Nam Phi cáo buộc Australia đưa ra những chỉ dẫn du lịch thiếu chính xác, có nguy cơ bôi nhọ hình ảnh của quốc gia này.
Sự việc bắt nguồn khi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) khuyên công dân nước mình “cảnh giác cao độ” khi du lịch tới Nam Phi. Du khách được cảnh báo về các nguy cơ như giết người, hiếp dâm, cướp của, móc túi, cướp xe và trấn lột. Các sân bay, khách sạn và công viên hoang dã được liệt vào danh sách có nguy cơ cao, News đưa tin ngày 20/4.
Trong cảnh báo của DFAT chỉ trích hoạt động của cảnh sát địa phương và viết: “Tội phạm, bao gồm bạo lực, là một vấn đề nghiêm trọng ở Nam Phi. Hầu hết các loại tội phạm đều gia tăng. Hãy cẩn trọng”.
Cảnh báo trên ở mức thứ hai trong 4 mức độ cảnh báo du lịch. Cảnh báo cấp độ 3 và 4 là “cân nhắc du lịch” và “không nên du lịch”.
Nam Phi đã ra tuyên bố kịch liệt phản đối trước phát ngôn của Australia. Họ cáo buộc cảnh báo này hàm chứa những thông tin sai lệch về Nam Phi nói chung và trải nghiệm của du khách nước ngoài đến đây nói riêng.
Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Nam Phi Lindiwe Sisulu nói bà sẽ đưa vấn đề này ra với Ngoại trưởng Australia Julia Bishop. Chính phủ Nam Phi cho biết những nỗ lực trước đó nhằm thay đổi cảnh báo du lịch này đã bị phía Australia từ chối. Ảnh: News. |
Tuy nhiên, Australia không phải là nước duy nhất cảnh báo du khách về những nguy cơ tiềm tàng ở các quốc gia châu Phi. Chính phủ Anh cũng có một cảnh báo tương tự trên website: “Ở Nam Phi, mức độ tội phạm rất cao, bao gồm hiếp dâm và giết người”. Phần lớn vụ bạo lực có xu hướng diễn ra ở các thị trấn nhỏ, vùng xa xôi và hẻo lánh, cách xa những địa điểm du lịch nổi tiếng”.
Nam Phi và Australia trước đó đã trong tình trạng căng thẳng ngoại giao. Điều này bắt nguồn từ đề nghị của Australia đối với Nam Phi: Cấp visa nhanh cho những nông dân Nam Phi da trắng muốn di cư.
Tuy nhiên, Nam Phi đã triệu hồi đại sứ Australia vào tháng trước, sau vụ một Bộ trưởng Nội địa Australia nói rằng các nông dân này xứng đáng được đặc biệt quan tâm, để họ rời khỏi “tình trạng khốn khổ và tới một đất nước văn minh”.
Chính phủ Nam Phi gây ra tranh cãi khi thực thi sung công đất đai mà không đền bù để cải thiện sự mất cân bằng do thời kỳ thuộc địa và diệt chủng để lại. Trong 30 năm qua, đã có đến 500.000 người Nam Phi da trắng rời bỏ đất nước, với họ Australia là điểm đến hàng đầu.
Nguồn: Vnexpress.net