Mỗi chuyến du hành là một quá trình khám phá

0
189

Tôi thấy từ du hành trong tiếng Việt rất hay. Du hành mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là đi. Mỗi chuyến du hành không chỉ là đi, mà còn là cả một quá trình tìm tòi, khám phá và học hỏi.

Trong mỗi chuyến đi, có biết bao điều nhỏ nhoi lượm lặt được dọc đường làm ta phải suy nghĩ, và từ bao giờ không biết, ta thay đổi thái độ sống.

1. Buổi sáng, tôi dậy sớm, vác máy lòng vòng quanh đảo chụp hình. Đang lang thang dọc bờ biển, tôi chợt thấy xa xa bóng dáng người đàn bà và một con chó y như trong truyện của Anton Tschekow. Người đàn bà ăn mặc giản dị, dáng vẻ nhanh nhẹn đi trước, tay cầm một nắm bông sứ vừa hái. Con chó vàng lông dài thong dong theo sau. Ánh sáng ban mai xuyên qua những bụi cây, chiếu vào chị, rồi chiếu vào con chó khiến bộ lông của nó vàng rực lên trong nắng sớm Gương mặt chị ánh lên một vẻ an bình, hiền hậu của một người biết rất rõ mình đang ở đâu và có gì. Tôi tiếc vì mình không đứng gần họ hơn để bắt được khoảnh khắc ấy.

Moi chuyen du hanh la mot qua trinh kham pha hinh anh 1
Nữ “chúa đảo” và chú chó cưng.

Buổi chiều, ngồi ngắm hoàng hôn bên quầy bar ngay trên mặt biển ở vịnh Đầm Môn (Khánh Hòa), tôi thấy thật yên bình. Gió rì rào thổi, và sóng dập dìu dưới chân. Nghe tiếng động sau lưng, tôi quay lại thấy người đàn bà và con chó. Con chó không hề nhỏ, vẫy đuôi tiến lại gần và dụi đầu vào chân tôi. Thật là kỳ lạ, một người cứ thấy chó là mặt xanh như tàu lá như tôi lại không thấy chút sợ hãi nào.

Chủ nhân nói bằng tiếng Pháp với con chó, và nó khoanh đuôi nằm xuống, yên bình, lim dim mắt dưới chân tôi. Hóa ra nó chỉ hiểu tiếng Pháp. Trong buổi hoàng hôn ấy, vị nữ chúa đảo kể cho tôi nghe về sự hình thành của resort, cực nhọc thế nào, vất vả ra sao, để niềm đam mê của chị trở thành hiện thực và chị trở thành Robinson. Không nước ngọt, không điện, không nhà… chỉ đá và rừng, từ đây đã mọc lên những bungalow xinh xắn dưới hàng dừa và một nơi bình yên chim hót cho những người như tôi tìm về.

Chú chó là quà tặng từ Hà Giang, đã ở với vợ chồng chị từ hồi nhỏ xíu và đồng hành cùng họ mấy mươi năm trời trên mọi nẻo đường Việt – Pháp. Câu chuyện cứ dài ra mãi giữa những tâm hồn đồng điệu về chuyện du hành, chuyện làm lữ hành và niềm đam mê gìn giữ phong cảnh quê hương.

Cuộc gặp gỡ cũng tình cờ như bao cuộc gặp gỡ khác. Nhưng tôi không quên được chú chó lông vàng giống Hà Giang to lớn như một con sói, “nói” được tiếng Pháp cùng hình ảnh nữ chúa đảo trong nắng mai.

2. Trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) có một bãi tắm cát trắng phau mang tên Xuân Đừng. Để vào được bãi tắm và nhà hàng hải sản trên đó phải đi bè. Bè là những thanh tre nứa kết lại đặt trên những thùng xốp lớn. Nỗi háo hức trước một phong cảnh mới khiến tôi không mấy chú ý tới người điều khiển bè khi tàu cập bến. Chỉ tới khi ngồi trên bè để quay trở về tàu, câu chuyện của cậu lái tàu và người đàn ông điều khiển bè vô tình lọt vào tai.

– “ Mấy anh chị có thư từ về cho ông không?

– Tụi nó có đời tụi nó, cậu à.

– Chứ vậy ông sống bằng chi? Đủ không? Bà có nhúc nhắc được gì chưa?”…

Ông cụ đã 86 tuổi, vẫn ngày ngày dầm nước kéo bè chuyên chở khách vào ra giữa tàu và nhà hàng, dầm nửa người trong nước và gồng mình để tháo, gắn và xoay cái bè lớn đưa khách vào bờ. Ông nói ông già rồi, gân cốt nhức mỏi lắm, nhưng vẫn phải làm, vì bà bị tai biến, nằm một chỗ rồi, “mà con thì cũng có đời của tụi nó cô à!”. “Đời của tụi nó” – theo lời kể của câu lái tàu với tôi, là ở nước ngoài. “Thi thoảng, chắc cũng có thư từ, chị à”.

Người vùng này nói câu gì xong cũng kèm theo “chị à”, nghe xong muốn chết lặng nửa người. Nước mắt theo tiếng “à” chảy ngược vô trong.

Moi chuyen du hanh la mot qua trinh kham pha hinh anh 2
Chiếc bè kết từ tre nữa và thùng xốp chở khách vào bãi Xuân Đừng.

3. Tôi vừa bước xuống cầu tàu, một người đàn ông giọng Bắc chặn lại: “Chị đi thăm làng?”. Thói quen ngờ vực của người thành phố khiến tôi dè dặt: “Vâng, có sao không anh?”.

Hoá ra anh là một trong bốn chiến sĩ ở trạm biên phòng đặt trên làng chài này. Họ thay nhau gác trạm và về đất liền. Nối với đất là bán đảo, nhưng hóa ra lại thành đảo, vì không có đường trên đất kết nối với làng. Theo tay anh chỉ, đập vào mắt tôi là những núi cát đầy cỏ dại, ba bề còn lại là biển. Tàu thuyền là phương tiện duy nhất để đi lại. Một ngôi chợ nhỏ họp trước cửa đình nhìn thẳng ra bến cá và biển. Ngay từ khi còn ngoài khơi xa, ngôi làng đã cuốn hút tôi nhờ những mái ngói đỏ rêu phong và một ngôi chùa trên ngọn đồi cao.

Nơi đây có đủ đình, miếu và chùa. Sau khi lên chùa lễ Phật và chụp những tấm hình không thể tuyệt vời hơn từ trên cao, tôi lang thang đi xuyên qua làng ra bãi sau. Đường làng sạch sẽ và cũng không mùi cá như ở những làng chài khác mà tôi từng ghé thăm. Những ánh mắt lấp ló sau cửa, không e dè, nhưng cũng không quá sỗ sàng.

Nơi đây có lẽ hiếm khi có người lạ. Nhà nào nhà nấy vô cùng ngăn nắp, dù không phải nhà nào cũng có vẻ khá giả. Những chậu hoa trước cửa, lưới và quần áo phơi trên hàng rào. Chẳng mấy chốc mà tôi đã thấy một đám đông trẻ nít xung quanh mình. “Không phải Mỹ đâu” – chúng làm tôi cười thành tiếng và bấm máy lia lịa. Khi thấy khuôn mặt mình trong máy ảnh của tôi, chúng cười nắc nẻ và xô nhau dúi dụi, tranh nhau khen đứa này đẹp, đứa kia xấu. Trẻ con làng chài cũng vẫn là trẻ con thôi, phải không? Tự nhiên tôi thấy thèm được làm trẻ con quá, ở đâu cũng được!

4. Tôi phải tự nhận là mình có số may mắn, khi đi tới đâu cũng có người tình nguyện chụp hình cho. Ở Đà Lạt, đó là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, còn trên hoang đảo là một chàng người Pháp, mà nhìn cách chàng cầm máy là biết cũng “không phải dạng vừa đâu”. Nhờ vậy, tôi cũng có được kha khá hình lận lưng.

Cùng một gia đình Australia và cặp vợ chồng người Canada vui tính, chúng tôi thành một nhóm chit chat với nhau bên quầy bar mỗi ngày. Cặp người Australia mê lặn biển ngắm san hô. Cặp vợ chồng người Canada thức từ nửa đêm soi đèn đi tìm rắn để chụp hình. Tôi chưa thấy có sở thích gì ngộ đến thế.

Theo lời mấy cậu tiếp tân, ai hên lắm mới được gặp rắn trên đảo này. Số phận run rủi làm sao mà cái hên ấy lại rơi trúng vào tôi, mà không phải là mấy người suốt ngày đi tìm nhưng chưa từng nhìn thấy rắn kia.

Khi tôi vừa chụp xong những shoot hình trên đỉnh núi cao nhất và định tìm đường xuống từ tảng đá lớn, thì nghe tiếng hét: “Đứng im, có rắn!”. Trời ạ, tim tôi đập như phát cuồng và người đờ ra, dù chưa hề nhìn thấy rắn. Đầu óc tôi tê liệt, tưởng như nọc rắn đang chảy trong người rồi. Đó là một con rắn lục cực kỳ độc, khá lớn và dài đang trườn bên dưới tảng đá ngay chỗ tôi đứng. Hên là sau đó nó bỏ đi, không thì không biết chuyện gì đã xảy ra.

Moi chuyen du hanh la mot qua trinh kham pha hinh anh 3
Thuyền bè cập bến bên làng chài.

Sau chuyện này, tôi tự nhủ hai điều: đi rừng nhất thiết phải mang gậy phòng thân; và phải tìm hiểu bác Google, trong trường hợp gặp rắn thì phải làm gì.

Vậy mà chỉ đến chiều thôi, tôi đã lại giỡn hớt cười đùa với mấy người bạn nước ngoài vể chuyện rắn rết bên quần bar. Đúng là biển có khả năng chữa lành mọi thứ, kể cả nỗi sợ hãi.

Chuyến đi nào cũng vậy, với tôi, đó là một quá trình trải nghiệm khác biệt, là được sống thêm nhiều cuộc đời mà nếu ở nhà, ta sẽ hiếm khi có được.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn