Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vướng ồn ào về món quà tặng xa xỉ từ các chính phủ nước ngoài. Đây là điều ít khi xảy ra với những chính quyền tiền nhiệm.
Tổng thống Trump được hoàng gia Saudi tặng huy chương vàng trong chuyến thăm năm 2017. Ảnh: Los Angeles Daily News. |
Trong chuyến công du đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống Mỹ tới Saudi Arabia năm 2017, gia đình hoàng tộc nước chủ nhà tặng nhà lãnh đạo Mỹ hàng chục món quà, trong đó có 3 áo choàng bằng lông báo, lông hổ, cùng một số dao găm có cán làm bằng ngà voi.
Luật sư Nhà Trắng xác nhận việc sở hữu những sản phẩm từ lông thú hay ngà voi vi phạm Đạo luật Động vật bị đe dọa. Tuy nhiên, chính quyền cựu Tổng thống Trump không tiết lộ về số quà này, mãi cho tới ngày cuối của nhiệm kỳ, theo New York Times.
Quà tặng xa xỉ từ Saudi Arabia
Ngay từ khi nước Mỹ mới ra đời, bởi lo ngại giới hoàng tộc châu Âu sẽ mua chuộc các chính khách bằng những món đồ xa xỉ, các nhà lập quốc Mỹ đưa vào hiến pháp một điều khoản cấm các quan chức chính phủ nhận quà có giá trị từ nước ngoài.
Năm 1966, Quốc hội Mỹ ban hành luật giải thích rõ hơn quy định trên. Theo đó, giá trị tối đa món quà mà quan chức chính phủ được phép nhận là 415 USD theo thời giá hiện nay.
Sau đó, một số tu chính án được ban hành, với nội dung coi quà tặng là tài sản của chính phủ, đồng thời chuẩn hóa quy trình xử lý tiếp nhận quà từ chính phủ nước ngoài.
Luật pháp Mỹ cũng yêu cầu chính quyền phải công bố hàng năm về danh mục quà tặng mà quan chức chính phủ nhận từ nước ngoài, cùng với giá trị các món quà đã được thẩm định.
Người nào chiếm giữ những món quà làm của riêng có thể bị truy tố tội danh đánh cắp tài sản chính phủ.
Một con dao găm là món quà từ hoàng gia Saudi. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Công Mỹ. |
Vấn đề quà tặng của chính quyền ông Trump khởi nguồn từ chuyến công du Saudi Arabia tháng 5/2017. Khi đó, hoàng gia Saudi nóng lòng cải thiện quan hệ với Washington sau những căng thẳng với chính quyền Obama.
Saudi có truyền thống tặng những món quà xa hoa cho các tổng thống Mỹ. Ông Trump cùng các trợ lý cũng không là ngoại lệ khi nhận được những món quà hậu hĩnh.
Không lâu sau khi ông Trump về nước, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố danh mục 82 món quà nhận được từ hoàng gia Saudi. Quà tặng có nhiều loại, từ những món thông thường như dép, khăn quàng, cho tới hàng xa xỉ như áo choàng, dao găm.
Chín trong số những món quà đắt nhất, gồm 3 áo lông thú, 3 thanh kiếm và 3 dao găm, được gửi tới bộ phận quà tặng của Nhà Trắng để định giá.
Tuy nhiên, chúng không bao giờ được đưa vào danh sách quà tặng từ nước ngoài mà Bộ Ngoại giao Mỹ có trách nhiệm công bố.
Mãi tới ngày 19/1, tức chỉ vài chục giờ trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc, Nhà Trắng mới gửi 9 món quà này tới Cơ quan Dịch vụ Công.
Tuy nhiên, việc gửi trả quà tặng này cũng không đúng quy định, bởi Cơ quan Quản lý Cá và Động vật hoang dã Mỹ mới là nơi có chức năng tiếp nhận những món quà này.
Khi các chuyên gia của Cơ quan Quản lý Cá và Động vật hoang dã tiếp cận và thẩm tra 9 món quà vào tháng 7, họ phát hiện số lông thú là giả. Trong khi đó, cán dao găm ban đầu được cho là làm từ ngà voi “dường như chứa răng hoặc xương của một số động vật khác”.
Áo choàng quà tặng của Saudi được xác định làm từ lông thú giả. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Công Mỹ. |
Đại sứ quán Saudi tại Washington từ chối bình luận về thông tin nói trên. Bruce Riedel, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Brookings, cho rằng số quà hàng giả này là sự sỉ nhục.
“Có hai điều quan trọng nhất với Saudi, một là trông giống như cường quốc thế giới, hai là phô trương sự giàu có”, ông Riedel nói.
Người phát ngôn của cựu Tổng thống Trump cũng không phản hồi đề nghị bình luận.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng không công bố 3 món quà mà Jared Kushner – con rể và là cố vấn cấp cao của ông Trump – nhận từ Saudi Arabia. Tuy nhiên trước khi rời Nhà Trắng hồi tháng 2, ông Kushner đã trả 47.920 USD để giữ những món quà này.
Những quà tặng biến mất
Bộ Ngoại giao Mỹ đang điều tra cáo buộc các quan chức trong chính quyền ông Trump chiếm đoạt những túi quà tặng trị giá hàng nghìn USD. Số quà này được chuẩn bị cho lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Trại David năm 2020, nhưng sau đó sự kiện bị hủy bỏ.
Những túi quà gồm nhiều vật phẩm có giá trị như sổ da, hộp trang sức bằng đá cẩm thạch có in hình con dấu của tổng thống, đồ bằng bạc
Sau khi Hội nghị G7 bị hủy bỏ, số quà tặng được cất giữ tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Đến khi đội ngũ của ông Joe Biden tiếp quản chính quyền, họ mới phát hiện nhiều phần quà đã biến mất.
Ngoài ra, nhiều quà tặng của chính phủ nước ngoài gửi tới các quan chức trong chính quyền ông Trump cũng biến mất.
Điều bất thường là quà tặng của chính phủ nước ngoài dành cho các quan chức chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush vẫn còn nguyên.
Trong số những món quà này có một chai nước hoa và một khăn lụa Ba Tư mà Qatar tặng cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Theo New York Times, thay vì được gửi tới Cơ quan Dịch vụ Công, số quà được cất giữ tại Bộ Tài chính.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang điều tra dấu vết của chai rượu trị giá 5.800 USD là món quà chính phủ Nhật Bản tặng cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo năm 2019. Ông Pompeo khẳng định chưa bao giờ biết về sự tồn tại của chai rượu này.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói không biết về chai rượu quà tặng từ Nhật Bản. Ảnh: New York Times. |
Bà Karen Pence, phu nhân của cựu Phó tổng thống Mike Pence, cũng vướng vào rắc rối khi giữ lại món quà là hai khay đựng biển tên từ chính phủ Singapore. Luật sư của gia đình cho biết bà Pence có quyền giữ lại món quà vì chúng có giá trị dưới mức tối thiểu, ở thời điểm đó là 390 USD.
Theo quy định, nếu một quan chức chính phủ Mỹ nhận được nhiều món quà với tổng giá trị vượt mức tối thiểu trong cùng một sự kiện từ chính phủ nước ngoài, họ sẽ phải trả tiền nếu muốn giữ chúng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Pence nhận được khay đựng biển tên cùng một khung in và túi xách tay, tổng trị giá 1.200 USD.
Tuy vậy, luật sư của gia đình Pence cho biết các món quà này được phía Singapore tặng trong nhiều dịp khác nhau. Ngoài ra, bà Pence chưa bao giờ giữ lại khung in và túi xách tay.
Nguồn: News.zing.vn