Mua Kane sẽ không khiến Man City gặp rắc rối

0
Mua Kane sẽ không khiến Man City gặp rắc rối

Nửa xanh thành Manchester có thể chi tới hơn 250 triệu bảng trong hè này chỉ để hoàn tất hai thương vụ Jack Grealish (đã mua thành công – PV) và Harry Kane.

Bình luận

Man City anh 1

Grealish cập bến Etihad với giá 100 triệu bảng (118 triệu euro). Kane cũng động thái “bật đèn xanh” cho Man City. Đội bóng của HLV Pep Guardiola sẽ lại có một kỳ chuyển nhượng tốn kém nữa.

Tất cả diễn ra chỉ hơn một năm sau khi CLB này thoát khỏi án phạt vi phạm Luật Công bằng Tài chính (FFP) của UEFA. Vấn đề ở đây là nếu Man City mua cả Kane và Grealish với tổng số tiền trên dưới 250 triệu bảng (293 triệu euro), liệu họ có đứng trước rủi ro vi phạm FFP?

Câu trả lời là không có rủi ro nào. Man City đang tuân thủ FFP khá chuẩn mực vì họ không hề muốn tiếp tục gặp rắc rối.

Man City anh 2

Kane nằm trong tầm ngắm của Man City. Ảnh: Reuters.

Man City đang mua bán cầu thủ có lời

Những phát biểu của Pep Guardiola sau khi biết tin Messi đến PSG phản ánh phần nào cách chi tiêu của Man City hè này.

“Chúng tôi thu về 60 triệu bảng từ việc bán cầu thủ và sau đó chi 100 triệu bảng để chiêu mộ Jack Grealish”, Pep giải thích về cách Man City chi tiêu trên thị trường. Như vậy, CLB đang bị thâm hụt 40 triệu bảng.

HLV người Tây Ban Nha sau đó úp mở về việc Man City “lỡ” ký hợp đồng với Grealish, nên không thể “cố đấm ăn xôi” trong vụ Messi.

Một trong những nguyên lý mà người hâm mộ dễ thấy nhất trong cách mua bán cầu thủ của một CLB, đó là họ số tiền thực chi trên thị trường chuyển nhượng không được quá cao.

Hiểu nôm na đó là số tiền CLB dùng để mua cầu thủ không được chênh lệch quá cao với số tiền họ nhận được khi bán người.

Trong khi đó, FFP quy định các CLB phải cân đối giữa số tiền họ đã chi tiêu (từ lương và phí chuyển nhượng) với số tiền thu nhập từ các khoản khác nhau.

Về điểm này, Man City đang rất ổn. Tới nay, Man City đang có lời 38,8 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng.

Họ chỉ mới chiêu mộ thủ môn Scott Carson theo dạng chuyển nhượng tự do. Về mặt sổ sách kế toán, Man City chính thức bán Angelino cho Leipzig với giá 18 triệu euro, Jack Harrison cho Leeds United với giá 12,8 triệu euro và Lukas Nmecha cho Wolfsburg với giá 8 triệu euro.

Với việc nhận khoản tiền bản quyền truyền hình lớn mỗi năm, các CLB Premier League có thể chi khoản tiền chuyển nhượng lớn hơn so với các đối thủ ở La Liga hay Serie A mà vẫn đảm bảo FFP.

Giảng viên tài chính Kieran Maguire của trường Đại học Liverpool cho biết trong một kỳ chuyển nhượng, top 6 CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh có thể thực chi từ 80-100 triệu euro tùy theo doanh thu và quỹ lương của từng đội.

Thực tế, trong vòng 5 mùa giải gần đây, Man City đều thực chi trung bình khoảng 120 triệu euro để mua cầu thủ mỗi mùa (con số này chưa tính tiền lương).

So với PSG, một đội khác cũng sống nhờ nguồn tiền dầu mỏ, Man City trông có vẻ chi tiêu chừng mực hơn.

Man City anh 3

Kane là mục tiêu số 1 của Man City trong phiên chợ hè 2021. Ảnh: Analyst.

Man City không phải PSG

Đơn cử như trong mùa giải 2017/18, Man City thực chi tới 226 triệu euro để mua cầu thủ mới. Tuy nhiên, đến mùa giải 2018/19, đội chủ sân Etihad chỉ tiêu khoảng 21 triệu euro cho việc mua cầu thủ, để bù lại việc mua quá trớn mùa trước.

Hai mùa giải gần nhất, Man City đều thực chi từ 88 triệu euro (mùa 2019/20) đến 100 triệu euro (mùa 2020/21) để mua cầu thủ. Đây là con số không cao nếu so với việc tiền bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh đã tăng liên tục trong vài năm qua.

Bên cạnh đó, việc FFP chỉ tính lỗ lũy kế trong 3 mùa giải liên tiếp khiến Man City dễ thở hơn vì các hợp đồng mua cầu thủ thường được trả góp qua nhiều đợt.

Ví dụ, Man City bỏ ra 118 triệu euro mua Grealish, nhưng thực tế ngay trong hè 2021 này, họ có thể chỉ phải trả trước 30-40% số tiền kể trên cho Aston Villa. Phí chuyển nhượng cầu thủ luôn được các CLB chia ra nhiều lần trả, tùy theo thỏa thuận của hai CLB.

Đơn cử như Arsenal từng trả góp cho Lille trong vụ Pepe tới 5 năm. Dù cầu thủ có giá tới 84 triệu euro (72 triệu bảng), Arsenal ban đầu chỉ phải trả 23 triệu euro (20 triệu bảng). Inter Milan tới giờ vẫn còn nợ Man Utd khoảng 30-40 triệu euro tiền mua Romelu Lukaku.

Ông Maguire cho biết nguyên tắc hoạt động của FFP là nhìn vào bức tranh tổng thể, xác định việc chi tiêu của một CLB trong khoản thời gian dài chứ không tính khoản lỗ cụ thể ở một giai đoạn.

“Nếu Man City bỏ ra 293 triệu euro mua Kane và Grealish, chi phí mà FFP tính họ phải bỏ ra sẽ được chia nhỏ trong các hợp đồng 5 năm và 6 năm với cầu thủ”, giảng viên của trường Đại học Liverpool phân tích.

Ngược lại, theo nguyên tắc tài chính của FFP, khoản tiền bán cầu thủ lại được tính ngay lập tức vào bảng cân đối kế toán của CLB.

Nếu Man City bán thêm một cầu thủ trong đội một như Raheem Sterling hay Bernardo Silva với giá khoảng vài chục triệu, họ thậm chí có thể mua thêm cầu thủ sau Kane và Grealish.

Man City anh 4

Man City từ bỏ vụ Messi vì không muốn gặp rắc rối với UEFA. Ảnh: Sky Sports.

UEFA không thể làm khó Man City

Vào tháng 7/2020, Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) hủy bỏ án phạt cấm Man City dự cúp châu Âu của UEFA.

Phán quyết của CAS cho thấy nhiều lỗ hổng trong cách vận hành của FFP, bộ luật từng được kỳ vọng mang lại công bằng cho bóng đá hay chống lại tầm ảnh hưởng của các tỷ phú dầu mỏ.

Trong một bức email được Del Spiegel rò rỉ vào năm 2014, Ủy ban Điều tra của UEFA (IC) xác định được Man City lỗ tổng cộng 180 triệu euro trong khoảng thời gian 2 năm đó, vượt xa con số được cho phép là 45 triệu euro.

Tuy nhiên, các ông chủ người UAE của Man City lách luật bằng các ký thêm hợp đồng tài trợ từ các công ty của Abu Dhabi để tăng lợi nhuận.

Theo điều tra của Der Spiegel, Man City tìm cách xóa bỏ một số hạng mục sinh lỗ trong báo cáo tài chính của đội bóng.

Nói cách khác, Man City “phù phép” sổ sách. UEFA cho rằng điều này vi phạm FFP. Tuy nhiên, việc CAS công nhận tính hợp pháp của các hợp đồng tài trợ “ma” mà Man City dùng để lách FFP, khiến UEFA không thể làm gì.

Vào tháng 7/2021, City Football Group, tập đoàn sở hữu 100% cổ phần của Man City huy động được khoản vay lên tới 548 triệu euro, có thời hạn 7 năm. Thỏa thuận này còn lớn hơn số tiền Barca vay của Goldman Sachs (525 triệu euro), để trả một phần trong khoản 1,2 tỷ euro của mình.

Financial Times bình luận với số vốn mới này, City Football Group và Man City sẽ có thêm tiền để “làm những gì họ thích”. Vào năm ngoái, UEFA cũng xác nhận sẽ nới lỏng các quy định của FFP để giúp đỡ các CLB trong đại dịch.

Điều này đồng nghĩa Man City sẽ được phép lỗ nhiều hơn trong mùa giải mới. Trong cuộc gặp thường niên giữa UEFA và EU vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính của UEFA, Andrea Traverso, thừa nhận nhiều quy định của FFP không còn phù hợp trong điều kiện các CLB gặp khủng hoảng vì dịch bệnh.

Lo lắng lớn nhất của Man City là việc căn cứ theo quyết định của CAS vào tháng 7 vừa qua, ban tổ chức Premier League vẫn điều tra các hành vi vi phạm FFP của CLB này.

CAS từng tiết lộ trong danh sách các đội nộp đơn xin can thiệp và phản đối bất kỳ quyết định có lợi nào cho Man City, có tới 9 đội bóng tại Premier League gồm Arsenal, Burnley, Chelsea, Leicester, Liverpool, Man United, Newcastle, Tottenham và Wolves.

Ở châu Âu, Juventus, Real, Barca hay Bayern là những CLB muốn UEFA “xử” Man City.

Dẫu vậy, Maguire chỉ ra rằng các quy định cân bằng tài chính của Premier League vốn dễ thở hơn của UEFA “gấp 5 lần”. Hơn nữa, Man City quen với việc kiện tụng, cũng như giỏi trong việc “phù phép” số sách.

Tất nhiên, cũng phải kể đến sự cẩn trọng của đội bóng này trên thị trường chuyển nhượng hè này. Họ không hề có ý định lao vào cuộc đấu tiền với PSG vì Messi. Kane mới là mục tiêu hàng đầu của Man City vào lúc này.

Nỗi sợ về cuộc tháo chạy ở Tottenham Cựu tuyển thủ Anh Peter Crouch lo sợ lòng trung thành của Harry Kane và Son Heung-min bị ảnh hưởng sau khi Tottenham chia tay vòng 16 đội Europa League.

Nguồn: News.zing.vn