Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu Du lịch sinh thái Na Hang cho biết, để khai thác tiềm năng, thu hút khách du lịch, thời gian qua một số dịch vụ du lịch tại hồ sinh thái Na Hang đã được cải thiện.
Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền Kayak trên hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Lê Du
Các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đã được liên kết, nâng cấp tiện nghi. Dịch vụ đưa đón du khách tham quan các điểm du lịch trong khu vực hồ sinh thái Na Hang bằng thuyền, xuồng bảo đảm an toàn. Nhà hàng ăn uống cũng được đầu tư, nhân viên phục vụ ẩm thực được tập huấn nghiệp vụ chế biến các món ăn đặc sản của địa phương. Một số hộ trên địa bàn trong thời gian qua chú trọng phát triển dịch vụ du lịch homestay.
Hiện đã có 14 hộ gia đình đầu tư đóng thuyền, khai thác dịch vụ vận chuyển khách du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh khu vực hồ sinh thái Na Hang. Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch Nga Viên, tổ 3, thị trấn Na Hang đi đầu trong đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Anh Trần Quốc Viên, Giám đốc Công ty cho biết, nhận thấy tiềm năng của du lịch hồ sinh thái Na Hang, công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng vào khu du lịch thác Mơ với diện tích trên 12 ha bao gồm bể bơi, khu nhà nghỉ, khu dịch vụ ăn uống, khu phục vụ du khách dừng nghỉ chân. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 4 thuyền du lịch phục vụ du khách tham quan các điểm du lịch trên hồ sinh thái Na Hang.
Bà Nguyễn Thúy Nga, tổ 6, thị trấn Na Hang khẳng định, nhu cầu tham quan các điểm du lịch trên khu hồ sinh thái Na Hang tăng lên khá nhiều. Vì vậy gia đình bà đã về cảng Hải Phòng đặt đóng 1 chiếc thuyền với sức chứa trên 60 người, có dịch vụ ăn uống, phòng hát, quầy bar ngay trên thuyền phục vụ khách du lịch. Sau hơn 3 tháng đóng mới, chiếc thuyền vừa được hạ thủy trên hồ sinh thái Na Hang với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Đây là chiếc thuyền hiện đại nhất do hộ gia đình đầu tư khai thác du lịch trên địa bàn.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang phối hợp với UBND huyện tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch; nghiên cứu, sưu tầm các phong tục, tập quán truyền thống, các nhạc cụ, các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch. Huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ khoa học, đề nghị Nhà nước công nhận các di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh hiện có trên địa bàn như hang Thẳm Pioóng bản Không Mây, xã Năng Khả; Công viên địa chất Việt Nam tại huyện Na Hang và Lâm Bình.
Theo ông Ma Quý Đôn, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Na Hang, để phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã hoàn thành việc quy hoạch Khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung với tổng diện tích 461,34 ha và đang mời gọi các nhà đầu tư vào các điểm du lịch tiềm năng, tạo thành tour du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách.
Phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá của tỉnh, do đó tiềm năng du lịch của Na Hang đang được đánh thức. Tỉnh đã tổ chức đoàn công tác, trong đó có lãnh đạo huyện Na Hang là thành viên đi khảo sát phát triển du lịch tại tỉnh Ninh Bình và mời gọi các doanh nghiệp của Ninh Bình đầu tư vào Tuyên Quang, Na Hang. Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, một trong những doanh nghiệp du lịch lớn nhất cả nước đã lên Na Hang khảo sát thực tế triển khai các bước đầu tư tại hồ sinh thái Na Hang. Lãnh đạo Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường khẳng định sẽ giúp huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phối hợp với lãnh đạo huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn hoàn thiện hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để Na Hang thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nguyễn Việt
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn