Mỹ – Trung chạy đua vũ trang, nguy cơ va chạm trên biển gia tăng

0
32

Hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng có số tàu chiến đông nhất thế giới, kéo theo nguy cơ gia tăng các vụ va chạm tàu ở Biển Đông.

Quan doi Trung Quoc anh 1

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc (PLAN) trở thành lực lượng chiến đấu mặt nước có số lượng tàu chiến đông đảo nhất thế giới. Cụ thể, Trung Quốc đang sở hữu 355 tàu chiến các loại. Con số này không bao gồm 85 tàu tuần tra và xuồng tên lửa cao tốc. PLAN có kế hoạch tăng số lượng tàu lên 460 chiếc vào năm 2030, theo USNI.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đi cùng với việc các nước chạy đua mở rộng hạm đội là sự gia tăng rủi ro đụng độ từ những tính toán sai lầm; hoặc nguy cơ va chạm trong vùng biển ngày càng nhộn nhịp ở Thái Bình Dương, theo South China Morning Post.

Gia tăng nguy cơ va chạm tàu ngầm

Báo cáo mô tả PLAN ngày càng cho thấy tham vọng to lớn với các loại tàu chiến linh hoạt hơn, có thể hoạt động ngoài khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ, PLAN ngày càng được ưu tiên đầu tư hiện đại hóa. Trung Quốc đang tập trung vào việc thay thế các tàu chiến thế hệ cũ bằng các phương tiện chiến đấu hiện đại và linh hoạt”, trích báo cáo của Lầu Năm Góc.

“Tính đến năm 2020, PLAN chủ yếu vận hành các tàu chiến đa năng với các loại vũ khí chống hạm, phòng không, chống ngầm và cảm biến hiện đại. PLAN cũng chú trọng vào các hoạt động chung trên biển và hội nhập các lực lượng khác trong quân đội Trung Quốc”, báo cáo viết thêm.

Báo cáo cho biết Trung Quốc đang theo đuổi khả năng tác chiến chống ngầm mới và tấn công tầm xa, bao gồm tên lửa hành trình có thể tấn công đất liền phóng từ tàu ngầm và tàu mặt nước.

Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực tác chiến chống ngầm để bảo vệ tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Quan doi Trung Quoc anh 2

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ đã va chạm với một dãy núi chưa được xác định ở Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Về tàu ngầm, báo cáo ước tính Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng mới các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới Type-096 có thể bắt đầu được đóng mới từ năm 2020.

PLAN dự kiến vận hành khoảng 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược vào năm 2030. Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì hạm đội tàu ngầm khoảng 65-70 tàu trong thập kỷ tới.

Việc Trung Quốc gia tăng số lượng tàu ngầm khi Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương làm gia tăng nguy cơ về các vụ va chạm tàu ngầm, đặc biệt là ở vùng biển tranh chấp như Biển Đông, biển Hoa Đông.

Ông Wu Shicun – chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết thỏa thuận AUKUS để cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia có thể làm tăng rủi ro đó. Dù tàu ngầm hạt nhân của Australia cần nhiều năm nữa mới có thể đi vào hoạt động, thỏa thuận sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là tàu ngầm.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 3/11, ông Wu cho biết cơ chế quản lý khủng hoảng hiện tại có thể không hiệu quả trong những thời điểm quan trọng, theo South China Morning Post.

Ông Wu nhắc lại vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục USS Decatur lớp Arleigh Burke của Mỹ và tàu khu trục lớp Lữ Dương của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2018. Tàu chiến của Trung Quốc đã cắt ngang đường đi của tàu khu trục Mỹ ở khoảng cách chỉ 41 m.

“Hai tàu di chuyển trong phạm vi 41 m là rất nguy hiểm. Không phải chúng ta không có những quy tắc, mà chúng không được tuân thủ ở một số thời điểm quan trọng. Nếu kịch bản tương tự xảy ra với hai tàu ngầm hạt nhân. Nó có thể trở thành một thảm họa”, ông Wu nói.

Ông Wu nói thêm rủi ro va chạm đang tăng lên, khi Mỹ và Trung Quốc đều phát triển mạnh hạm đội tàu ngầm hạt nhân và đưa chúng đến Biển Đông. Sau thỏa thuận AUKUS có thể có thêm nhiều tàu chiến hiện đại xuất hiện ở Biển Đông.

“Số lượng tàu ngầm thông thường và hạt nhân sẽ tăng mạnh ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Những quy tắc chung cho các tàu như vậy có được tuân thủ hay không”, ông Wu đặt câu hỏi.

Quan doi Trung Quoc anh 3

Hải quân Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng chiến đấu mặt nước có nhiều tàu nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Theo Tổ chức sáng kiến theo dõi tình hình Biển Đông, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Mỹ đã 14 lần triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1B và 11 tàu ngầm hạt nhân trên các vùng biển tranh chấp trong năm nay.

Kho vũ khí hạt nhân tăng mạnh

Báo cáo cho biết thêm Trung Quốc dự kiến mở rộng kho dự trữ hạt nhân nhanh và mạnh hơn so với dự kiến trước đó. Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc sẽ có khoảng 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027, ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Con số này vượt quá dự báo trước đó của Lầu Năm Góc được công bố vào năm ngoái.

Quan doi Trung Quoc anh 4

Tên lửa đạn đạo liên lục địa di động DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: Global Times.

Lầu Năm Góc không ước tính số đầu đạn hạt nhân hiện có của Trung Quốc. Trong báo cáo của năm ngoái, Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân và có thể tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc đang tìm cách xây dựng kho dự trữ quy mô lớn, nhằm thiết lập một lực lượng chiến đấu “đẳng cấp thế giới”, có thể thách thức Mỹ trong cuộc chiến trên không, trên biển, vũ trụ và không gian mạng.

Quân đội Trung Quốc cũng đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa để có thể triển khai bộ ba răn đe hạt nhân – một năng lực mà Mỹ và Nga đã có trong nhiều thập kỷ.

Báo cáo được công bố chỉ vài tuần sau khi có tin Trung Quốc thử nghiệm thành công phương tiện lướt siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tướng Mark Milley – chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tuần trước ví von vụ thử nghiệm của Trung Quốc với việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik vào năm 1957.

Bình luận của tướng Milley là một sự ám chỉ việc Mỹ tụt hậu trong công nghệ vũ khí siêu vượt âm so với Nga và Trung Quốc.

Mỹ và Nga đã làm việc trong nhiều thập kỷ để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau cuộc chạy đua vũ trang những năm Chiến tranh Lạnh. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện có khoảng 3.750 đầu đạn, nhưng giới hạn chỉ 1.550 đầu đạn có thể triển khai theo Hiệp ước START với Nga.

Trung Quốc không phải là bên tham gia hiệp ước, nên họ không có nghĩa vụ công bố kho dự trữ vũ khí hạt nhân của mình. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng đề nghị Trung Quốc tham gia hiệp ước START mới, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn