Huế (Thừa Thiên – Huế) cuốn hút du khách bởi nét đẹp riêng của một vùng đất cố đô, trong đó có dòng Hương Giang thơ mộng chảy qua thành phố cùng những chiếc cầu lịch sử bắc ngang.
1. Năm 2019, cây cầu nào ở Huế tròn 120 tuổi?
Với những nhịp cong như chiếc lược ngà, cầu Trường Tiền là biểu tượng, “chứng nhân” quan trọng của xứ Huế. Theo các tài liệu lịch sử, công trình được khởi công xây dựng năm 1897 với kỹ thuật, vật liệu mới của Tây phương, mang ý nghĩa là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hương. Năm 1899, cầu Trường Tiền được hoàn thành, đến nay vừa tròn 120 năm. Đến Huế, du khách có thể dạo bộ ở lối đi hai bên cầu, ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng của thành phố. Ảnh:Jack_famm. |
2. Sông Hương ở Huế được hợp thành từ 2 nguồn chính nào?
Sông Hương có 2 nguồn chính là Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp nhau ở ngã ba Tuần trước khi chảy thật chậm qua trung tâm TP Huế rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Dòng sông này như biểu tượng của đất cố đô, là một “trục” quan trọng trong cảnh quan đô thị Huế. Du khách có thể đi thuyền rồng trên sông Hương để trải nghiệm vẻ đẹp và nhiều nét văn hóa thú vị nơi đây. Ảnh: Emmafang_1611. |
3. Sàn cầu đi bộ dọc sông Hương được làm bằng chất liệu gì?
Vừa được đưa vào sử dụng đầu năm 2019, cầu đi bộ dọc sông Hương nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân và du khách. Công trình có kết cấu bê tông cốt thép, lan can bằng đồng, riêng sàn cầu được lát bằng gỗ lim như một điểm nhấn. Dự án có sự tài trợ của chính phủ Hàn Quốc. Dài 450 m, rộng 4 m, cầu đi bộ dọc sông Hương hiện là điểm tham quan, dạo bộ và ngắm cảnh thơ mộng ở Huế. Ảnh: Zenki_zenki27. |
4. Kinh thành Huế nằm về phía nào của sông Hương?
Khởi công xây dựng năm 1805, kinh thành Huế được quy hoạch bên bờ bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam theo triết lý truyền thống phương Đông, lấy sông Hương trước mặt làm minh đường tụ thủy. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật đặc sắc, kinh thành Huế là điểm đến du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm đất cố đô. Ảnh: Phuong_gau_truc. |
5. Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm nào?
Năm 1993, UNESCO công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới. Đó là kết quả của những nỗ lực tích cực từ phía Việt Nam lẫn quốc tế khi cùng chung tay bảo tồn, phục hồi di tích Huế từng bị tàn phá nghiêm trọng sau chiến tranh. Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, chùa quán… đặc sắc. Ảnh: Cpnguyen_. |
6. Từ năm nào chợ Đông Ba tọa lạc ở vị trí như hiện tại, tức bên bờ bắc sông Hương, không xa cầu Trường Tiền?
Đông Ba là khu chợ mang tính biểu tượng của xứ Huế, nằm bên bờ bắc sông Hương. Theo các tài liệu lịch sử, ban đầu chợ nằm bên ngoài cửa Chính Đông của kinh thành Huế. Năm 1899, dưới triều vua Thành Thái, chợ Đông Ba được dời đến vị trí như hiện tại. Trải qua 120 năm, chợ vẫn giữ vai trò là trung tâm thương mại lớn của đất cố đô, thu hút du khách tham quan, mua sắm khi đến Huế. Ảnh: Yunatyty. |
7. Ngôi chùa nổi tiếng nào tọa lạc trên đồi Hà Khê, phía tả ngạn sông Hương?
Là ngôi cổ tự nổi tiếng linh thiêng, thu hút đông đảo du khách viếng thăm, chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, phía tả ngạn sông Hương, thuộc phường Kim Long, TP Huế. Tương truyền chùa được chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng lên để “tụ linh khí, bền long mạch”. Tòa tháp Phước Duyên với kiến trúc hình bát giác độc đáo ở sân chùa như một biểu tượng đáng nhớ của xứ Huế. Ảnh: Sally.my1111. |
Nguồn: News.zing.vn