Hồi phục sau 14 ngày điều trị Covid-19, chàng sinh viên Huỳnh Quang Phú xung phong tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ F0 tại phường 7, quận 10, TP.HCM.
Ngày 9/8, Huỳnh Quang Phú (sinh năm 1999) sinh viên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận được kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, với những triệu chứng sốt, mất vị giác và bắt đầu ho nhẹ.
Ngay sau đó, Phú được ban quản lý ký túc xá ĐH Bách khoa sắp xếp ở một phòng riêng để cách ly.
Đến đêm 11/8, khi những cơn ho ngày một nhiều, họng đau hơn, vị giác mất hoàn toàn, cơn nóng lạnh xuất hiện liên tục, Phú được đưa tới khu cách ly tập trung dành cho F0, tại trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10.
Trong thời gian điều trị Covid-19, Phú luôn giữ tinh thần lạc quan. |
“Trên chuyến xe giữa đêm khuya, không có người thân bên cạnh, lúc đầu, mình thấy khá hoang mang. Sau đó, mình bình tĩnh hơn nghe theo sự điều phối của các anh chị tình nguyện viên. Trước khi tới khu cách ly, mình được ban quản lý ký túc xá chuẩn bị cho đồ đạc, thuốc men”, chàng sinh viên nói với Zing.
Chiến thắng bệnh tật
Tại khu cách ly tập trung, mỗi ngày 3 bữa, Phú đều được các tình nguyện viên đưa cơm và uống thuốc theo đơn được kê trước đó. Bất cứ khi nào khó thở, cậu phải lập tức liên lạc với bác sĩ trực.
Trong thời gian điều trị, có 2 đêm Phú bị khó thở vào lúc 2h sáng. Khi đó, cậu đã ngồi dậy hít thở theo các bài tập mà nhà trường gửi cho các sinh viên. Sau 30 phút, chàng trai thấy thở ổn hơn và ngủ lại bình thường.
Cũng nhờ kiến thức về các bài hít thở này, nam sinh kịp giúp trấn an tinh thần một bệnh nhân cùng phòng. Khi người này lên cơn thở gấp, lúc nửa đêm, trước khi bác sĩ tới, Phú đã đưa bình oxy và hướng dẫn bệnh nhân hít thở đều. Sáng hôm sau, nhận được lời cảm ơn từ người mình đã giúp đỡ, chàng trai 22 tuổi cảm thấy rất hãnh diện.
Sau một tuần, sức khỏe Phú chuyển biến tích cực, có vị giác trở lại. Ngày thứ 14, có kết quả test nhanh lẫn xét nghiệm PCR đều âm tính, cậu được về ký túc xá.
Chàng sinh viên thừa nhận bản thân khá may mắn khi bệnh tình không diễn tiến nặng. Về kinh nghiệm chiến thắng Covid-19, Phú nói rằng nhờ tinh thần lạc quan và bình tĩnh.
Suốt thời gian điều trị, chàng trai luôn giữ liên lạc với gia đình, bạn bè. Phú thường xuyên nhận được sự động viên của mọi người. Ngoài ra, mỗi ngày, cậu tự tạo niềm vui bằng cách quay video và viết nhật ký cách ly.
Cống hiến một phần sức lực
Ban đầu, khi chữa khỏi Covid-19, Phú có ý định về quê ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin làm tình nguyện viên. Tuy nhiên, do địa phương đang phong tỏa, bị kẹt lại ở TP.HCM, chàng sinh viên đăng ký tham gia hỗ trợ F0 của phường 7, quận 10, làm việc tại Trường THPT Nguyễn Tri Phương.
Hàng ngày, công việc của cậu là nhập số liệu bệnh nhân ra vào, báo cáo, kiểm tra số giường còn trống.
Sau khi khỏi bệnh, nam sinh xung phong lên tuyến đầu chống dịch. |
Những ngày đầu, Phú gặp khó khăn trong việc vận hành hệ thống sao cho quy trình hoạt động được trơn tru. Do ngày nào cũng có bệnh nhân chuyển đi, thông tin phải được cập nhật liên tục, nam sinh cùng các tình nguyện viên khác cần đảm bảo số liệu được truy xuất nhanh nhất.
Ngoài ra, Phú còn hỗ trợ các bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân, sẵn sàng giúp đỡ người bệnh bất cứ lúc nào.
Dù mới vào làm việc được 5 ngày, Phú đã có thêm nhiều bạn bè. Hơn nữa, chàng sinh viên Bách khoa khẳng định công việc tình nguyện giúp cậu có nhiều trải nghiệm cuộc sống.
Khi xung phong làm tình nguyện viên, Phú xác định sẽ hỗ trợ công tác chống dịch đến khi tình hình ổn định trở lại.
Sợ gia đình lo lắng, chàng sinh viên vẫn giấu cha mẹ khi quyết định trở thành tình nguyện viên chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Phú cho biết sẽ sớm tiết lộ với người thân. Cậu tin rằng, khi biết việc này, họ chắc chắn sẽ ủng hộ.
Chàng trai 22 tuổi tâm sự sau khi hết dịch, cậu muốn được về quê, đoàn tụ cùng gia đình. Sau đó, Phú sẽ tập trung ôn luyện để thi lại những môn phải hoãn trong thời gian đi cách ly.
Nguồn: News.zing.vn