Mùa xuân của cây cầu già London

0
157

Cây cầu “hưu trí” London, nhưng lại không cư ngụ ở xứ sở sương mù mà ở tuốt tận thị trấn Havasu “khỉ ho cò gáy” của bang Arizona, nước Mỹ.

Bất cứ người châu Âu nào sống vào những năm 1960 đều biết đến cây cầu đẹp bắc qua sông Thames nổi tiếng của thành phố London. Năm 1962, cầu London bỗng sụp xuống không biết vì nguyên nhân gì. Nó được xây từ năm 1831, nhưng có lẽ không phải do sức nặng thời gian mà chính là dòng xe cộ cứ tăng lên chóng mặt mỗi ngày làm cây cầu chịu không nổi.

Nếu cầu Sài Gòn hằng năm đều được sửa chữa, thì cách đây cả thế kỷ cầu London không được cái may mắn đó. Và một ngày xấu trời, nó đành “nói lời từ biệt” với khách đi đường. Chính phủ Anh lúc đó đã rao bán cả cây cầu với hy vọng làm giảm sự giận dữ của dân chúng.

cau1-794754-1373964096_m_460x0.jpg

Cây cầu già London trên hồ Havasu (havasu.k12.az.us)

Không ngờ thế giới còn có một người “điên”. Ông ta tên là Robert McCulloch, đã mua lại cây cầu với giá 2.460.000 USD.

Dưới cái nắng rực rỡ của mùa hè sa mạc Arizona, khách du lịch choáng ngợp trước kiến trúc hùng vĩ của cây cầu bắc qua hồ Havasu trong xanh. Người Mỹ đúng là biết tận dụng thời cơ. Chiếc cầu hỏng đến tay họ lại biến thành tiền. Hằng năm, bao nhiêu khách du lịch đến thăm cầu London không chỉ vì vẻ đẹp của nó mà còn vì lịch sử kỳ lạ của chiếc cầu.

Một câu quảng cáo hóm hỉnh của người Mỹ cho tuyến du lịch đến cầu London: “Chiếc cầu già London không bao giờ chết. Nó chỉ về hưu và đổi tên thành cầu London trên hồ Havasu thôi”.

Cây cầu được tháo dỡ và mỗi tảng đá đều được đánh dấu cẩn thận. Sau đó tất cả được chở bằng đường thủy vượt 16.000 km đến Long Beach, California. Từ đây các xe tải lại chở chúng đến tận hồ Havasu, Arizona.

Lễ đặt viên đá đầu tiên diễn ra vào ngày 23/9/1968 với sự có mặt của thị trưởng thành phố London lúc bấy giờ, theo như tảng đá kỷ niệm còn khắc tên. Ba năm sau, cầu London hoàn thành không khác gì cây cầu già cỗi ngày nào ở London.

Chuyện gì xảy ra sau khi thị trấn nhỏ vô danh nằm bên hồ Havasu có thêm chiếc cầu đá kiểu châu Âu?

“Hàng nghìn người đến đây để tận mắt ngắm chiếc cầu đến từ London”, bà Sue Barone – Chủ tịch Phòng Thương mại thị trấn Havasu – nói. “Tôi đã sống ở đây 18 năm và chứng kiến sự phát triển của cây cầu cùng với thị trấn. Khi tôi đến đây, thị trấn chẳng có gì ngoài một cây cầu và vài cửa hiệu. Còn bây giờ, hãy nhìn xem… Thành phố Havasu nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp, một đại học và hai tờ nhật báo”. Trong câu chuyện về phát triển của các địa phương, người Mỹ thường đề cập đến đại học và báo chí, tiếp sau thành quả về kinh tế. Họ luôn tự hào về đại học, nên ở tiểu bang, tỉnh, hay thành phố nào, người ta cũng chọn những đường phố chính đặt tên là “đường Đại Học”.

Còn các tờ báo, mặc dù hoàn toàn của tư nhân, cũng được “tính” vào trong hiệu quả quản lý của chính quyền khi cần phải “báo cáo thành tích” cho công chúng hay du khách nước ngoài.

(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn