Mùa hè đi tắm thác, săn cá heo ở Nam Lào

0
195

Chưa bao giờ tôi thấy một con thác nào hùng vĩ và hung tợn như Khone – thác lớn nhất Đông Nam Á. Những con sóng trắng xoá ập xuống lòng sông một cách hung bạo.

Trước nay nghĩ đến Lào, có lẽ phượt thủ chỉ nghĩ đến cung đường phổ biến là cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) để qua Vientiane. Nhưng nếu bạn ở TP HCM, muốn đi Lào mà không muốn ngược ra Bắc Trung Bộ thì có một cách tuyệt vời: bắt xe lên Kon Tum, sang Pakse và khám phá Nam Lào. Đây là đường đi gần nhất từ Việt Nam qua tới Pakse của Lào.

Từ TP HCM cũng có xe Bình Minh ở Gò Vấp đưa bạn đi thẳng sang Lào, tuy nhiên việc di chuyển liên tục cả ngày trên xe sẽ khiến bạn mệt nhừ. Trong khi đó, Kon Tum là một điểm đến hoang sơ, rất thú vị của Tây Nguyên mà bạn không nên bỏ qua. Để tranh thủ “check in” Kon Tum, tôi bắt xe giường nằm đêm từ Sài Gòn đến Kon Tum vào sáng sớm và có nguyên một ngày khám phá thành phố núi hiền hoà, xinh đẹp.

Để cho chắc ăn, tôi đặt trước xe Diên Hồng mỗi ngày một chuyến đi Pakse từ Gia Lai đến đón ngay tại bến xe Kon Tum vào 8h sáng hôm sau. Giá vé là 290.000 đồng.

Rời cửa khẩu Bờ Y, xe bắt đầu tiến vào địa phận Nam Lào trên con đường rừng nhỏ xíu, cong lượn muốn ná thở với hai bên chỉ toàn là rừng với núi hoang vu, heo hút.

Chiếc xe mệt mỏi đưa chúng tôi đến thành phố Pakse (thủ phủ tỉnh Champasak) lúc 17h. Pakse có một khu phố Tây không quá sầm uất như phố Bùi Viện ở TP HCM, và khá nhiều phòng nghỉ bình dân với giá từ 250.000 đồng trở lên.

Sau khi tắm rửa, chúng tôi đi kiếm đồ ăn. Theo sự hướng dẫn của một chị người Huế ở Lào đã lâu, chúng tôi xuống xóm Việt kiều để tìm đồ ăn tối. Muốn ăn món ăn nước nên chúng tôi quyết định thử phở Lào. Cũng là phở nhưng phở Lào có vị khác hẳn và không ngon bằng phở Việt, giá 30.000 đồng một tô.

Chúng tôi lê la đi bắt chuyện với các gia đình Việt kiều ở đây, và nghe được nhiều chuyện rất thú vị. Đàn ông Việt Nam ở Lào rất có giá. Các chị em phụ nữ Lào được hỏi đều thích đàn ông Việt Nam hơn vì họ lanh lẹ, biết làm ăn và chăm sóc gia đình, trong khi đàn ông Lào quá hiền, thàn ra chậm tiến. Ngồi tán dóc đến 22h, cúng tôi về phòng ngủ, chuẩn bị cho chuyến đi mong đợi đến Siphadon – hay còn có tên gọi gây tò mò là 4.000 đảo – vào sáng hôm sau.

Từ Pakse tôi đón xe buýt đi Si Phan Don với giá 55.000 kip (tương đương 130.000 đồng) với hành trình 4 tiếng. Xe dừng ở một bến thuyền để đi qua bên kia các đảo. Nói là 4.000 đảo, nhưng thực tế chỉ có ba đảo có dân phượt đến “đập phá”, trong đó tôi chọn Don Det vì đảo này đông vui nhất.

Nhà trọ trên đảo rất rẻ. Chỉ từ 60.000 đồng, bạn đã có được một căn nhà gỗ đơn sơ nhưng xinh xắn. Là đứa đi bụi bủn xỉn, chưa bao giờ tôi xì ra một đồng mua tour du lịch, nhưng đã đến 4.000 đảo thì nhất định phải tour đi ngắm cá heo.

Lào không có biển, nhưng có tới 4.000 đảo, đã vậy lại còn có đàn cá heo khoảng 50 con. Nghe lạ chưa? Nhưng đây là loài cá heo nước ngọt. Cá heo hồng Irrawaddy rất quý hiếm. Ngoài Lào, chỉ hai nước khác ở Ấn Độ và Malaysia có loài này.

