nghiệp cũng suy giảm. Vì vậy băn khoăn này của các du khách cũng là dễ hiểu. Đại dịch Covid-19 xuất hiện gây ra nhiều khó khăn, “hủy diệt” hàng loạt hoạt động nhưng cũng xuất hiện thêm các nhân tố mới.
“Những lực lượng mạnh mẽ vượt qua được giai đoạn này phải là những người tài giỏi, năng lực đủ mạnh để họ tồn tại được. Ngoài ra, trong đại dịch vẫn xuất hiện những doanh nghiệp mới. Khi có nhu cầu thì lập tức sẽ xuất hiện những dịch vụ đáp ứng.
Có thể ban đầu hơi chệnh choạng nhưng tôi tin với kinh nghiệm hơn 60 năm của ngành du lịch Việt Nam, những chuyện này họ sẽ làm rất nhanh. Tôi nghĩ, khách du lịch cũng không nên lo lắng quá, hãy tin tưởng ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh và đáp ứng nhu cầu của khách”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm.
Nguồn: News.zing.vn