Mỹ đã cam kết tài trợ 500 triệu liều Pfizer trong bối cảnh nhiều nước “vật lộn” để người dân được tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá nhỏ so với thế giới cần.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Anh hôm 10/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố đây sẽ là “lần mua và tặng vaccine Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay của bất kỳ quốc gia nào”.
“Mỹ sẽ là ‘kho vũ khí vaccine’ trong cuộc chiến chống lại Covid-19, như Mỹ là kho vũ khí của các nền dân chủ trong Thế chiến II”, ông Biden nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cũng nhận định ông đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, BBC đưa tin.
Thế nhưng, mặc dù con số 500 triệu nghe có vẻ nhiều, nhưng nó sẽ tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc chiến chống đại dịch?
Lời hứa của Mỹ
Mỹ đã đạt được thỏa thuận mua vaccine từ Pfizer với giá “phi lợi nhuận”. Ông Biden cho biết vaccine “sẽ bắt đầu được vận chuyển vào tháng 8 tới gần 100 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp”. Theo đó, 200 triệu liều sẽ được phân phối vào cuối năm 2021 và 300 triệu liều vào nửa đầu năm 2022.
Tổng thống Mỹ cam kết cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các quốc gia nghèo nhất. Ảnh: AP. |
Vaccine miễn phí sẽ được phân phối thông qua cơ chế COVAX Facility và chương trình chia sẻ vaccine do Liên minh châu Phi điều hành, nhằm đảm bảo 20% đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở mọi quốc gia trên thế giới sẽ được tiêm chủng.
Đây là khoản tài trợ vaccine lớn nhất từ trước đến nay của một quốc gia, tiêu tốn của Mỹ hơn 3,5 tỷ USD.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Phi, tiến sĩ Matshidiso Moeti, cho biết khoản tài trợ của Mỹ “là một bước tiến dài”.
Theo sau Mỹ, một số nước thuộc nhóm G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh, cũng bắt đầu tặng vaccine nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống Covid-19 ở những quốc gia nghèo nhất.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng 6 do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tổ chức, hơn 132 triệu liều vaccine đã được các quốc gia chia sẻ.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều cam kết cung cấp vaccine cho các quốc gia đang phát triển được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7.
Vẫn cần thêm hàng trăm triệu liều vaccine
Mặc dù con số vaccine được các quốc gia cam kết viện trợ là rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để “dập tắt” làn sóng dịch bệnh toàn cầu.
“Để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia vào tháng 9, chúng ta cần thêm 250 triệu liều vaccine nữa”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Trong số đó, ông cho hay sẽ cần có thêm ít nhất 100 triệu liều vaccine vào tháng 6 và tháng 7.
“Chia sẻ vaccine giữa các quốc gia là điều cần thiết để chấm dứt giai đoạn cấp bách của đại dịch hiện giờ”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Tất cả những cam kết viện trợ vaccine hiện nay vẫn còn kém xa con số 11 tỷ liều mà WHO ước tính là cần thiết để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch.
“Thế giới cần khẩn cấp sản xuất thêm thêm hàng tỷ liều vaccine mới trong vòng một năm, chứ không chỉ cam kết mua nguồn cung không đủ theo kế hoạch”, ông Peter Maybarduk, giám đốc chương trình tiếp cận thuốc toàn cầu thuộc Public Citizen, cho hay.
Một nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech ở Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Tiến sĩ Niko Lusiani của tổ chức y tế từ thiện Oxfam America cũng nhận định động thái hỗ trợ hàng trăm triệu vaccine của Mỹ rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên đây vẫn chỉ là “hạt muối bỏ biển so với số lượng mà thế giới cần”.
Trên Twitter, chuyên gia về vaccine, Giáo sư Peter Hotez của Đại học Y khoa Baylor ở Mỹ, chia sẻ “thế giới sẽ cần một chính sách đối ngoại hợp lý cùng lãnh đạo của Mỹ để đối mặt với thách thức này”.
Mối lo ngại về bất bình đẳng
Một trong những thách thức chính hiện nay thế giới đang đối mặt là việc cung cấp, phân bổ vaccine.
Mục tiêu ban đầu của cơ chế COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện tại mục tiêu đã được giảm xuống là cung cấp 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp vào đầu năm 2022.
Dẫu vậy, tính đến ngày 8/6, chương trình COVAX mới phân bổ được 81 triệu liều vaccine.
Con số kém xa so với hơn 300 triệu liều vaccine được cung cấp chỉ riêng nước Mỹ là bằng chứng cho thấy nhiều khu vực trên thế giới đang bị bỏ lại trong trận chiến chống dịch.
Điều này một phần là do nguồn cung của COVAX bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào nửa đầu năm bởi dịch bệnh ở Ấn Độ.
Chương trình COVAX chủ yếu cung cấp vaccine AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ hai vừa qua đã khiến nước này phải tạm dừng tất cả các hoạt động xuất khẩu vaccine để tập trung giải quyết nhu cầu trong nước.
Trước đó, 1,1 tỷ liều AstraZeneca đã được đặt hàng từ nhà sản xuất lớn nhất Ấn Độ – Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII).
Nhưng cho đến nay, viện Ấn Độ mới chỉ cung cấp được 30 triệu liều vaccine cho COVAX. Việc xuất khẩu vaccine sẽ chỉ được tiếp tục vào cuối năm nay khi đại dịch đã được kiểm soát phần nào ở nước này.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng gặp vấn đề vì tổ chức triển khai tiêm chủng yếu kém. Gần đây, các nước châu Phi đã phá hủy hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19, bất chấp tỷ lệ tiêm chủng ở châu lục này thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Hàng trăm nghìn liều vaccine Covid-19 bị phá hủy bất chấp việc các nước châu Phi đang chật vật đối mặt với làn sóng dịch bệnh. Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ không kịp sử dụng số vaccine này để tiêm chủng cho người dân trước ngày hết hạn.
“Một số quốc gia châu Phi phải tăng cường các hành động để nhanh chóng triển khai tiêm chủng các loại vaccine mà họ có”, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nhận định.
Việc Mỹ cam kết tài trợ vaccine Pfizer-BioNTech có thể phần nào giúp giải quyết nhu cầu dài hạn, nhưng trước mắt, các vấn đề về nguồn cung và hậu cần vẫn có thể tiếp tục là một trở ngại trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm tính từ 27/4/2021
6.717Ca nhiễm
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Hà Nội | 5 | 456 |
Bắc Ninh | 13 | 1240 |
Vĩnh Phúc | 0 | 92 |
Đà Nẵng | 0 | 158 |
Bắc Giang | 68 | 3764 |
Hà Nam | 0 | 47 |
Hưng Yên | 0 | 37 |
TP.HCM | 28 | 590 |
Yên Bái | 0 | 1 |
Quảng Nam | 0 | 3 |
Đồng Nai | 0 | 1 |
Hải Dương | 0 | 51 |
Thái Bình | 0 | 21 |
Quảng Ngãi | 0 | 1 |
Lạng Sơn | 0 | 95 |
Thanh Hóa | 0 | 5 |
Điện Biên | 0 | 58 |
Nam Định | 0 | 6 |
Nghệ An | 0 | 1 |
Phú Thọ | 0 | 4 |
Quảng Ninh | 0 | 1 |
Hải Phòng | 0 | 3 |
Thừa Thiên Huế | 0 | 5 |
Đắk Lắk | 0 | 4 |
Hòa Bình | 0 | 7 |
Quảng Trị | 0 | 3 |
Tuyên Quang | 0 | 1 |
Sơn La | 0 | 1 |
Ninh Bình | 0 | 4 |
Thái Nguyên | 0 | 3 |
Long An | 0 | 11 |
Bạc Liêu | 0 | 1 |
Gia Lai | 0 | 1 |
Tây Ninh | 0 | 1 |
Đồng Tháp | 0 | 1 |
Trà Vinh | 0 | 2 |
Hà Tĩnh | 8 | 26 |
Tiền Giang | 0 | 3 |
Bình Dương | 0 | 8 |
Nguồn: News.zing.vn