Tour này có giá hơi chát, khoảng 150.000 kip (gần 400.000 đồng), nhưng đáng đồng tiền bát gạo, vì ngoài săn cá heo, chúng tôi còn được tham quan cả thác Khone – con thác lớn nhất Đông Nam Á. Ăn sáng, ăn trưa và nước uống cũng đã được bao gồm trong tour. 

Mua he di tam thac, san ca heo o Nam Lao hinh anh 1

Những căn nhà gỗ đơn sơ, xinh xắn trên đảo.

“Phục kích” cá heo bằng gì? Thuyền Kayak nhé!  Hai người chia nhau chèo thuyền. Tôi chưa bao giờ chèo kayak,lại phải chèo giữa dòng sông Mekong, nê thấy hơi khớp. Cũng may anh bạn đồng hành người Ai len là tay kayaking có kinh nghiệm, nên cũng đỡ lo.

Đến khúc sông phục kích, anh chèo thuyền đưa ngón trỏ lên miệng ra giấu im lặng, bắt đầu cất tiếng hát du dương, trầm bổng. Một hai đuôi cá heo thoắt ẩn thoắt hiện, rồi chúng lộn nhào tốc độ nhanh đến độ chúng tôi chỉ kịp thấy hình dáng mơ hồ.

Cả đoàn chờ thêm nửa tiếng nữa, cũng lại cảnh tương tự. Mọi người vừa phấn khích lại vừa nuối tiếc. Anh hướng dẫn an ủi: “Hôm nay mọi người may còn thấy được… đuôi cá heo, chứ hôm qua các đoàn đi còn không thấy được con nào”. Chúng tôi chính thức đặt tên tour là tour “Cá heo hên xui”, nhưng cảm giác hồi hộp chờ đợi vẫn vui.

Mua he di tam thac, san ca heo o Nam Lao hinh anh 2

Chèo kaya đi “săn” cá heo.

Gần 12h, chúng tôi chèo thuyền về một đảo nhỏ để ăn trưa. Cả đám ngồi hóng BBQ, vì trong lịch trình tour ghi thế, mãi đến nửa bữa ăn rồi mới biết những thứ mình đang ăn chính là BBQ. Đó chính là mấy cái xiên que toàn cà rốt, hành tây, ớt chuông… đem đi nướng. “Vạch lá tìm sâu” mới thấy được miếng thịt. Một lời khuyên chân thành là các anh trai chèo thuyền chủ lực nên mang theo ít đồ ăn kèm theo, nếu không muốn bị đói.

Sau một chốc nghỉ ngơi sau bữa trưa, chúng tôi tiếp tục chèo thuyền đến ngắm thác Khone, con thác lớn nhất Đông Nam Á. Chưa bao giờ tôi thấy một con thác nào hùng vĩ và hung tợn như thế. Những con sóng trắng xoá ập xuống lòng sông một cách hung bạo, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

Trong cụm thác có những con thác nhỏ hơn, nước trong veo và mát rượ. Mùa hè mà tắm ở đây thì không còn gì sung sướng bằng. Màn tắm thác đã khép lại một ngày rong chơi sảng khoái trên dòng Mekong. Chúng tôi leo lên những chiếc xe lam về lại bến thuyền, từ đây lại chèo ngược thuyền về Don det. Dòng Mekong nhuộm vàng lấp lánh dưới ánh hoàng hôn. 

Mua he di tam thac, san ca heo o Nam Lao hinh anh 3

Thác Khone hùng vĩ.

Buổi tối ở Dondet cũng rất vui nhộn. Các quán bar dã chiến được dựng lên, đông nghẹt khách, mỗi người cầm một chai bia cười nói rôm rả. Chúng tôi ở lại Dondet thêm nửa ngày, thuê xe đạp đi lòng vòng đảo, đến trò chuyện với người địa phương trên đảo, rồi trở về căn nhà gỗ, nằm trên võng đọc sách, uống bia.

Đến trưa, tôi bắt xe trở về Pakse, dạo chợ và ăn tối bên dòng sông Mekong và chờ xe trở về lại Việt Nam. Bạn nhất định phải thử món cá nướng sông Mekong. Họ có cách ướp cá vô cùng đặc biệt, chỉ cần nếm thử một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn