Các nhà khoa học Nam Phi đang nghiên cứu khả năng kháng vaccine hiện nay của biến chủng Omicron và xem xét có cần phải sản xuất vaccine mới để chống biến chủng này hay không.
Các nhà khoa học Nam Phi đang nghiên cứu đánh giá mức độ kháng vaccine của biến chủng Omicron, cũng là những người đầu tiên báo cáo về biến chủng mới này cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào hôm 24/11, theo Guardian.
Biến chủng này chứa hàng chục đột biến, có nguy cơ thay đổi cách thức hoạt động của virus, bao gồm khả năng gây nhiễm trùng và khả năng ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch nhờ đã có vaccine, hoặc từng lây nhiễm một biến chủng cũ.
Sử dụng virus giả pseudovirus là một trong các phương pháp nghiên cứu biến chủng Omicron. Ảnh: The Guardian. |
Các kháng thể bảo vệ chống lại virus bằng cách kết dính virus và ngăn chúng lây nhiễm sang tế bào của con người.
Để làm như vậy, kháng thể phải nhận diện được các phần của virus. Hầu hết, kháng thể Covid-19 sẽ bám vào một trong ba vị trí trên tế bào virus. Nhưng điều này bị biến đổi với Omicron, các kháng thể được sinh ra bởi vaccine hoặc từng nhiễm bệnh có thể sẽ giảm hiệu quả.
Giáo sư Penny Moore tại Đại học Witwatersrand và Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi cho biết “pseudovirus” – loại virus giả và không thể sao chép, được sử dụng để tạo mẫu cho các biến chủng virus – sẽ được thiết kế để mang đột biến của Omicron.
Sau đó, pseudovirus sẽ được đặt với huyết tương mang kháng thể của những người đã được tiêm vaccine và những người khỏi bệnh để theo dõi khả năng trung hòa virus của họ. Nhưng nếu biến chủng Omicron mang quá nhiều đột biến, việc tạo ra các pseudovirus là điều không đơn giản.
Đội ngũ của bà sẽ đánh giá khả năng bảo vệ của vaccine Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNtech và Johnson & Johnson, trong khi các xét nghiệm trên huyết tương từ những bệnh nhân đã hồi phục sẽ làm sáng tỏ nguy cơ tái nhiễm với Omicron.
Các báo cáo ban đầu từ Nam Phi cho thấy tỷ lệ tái nhiễm với Omicron cao hơn so với biến chủng Delta, nhưng vẫn cần thêm nhiều dữ liệu để chắc chắn.
Kết quả nghiên cứu của bà Moore dự kiến cung cấp câu trả lời về việc liệu các loại vaccine hiện nay có khả năng chống Omicron, hoặc liệu các hãng dược có cần sản xuất vaccine mới không.
Giáo sư Alex Sigal, nhà virus học, tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Durban, Nam Phi, đang theo dõi các mẫu biến chủng Omicron sống từ những người bị nhiễm ở tỉnh Gauteng, Nam Phi.
Khi có đủ điều kiện, ông sẽ thử nghiệm biến chủng này trên huyết tương từ những người đã được tiêm chủng và những người có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19.
Cuộc nghiên cứu tại Nam Phi là nỗ lực toàn cầu để đối phố với mối đe dọa mới của biến chủng Omicron.
Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, Anh, hy vọng sẽ sớm tham gia vào nghiên cứu này, đầu tiên với pseudovirus và sau đó là biến chủng Omicron sống.
Theo ông, các thí nghiệm chuyên sâu sẽ nghiên cứu mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị bằng kháng thể tổng hợp.
Một số nhà sản xuất vaccine cũng đã triển khai nghiên cứu về mức độ bảo vệ của vaccine trước biến chủng Omicron. AstraZeneca đang phân tích tình trạng nhiễm bệnh và tiêm chủng ở người dân Botswana và Eswatini, gần Nam Phi. Trong khi đó, hãng Pfizer hy vọng sẽ có kết quả ban đầu từ các nghiên cứu của họ trong những tuần tới.
Nếu biến chủng này kháng vaccine, cả Moderna và Pfizer sẽ có thể sản xuất vaccine mới, được nghiên cứu riêng trong khoảng 100 ngày, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn