Mỹ tập trung vào ‘vũ khí chủ chốt’ để chống biến chủng Omicron

0
Mỹ tập trung vào ‘vũ khí chủ chốt’ để chống biến chủng Omicron

Chính quyền Joe Biden tập trung vào tiêm mũi vaccine tăng cường làm vũ khí chủ chốt trong nỗ lực bảo vệ nước này khỏi biến chủng mới tiềm tàng nguy hiểm dù chưa rõ mức độ đe dọa.

Nam Phi,  omicron,  delta,  bien chung moi,  vaccine,  virus anh 1

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/11 cho biết biến chủng Omicron có khả năng lan rộng khắp thế giới và đột biến của chủng virus này cũng rất đáng quan ngại.

“Omicron có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy”, WHO công bố. “Rủi ro tổng thể trên toàn cầu liên quan đến biến chủng đáng quan ngại mới này được đánh giá là rất cao”.

Tuy nhiên, tổ chức này khẳng định vẫn còn quá sớm để biết liệu biến chủng Omicron mới có khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Delta hay không.

Hiện nay, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ nhập viện do biến chủng mới còn chưa xác định. Các nhà khoa học ở Nam Phi, nơi biến chửng Omicron xuất hiện lần đầu, cho biết họ hy vọng những người được tiêm vaccine sẽ có khả năng chống lại virus tốt hơn.

Nam Phi,  omicron,  delta,  bien chung moi,  vaccine,  virus anh 2

Một người dân đang chờ tiêm mũi tiêm vaccine Covid-19 bổ sung tại thành phố Denver, Mỹ. Ảnh: Anchorage Daily News.

Trong lúc đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực kêu gọi người Mỹ sớm tiêm mũi nhắc lại trong những ngày tới như một cách chống lại biến chủng Omicron và yêu cầu phân phối vaccine ở càng nhiều nơi càng tốt.

“Điều chúng tôi chắc chắn là những người đã được tiêm 2 liều Pfizer hoặc Moderna, thì mũi tiêm tăng cường sẽ đẩy mức độ kháng thể trung hòa lên rất cao, cao hơn nhiều lần so với 2 liều đầu tiên”, bác sĩ Anthony S. Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Biden, chia sẻ.

Vaccine vẫn có khả năng chống lại biến chủng mới

Biến chủng Omicron chứa một lượng lớn các đột biến khiến nó dễ dàng truyền nhiễm hơn, nhưng điều này chưa được chứng minh rõ ràng.

Theo WHO, tại Nam Phi, các ca bệnh đang tăng lên nhưng vẫn chưa rõ liệu sự gia tăng đó là do biến chủng Omicron hay các yếu tố khác.

Trong cuộc họp hôm 28/11 với đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng, ông Fauci đã nói với Tổng thống Biden rằng sẽ mất khoảng 2 tuần nữa mới có thêm thông tin về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và các đặc điểm khác của biến chủng mới, song ông tin rằng vaccine hiện nay sẽ vẫn có tác dụng bảo vệ.

Nam Phi,  omicron,  delta,  bien chung moi,  vaccine,  virus anh 3

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết Mỹ có nguy cơ đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ năm giũa lúc ca nhiễm tăng và tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại. Ảnh: REX.

Các chuyên gia, bao gồm cả tiến sĩ Fauci, cho rằng vaccine vẫn có khả năng chống lại biến chủng mới.

WHO đang làm việc với các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới để hiểu tác động của Biến chủng Omicron đối với vaccine và thuốc kháng virus hiện nay.

Các quan chức và chuyên gia y tế cấp cao cho biết ngay cả khi khả năng bảo vệ bị giảm sút so với các biến chủng khác, việc tăng số lượng kháng thể trung hòa virus từ vaccine vẫn có lợi.

Biến chủng Omicron vẫn chưa được ghi nhận tại Mỹ, song chính quyền Biden cho biết hệ thống giám sát bộ gene đang giải trình tự gần 80.000 mẫu mỗi tuần và họ tin rằng sẽ sớm phát hiện nếu có biến chủng Omicron tại Mỹ.

Ảnh hưởng đến các nước đang phát triển

Trong khi các chuyên gia cho biết mũi tiêm bổ sung có thể hữu ích trong việc chống lại biến chủng Omicron, một số cảnh báo cho rằng mũi tiêm bổ sung sẽ tạo điều kiện bất lợi cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Celine Gounder, một nhà dịch tễ học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng chỉ nên tiêm mũi bổ sung để đối phó biến chủng Omicorn nếu nó thực sự hỗ trợ miễn dịch, vì mũi tiêm này làm tăng mức độ kháng thể cao.

Nam Phi,  omicron,  delta,  bien chung moi,  vaccine,  virus anh 4

Việc triển khai tiêm bổ sung sẽ ảnh hưởng đến nguồn vaccine cho các nước thu nhập thấp. Ảnh: NBC Los Angeles.

Tuy nhiên, bà Gounder cho biết tăng cường tiêm mũi bổ sung sẽ khiến các nước đang phát triển thiếu nguồn vaccine, tạo điều kiện cho các biến chủng khác xuất hiện.

Đội ngũ của ông Fauci nói rằng đã có hàng triệu liều vaccine phân phối đến các quốc gia có thu nhập thấp đã không được sử dụng, cũng là một thách thức toàn cầu.

Giới chức Nam Phi đã yêu cầu các nhà sản xuất vaccine giảm số lượng lô hàng gửi đến để nước này có thể tối đa hóa lượng dự trữ hiện có.

Các lệnh cấm nhập cảnh có thể đã trễ

Mỹ và châu Âu và nhiều nước khác đã hành động rốt ráo khi đóng cửa biên giới với người đến từ phía nam Châu Phi. Các nước cũng phải đối mặt với những lời cảnh báo rằng lệnh cấm du lịch có thể đã quá muộn, khi đã có nhiều trường hợp nghi nhiễm xuất hiện ở các nước châu Âu, châu Á và Australia.

Nicole A. Errett, giáo sư tại Đại học Washington, người đã thực hiện nghiên cứu về công tác chuẩn bị các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, cho biết: “Biến chủng Omicron đã được phát hiện tại các lục địa khác. Về lý thuyết, lệnh cấm du lịch sớm có thể giảm thiểu sự lây lan mầm mống mới, nhưng điều này vẫn đang trên bàn thảo luận”.

Nam Phi,  omicron,  delta,  bien chung moi,  vaccine,  virus anh 5

Hàng loạt ca nhiễm biến chủng Omicron đã được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Các trường hợp nhiễm biến chủng mới đã được phát hiện ở thêm nhiều khu vực mới, bao gồm Canada, Bồ Đào Nha, Anh, Bỉ, Botswana, Đức, Italy, Hong Kong, Israel và Cộng hòa Czech.

Hầu hết trường hợp bên ngoài châu Phi dường như liên quan đến những người đã từng du lịch đến lục địa này. Áo cũng đã được liệt kê vào danh sách này khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm đầu tiên ở vùng Tirol.

Cơ quan y tế Hà Lan cho biết hôm 27/11, hai máy bay chở khoảng 600 hành khách từ Nam Phi đã hạ cánh xuống Hà Lan có 61 người nhiễm bệnh, trong đó có 13 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Hôm 28/11, giới chức y tế Australia xác nhận có 2 hành khách đã tiêm đầy đủ, không có triệu chứng trên chuyến bay đến Sydney và xét nghiệm dương tính với biến chủng Omicron. Các trường hợp này đang bị cách ly.

“Điều này chứng tỏ rõ ràng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Việc biến chủng mới xâm nhập vào đất nước là điều không thể tránh khỏi”, Dominic Perrottet, thủ hiến bang New South Wales, Australia nhận định tình hình.

Sự xuất hiện của một biến chủng mới có khả năng đe dọa cao đặt ra những thách thức cho các nhà lãnh đạo sau 2 năm chống dịch và liệu họ đã có chuẩn bị cho những diễn biến đáng lo ngại như kháng vacinne hay không.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid thừa nhận rằng chưa có đủ thông tin về nguy cơ của biến chủng mới. Bắt đầu từ 30/11, người dân Anh sẽ phải đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.

Anh cũng sẽ yêu cầu khách du lịch quốc tế kiểm tra PCR, tự cách ly cho đến khi có kết quả.

Chạy đua với thời gian để chống biến chủng mới

Bằng chứng sơ bộ của WHO cho thấy những người đã từng nhiễm virus có nguy cơ tái nhiễm với biến chủng Omicron cao hơn so với các biến chủng khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ người nhiễm HIV và AIDS cao ở Nam Phi, khiến việc phân tích hiệu quả của miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch do vaccine trở nên khó khăn hơn.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, chỉ có khoảng 24% người Nam Phi được tiêm phòng đầy đủ, so với gần 60% người Mỹ.

Mỹ đã bắt tay vào hành động sau khi biết rằng biến chủng mới có các đột biến nguy hiểm và dường như có nguồn gốc khác với biến chủng Delta. Các quan chức cấp cao của Mỹ đã tổ chức thảo luận đưa ra các phương án với các nhà khoa học cấp chính phủ, giới chức Nam Phi và các nhà sản xuất vaccine vào lễ Tạ ơn vừa qua.

Các nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới, từ Pfizer và BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna và nhà sản xuất vaccine Trung Quốc Sinovac, đang nghiên cứu biến chủng mới và điều chỉnh các công thức nếu thấy cần thiết.

Nguồn: News.zing.vn