Nạn nhân bị tấn công trên mạng: ‘Không ai coi đó là chuyện nghiêm túc’

0
61

“Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho trường hợp không ai coi đó là chuyện nghiêm túc”, Pheebs Jameson, một nạn nhân bị tấn công trên Internet, nói với VICE.

Dữ liệu độc quyền về Tự do thông tin do VICE thu thập cho thấy chỉ 4% trong số 3.685 vụ bắt nạt trực tuyến mà Sở cảnh sát Metropolitan (Mỹ) tiếp nhận năm 2020 được xử lý, dù số lượng đơn tố giác tăng 48% so với năm trước.

Theo VICE, bắt nạt trực tuyến được định nghĩa bằng các hành vi bạo lực mạng, dọa giết, lừa đảo, quấy rối tình dục, kích động bạo lực hay bình luận độc hại. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, với số lượng nữ giới tố cáo với cảnh sát cao gấp đôi nam giới.

nguoi my tu bo mang xa hoi vi bat nat mang anh 1

Theo VICE, nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến đa số là nữ giới. Ảnh: iStock.

“Không ai coi là chuyện nghiêm túc”

Trong 1/3 vụ việc, dù xác nhận được danh tính, cơ quan điều tra vẫn khó tìm bằng chứng để truy tố nghi phạm do các điều luật bảo mật thông tin người dùng, hoặc đối tượng sử dụng đa tài khoản trên mạng xã hội.

Nhà văn Saurav Dutt (38 tuổi) từng bị bắt nạt trực tuyến ròng rã 2 năm, từ 2015 tới 2017. Anh bị một dân mạng liên tục giễu cợt vì theo đạo Hindu.

Ban đầu, Saurav báo cáo vụ quấy rối với cảnh sát địa phương, hy vọng có thể chấm dứt tình trạng này. Các sĩ quan yêu cầu anh lưu trữ các bằng chứng về việc bị bôi nhọ trên mạng như lịch sử hội thoại, ảnh chụp màn hình…

Song, khi kẻ bắt nạt Saurav thay đổi tên người dùng và lập ra nhiều tài khoản khác, phía cảnh sát bèn thay đổi thái độ.

“Lúc ấy, cảnh sát không còn quan tâm tới vụ việc nữa. Họ chẳng màng điều tra các tài khoản mới hay tra địa chỉ IP, thay vào đó là khuyên tôi nên bỏ mạng xã hội”, anh kể.

nguoi my tu bo mang xa hoi vi bat nat mang anh 2

Chịu cảnh bị phỉ báng trên mạng, Saurav đánh mất tự tin, phải từ bỏ mạng xã hội trong vòng một năm. Ảnh: iStock.

Trải nghiệm bị bắt nạt trên Internet hủy hoại hoàn toàn sự tự tin của Saurav. Anh trở nên bất an, khép mình, tránh né mạng xã hội. Hành vi tấn công từ kẻ bạo hành ẩn danh chỉ dừng lại sau khi anh xóa tài khoản cá nhân, dừng dùng mạng xã hội trong một năm.

Tara (38 tuổi), nhân viên văn phòng, từng là nạn nhân quấy rối trực tuyến do các đồng nghiệp trong công ty khơi mào.

Cô phải chịu cảnh bị chế giễu, phỉ báng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, có người còn liên hệ với đối tác của Tara, yêu cầu họ hủy hợp đồng với cô.

nguoi my tu bo mang xa hoi vi bat nat mang anh 3

Các nạn nhân chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề, thậm chí có ý nghĩ tự sát vì bị bắt nạt trên mạng. Ảnh: radiomundial.

Có thời điểm, Tara cảm thấy tuyệt vọng tới mức nảy sinh ý nghĩ tự sát. Cô cũng từng tìm đến cảnh sát để trình báo vụ việc, song phản ứng từ lực lượng chức năng khiến cô rất thất vọng.

“Họ chất vấn tôi những câu hỏi bâng quơ, không có kinh nghiệm hay lòng cảm thông để xử lý các trường hợp như tôi”, Tara trải lòng.

Pheebs Jameson (19 tuổi), người sáng lập nền tảng trực tuyến chia sẻ trải nghiệm bạo lực và quấy rối tình dục The Speak Up Space, đồng tình với Tara.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Pheebs phải đối diện với tình trạng gia tăng các hành vi quấy rối trực tuyến. Dù đã báo cảnh sát địa phương, cô được biết ảnh chụp màn hình – bằng chứng từ vụ việc – không được coi là bằng chứng trước tòa.

“Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho trường hợp không ai coi đó là chuyện nghiêm túc. Sau khi tố cáo sự việc, bạn còn phải đối mặt với nhiều rào cản khác”, Pheebs cho biết.

Khó ngăn nạn bắt nạt mạng

“Các hành vi phạm tội trực tuyến đem đến nhiều thách thức hơn cho việc điều tra do khó thu thập bằng chứng phù hợp, có tính pháp lý. Quyền bảo mật thông tin riêng tư trên mạng cũng khiến việc xác định nghi phạm khó khăn hơn”, Sở cảnh sát Metropolitan nói.

Lực lượng chức năng nhấn mạnh không ai đáng phải chịu bất kỳ hình thức bắt nạt, lạm dụng nào, dù ở trên mạng hay ngoài đời. Các nạn nhân cần báo cáo các hành vi gây tổn hại tới cá nhân họ cho cảnh sát để được điều tra.

nguoi my tu bo mang xa hoi vi bat nat mang anh 4

Pheebs khuyên các nạn nhân bị tấn công, bạo lực mạng nên chia sẻ, bày tỏ thái độ về điều mình đang trải qua. Ảnh: Unsplash.

Nhà văn Saurav cũng chỉ ra những khó khăn khi cố gắng tách bản thân khỏi kẻ bắt nạt mạng. “Tôi làm mọi thứ có thể, tắt thông báo, chặn tài khoản… Tuy nhiên, nếu họ chọn đặt hồ sơ ẩn danh, tôi chẳng biết làm thế nào”.

Vì thế, hơn 182.000 người đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi yêu cầu xác minh danh tính trước khi lập tài khoản mạng xã hội. Song, nhiều người phản đối vì điều này sẽ khiến nhiều cá nhân không đủ khả năng chứng minh thân phận mất cơ hội tiếp cận với các nền tảng trực tuyến.

Không ít nạn nhân được VICE phỏng vấn lo sợ vấn đề này sẽ leo thang theo thời gian. Thực tế, khi công nghệ phát triển hơn nữa, ngày càng có nhiều kênh trực tuyến được lập ra, và người dùng có thể sẽ tiếp tục bị bắt nạt.

Pheebs chia sẻ rằng khi bị tấn công, bạo lực mạng, nạn nhân nên chia sẻ, bày tỏ thái độ về điều mình đang trải qua. “Bạn có quyền làm như vậy. Hãy làm những gì mình muốn, và nhớ rằng bạn có thể bộc lộ sự tức giận bằng cách chặn, hoặc báo cáo họ với nhà phát triển ứng dụng hoặc cảnh sát”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn