Nhiều nhà mốt thiết kế pyjama, váy ngủ trong các bộ sưu tập thời trang để phá bỏ rào cản định kiến dành cho nữ giới.
Sáng 20/8, Ninh Dương Lan Ngọc có mặt ở sân bay, lên đường sang Hàn Quốc ghi hình chương trình sau vài tháng gián đoạn. Hình ảnh của nữ diễn viên nhanh chóng nhận nhiều phản ứng trái chiều về bộ đồ ngủ bằng lụa, không chỉn chu khi xuất hiện ở nơi công cộng vì cô là “người của công chúng”.
Tuy nhiên, câu chuyện các ngôi sao trên thế giới mặc đồ ngủ tham dự các sự kiện hay xuất hiện trên đường phố đã có từ lâu. Thậm chí, các nhà mốt quốc tế như Louis Vuitton, Dolce&Gabbana hay Céline cũng từng lăng xê thiết kế váy ngủ, pyjama trên sàn diễn thời trang.
Lan Ngọc bị chỉ trích vì mặc bộ lụa hai dây ra sân bay. Ảnh: Maison de Bil. |
Lịch sử của đồ ngủ
Ý niệm về trang phục ngủ bắt đầu xuất hiện từ thời Rococo (1650-1800). Vào thế kỷ 17 ở châu Âu, một bộ trang phục ngủ phải đề cao sự thoải mái.
Kiểu đồ ngủ đầu tiên xuất hiện là chiếc váy lót negligée ở thời vua Louis XIV. Thiết kế có chất liệu mỏng nhẹ và được mặc khi phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, trang điểm và làm tóc vào buổi sáng.
Đến thế kỷ 18, người dẫn đầu xu hướng thời trang là Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette và nữ công tước xứ Devonshire của Anh. Cả hai tiên phong mặc váy hai dây mỏng kèm thắt lưng đến nơi công cộng.
Đến những năm 1930-1940, pyjama cũng trở thành món đồ tiện dụng cho bãi biển, phụ nữ có thể mặc ra ngoài. Người mặc dễ dàng diện trang phục này phủ lên đồ bơi để giữ ấm hoặc tạo sự kín đáo.
Thời điểm bấy giờ, những món đồ này trở thành biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ. Phom dáng rộng rãi, không bó buộc của pyjama hay chiếc váy ngủ mỏng manh được các quý cô châu Âu trưng dụng. Coco Chanel nhiều lần mặc đồ ngủ làm bằng lụa cao cấp và dây chuyền ngọc trai chuỗi dài. Món đồ này trở thành nét đặc trưng của bà.
Theo tạp chí ELLE, những năm 1930, một nguyên tắc ở Hollywood chính là các nữ diễn viên xuất hiện trên màn ảnh đều phải một lần mặc váy ngủ.
Sau trào lưu này, một bài viết trên tạp chí thời trang Nova năm 1969 đã đánh dấu cuộc cách mạng mặc nội y, đồ ngủ như trang phục bình thường. Bài viết cho rằng con người luôn sợ bị đánh giá về đạo đức trong cách ăn mặc, nhưng phụ nữ hãy mặc tự nhiên như thể bạn chủ ý mặc như vậy.
Những bộ pyjama, váy ngủ xuất hiện nhiều trên phim ảnh những năm 1930, 1940. Ảnh: Harper’s Bazaar. |
Lăng xê trên sàn diễn thời trang
Những năm 1990, đồ ngủ trở thành trào lưu thời trang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới. Năm 1996, Công nương Diana mặc váy ngủ của Dior đến sự kiện Met Ball sau khi ly hôn, được giới mộ điệu đánh giá cao. Bởi, trang phục không hề phản cảm, ngược lại còn mang đến vẻ gợi cảm, sang trọng cho người mặc.
Thậm chí, Kate Moss tạo tiếng vang cho chiếc váy ngủ khi diện thiết kế xuyên thấu màu bạc của Liza Bruce xuống phố năm 1993. Nhiều tạp chí quốc tế cho rằng trang phục của siêu mẫu đã thể hiện vẻ nổi loạn, gợi cảm chừng mực của người phụ nữ thời bấy giờ.
Chưa dừng lại ở đó, sang đến những năm 2000, chiếc váy ngủ hay trang phục pyjama còn trở thành một món đồ được các nhà mốt quốc tế ưa chuộng. Những bộ đồ ngủ được giới thiệu trong BST Thu – Đông 2009 của thương hiệu Dolce & Gabbana. Tiếp theo đó, một vài mẫu thiết kế đã được ghi nhận trong buổi trình diễn BST của Marc Jacobs lấy cảm hứng từ phong cách Thượng Hải, Trung Quốc.
Váy ngủ từng được các ngôi sao thế giới ưa chuộng trong những năm 1990. Ảnh: Vogue, ELLE. |
Bộ sưu tập 2013 của Louis Vuitton cũng tạo nên bước ngoặc cho những chiếc váy ngủ khi các thiết kế này xuất hiện trên khắp các Tuần lễ thời trang ở Paris, London, Milan… Nhiều thương hiệu bình dân nhái lại sản phẩm của nhà mốt Pháp, giúp hình ảnh chiếc váy ngủ trở nên phủ sóng, lan rộng khắp thế giới, tạo nên cuộc tranh cãi về lằn ranh gợi cảm và phản cảm.
Show diễn năm 2015 của Givenchy càng khẳng định thêm sự xa xỉ của những chiếc váy ngủ. Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci ra mắt loạt thiết kế làm từ lụa satin và ren mỏng sáng tạo thành trang phục mặc ra phố.
Trong show diễn của Céline thời Phoebe Philo cũng lăng xê chiếc váy lụa trắng khoét sâu, đắp ren đen ở vòng một giúp người phụ nữ có thể thoải mái mặc đồ gợi cảm, nhưng không phô phang.
Vogue còn dành một bài viết chia sẻ về câu chuyện trang phục ngủ. Tạp chí thời trang cho rằng những chiếc váy ngủ hai dây mỏng, khoe lưng trần cho thấy một hình ảnh thời trang lãng mạn hơn là điều trần tục chốn khuê phòng.
“Váy ngủ là dáng đầm cơ bản nhất. Nó cũng giống như một chiếc áo T-shirt. Có nhiều cách để thiết kế luôn mới và khác lạ mỗi mùa”, tạp chí ELLE bày tỏ quan điểm.
Đồ pyjama hay váy ngủ được lăng xê nhiều trên sàn diễn thời trang những năm 2010. Ảnh: Vogue. |
Thậm chí, bộ pyjama mặc ở nhà hay chiếc váy ngủ còn trở thành món đồ không thể thiếu của dàn sao quốc tế. Họ không chỉ diện món đồ này trên phố mà còn xuất hiện trong các sự kiện thảm đỏ.
Bởi, những người phụ nữ trưởng thành, họ tìm kiếm một vẻ đẹp của sự thoải mái, dễ chịu không phải gò bó trong những khuôn khổ phép tắc, chuẩn mực của phom dáng trang phục.
Selena Gomez, Gigi Hadid, Zendaya, Kesha và nhiều ngôi sao khác đã chứng minh mốt mặc đồ ngủ cũng phổ biến trong giới giải trí. Họ có công thức phối đồ để giúp bản thân trông nổi bật, sang trọng dù khoác lên mình bộ pyjama.
Những bộ đồ mặc ở nhà thoải mái ngày càng phổ biến và thay thế cho kiểu áo ngủ rườm rà trước đây. Nó không bó hẹp trong trang phục của giới thượng lưu. Giờ đây, ai cũng có thể mặc.
Các nhà mốt thế giới đồng loạt cho rằng thời nay khi mốt ngực trần, khoe nội y hay phụ kiện hình bộ phận nhạy cảm xuất hiện, trào lưu mặc đồ ngủ ra phố không thể coi là phản cảm. Bộ trang phục ngủ đơn giản nhưng đa năng, gợi cảm pha chút nổi loạn là những giá trị mà thời trang thế giới tôn thờ và xu thế của tương lai.
Các sao quốc tế diện pyjama trên đường phố hay các sự kiện thảm đỏ. Ảnh: Who What Wear, The Cut. |
Nguồn: News.zing.vn