Móng Cái bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

0
128

Nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, Móng Cái là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nghi lễ rước thần trong Lễ hội đình Trà Cổ năm 2017. Ảnh: Trần Minh

Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, từ đầu năm 2017, TP Móng Cái đã tổ chức, quản lý, giám sát đối với hoạt động của 11 lễ hội. Trong đó, thành phố đã tổ chức thành công Lễ hội đình Trà Cổ năm 2017 với tục thi “Ông Voi” độc đáo, thu hút trên 3.000 người dân, du khách tham dự. Cơ quan chức năng của thành phố đã giám sát các dự án trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc, chùa Nam Thọ, Linh Sơn, Xuân Lan, miếu thành hoàng khu Tràng Vỹ, phục hồi chùa Vạn Ninh…

Ngày 20/7/2017, TP Móng Cái phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ đúc chuông đền Xã Tắc. Chuông có đường kính miệng 1,27m, chiều cao 2,45m, nặng 1,5 tấn, được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Đền Xã Tắc khẳng định nét đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam tại vùng biên cương Tổ quốc. Đền được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đền Xã Tắc. Dự án đến nay cơ bản hoàn thành đã tạo nên một khu di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và là một trong 15 điểm du lịch trên địa bàn thành phố.

Trong thời gian qua, thành phố đã có thêm 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là nhà bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ và miếu Thác Ngựa; đã triển khai lập hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng di tích địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Móng Cái. Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.

Tính đến nay, 44 di tích trên địa bàn Móng Cái đã được thành phố triển khai công tác khoanh vùng, lập bia, bảo tồn, lưu giữ tư liệu; đã triển khai kiểm kê, hoàn thiện hồ sơ lưu giữ tư liệu đối với 40 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao kiểm kê đối với 7 loại hình: Lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Hiện trên địa bàn Móng Cái có 6 CLB văn nghệ dân gian, 5 CLB hát đối cổ…

Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, TP Móng Cái luôn quan tâm tới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản văn hoá, thông qua việc cử cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các đợt tập huấn về di sản văn hoá do Sở Văn hoá, Thể thao tổ chức như: Tìm hiểu Luật Di sản văn hoá, nghiệp vụ kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể, quản lý và tu bổ di tích… Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống trên cơ sở tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư, nhất là nhân dân địa phương để triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thời gian tới, TP Móng Cái tiếp tục có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá của thành phố, tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Trung Thành

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn