TS Nguyễn Hồng Quang (Học viện Ngoại giao) cho rằng thế giới sẽ đủ vaccine từ năm 2022 nếu không có biến động lớn. Vấn đề khi ấy là cách tổ chức tiêm chủng sao cho hiệu quả.
Biến chủng Delta được WHO phát hiện đầu tiên vào tháng 12/2020 tại Ấn Độ. Song chỉ từ tháng 3/2021, biến chủng này mới gây ra các làn sóng Covid-19 tại Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ.
Delta đã và đang làm thay đổi chiến lược chống dịch ở nhiều nước, trong đó có vấn đề tiêm chủng.
Dân số thế giới hiện nay là gần 7,7 tỷ người, trong đó khoảng 5,5 tỷ người trên 18 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, tương đương 5,5 tỷ người được tiêm chủng, chúng ta sẽ cần 11 tỷ liều vaccine.
Nhưng đó là câu chuyện trước khi biến chủng Delta hoành hành. Biến chủng này đã và đang thúc đẩy 2 xu thế lớn về vaccine trên thế giới: Mở rộng đối tượng tiêm vaccine, và chú trọng vaccine công nghệ mới với tiềm năng hứa hẹn.
Delta đã và đang làm thay đổi chiến lược chống dịch ở nhiều nước, trong đó có vấn đề tiêm chủng vaccine. Ảnh: Reuters. |
Xu hướng thế giới sau chủng Delta
Một số nhà khoa học ở Anh và Mỹ cho rằng với đặc tính siêu lây nhiễm của Delta, các nước cần thay đổi khái niệm về miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số sẽ không còn bảo đảm kiểm soát đại dịch mà cần tiêm chủng 80%, thậm chí 90% dân số.
Điều đó có nghĩa là phần lớn trong số 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi sẽ phải được tiêm chủng, tương đương với việc lượng vaccine cần thiết sẽ được tăng thêm từ 3 tỷ đến 4 tỷ liều nữa.
Như vậy, lượng vaccine cần thiết để thế giới kiểm soát đại dịch, ít nhất là trên lý thuyết, là từ 14 tỷ đến 15 tỷ liều, chưa kể lượng vaccine cần thiết cho tiêm tăng cường hoặc tiêm gia hạn.
Một số nhà dịch tễ học như tiến sĩ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci thậm chí còn cho rằng có thể phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 hàng năm, giống như tiêm phòng cúm mùa.
Nếu vậy, lượng vaccine cần thiết để đảm bảo dịch Covid-19 được kiểm soát và không quay trở lại là rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ liều mỗi năm.
Nhân viên sân bay ở Somalia bốc dỡ vaccine ngừa Covid-19 được phân phối qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Ảnh: AP. |
Xu thế thứ hai là chú trọng hiệu quả vaccine. Các vaccine đã được WHO cấp phép về cơ bản chia ra làm 3 loại.
Loại thứ nhất sử dụng xác virus hoặc virus được làm yếu đi (của Sinovac, Sinopharm) để tiêm vào người cùng với chất kích thích cơ thể sinh kháng thể. Đây là công nghệ được sử dụng hàng trăm năm qua và đã được kiểm nghiệm trên thực tế.
Loại vaccine thứ hai dùng công nghệ vector, nghĩa là tiêm virus lành tính đã qua xử lý để mang đoạn gene tạo protein gai (cơ chế giúp virus bám vào tế bào để lây bệnh) nhằm giúp cơ thể người tạo kháng thể.
Loại thứ ba sử dụng công nghệ mRNA, tức sử dụng công nghệ để đưa RNA thông tin tạo protein gai vào cơ thể, từ đó tạo kháng thể chống lại loại virus có protein gai.
Vaccine ngừa Covid-19 dùng công nghệ mRNA có thể được coi là đột phá trong lịch sử ngành sản xuất vaccine. Công nghệ này có ưu điểm là thời gian sản xuất nhanh, dễ điều chỉnh để đối phó với các biến chủng mới.
Tuy nhiên, do là vaccine mới, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để đánh giá về tác dụng phụ, nhất là tác động đối với hệ miễn dịch của con người.
Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 7 trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet, lượng kháng thể do vaccine công nghệ mRNA cao gấp 10 lần vaccine theo công nghệ truyền thống.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Moderna là một trong hai loại vaccine mRNA được FDA phê duyệt khẩn cấp ở Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Các nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và tạp chí y khoa hàng đầu như New England Journal of Medicine đều cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng dược Pfizer và Moderna đạt hiệu quả 94-95% với chủng Alpha, và 75-77% với chủng Delta.
Điều này cho thấy nhu cầu của thế giới với vaccine mRNA có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vừa qua, hãng Pfizer đã nâng giá bán vaccine cho các nước trong Liên minh châu Âu (EU) từ 19 USD như hiện nay lên 25,5 USD/liều. Moderna cũng tăng giá 10%, lên 25,5 USD/liều.
Ngành công nghiệp vaccine bùng nổ
Kể từ khi Covid-19 được tuyên bố là đại dịch vào tháng 3/2020, với sự trợ giúp của nhà nước, hàng trăm công ty dược phẩm trên thế giới đã ồ ạt đổ tiền đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, và sản xuất vaccine, nhằm đối phó SARS-CoV-2.
Một cuộc đua giữa quốc gia với quốc gia, công ty với công ty, công nghệ cũ với công nghệ mới đã diễn ra. Sau khoảng một năm, 6 loại vaccine của các hãng AstraZeneca, Sinopharm, Sinovac, Sputnik V, Pfizer, Moderna, và Johnson & Johnson đã được WHO cấp phép sử dụng trong điều kiện khẩn cấp.
Các loại vaccine trên được phát triển để chống lại biến chủng Alpha và đã chứng minh hiệu quả trên thực tế.
Một đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử loài người đã bắt đầu từ tháng 12/2020. Cho đến ngày 21/8, đã có 4,9 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins (Mỹ).
Một số nước như Israel bắt đầu tiêm chủng mũi tăng cường cho các nhóm người dễ tổn thương. Ảnh: AP. |
Sau khi các biến chủng mới, trong đó có Delta, xuất hiện và lan rộng ra nhiều nước, các công ty sản xuất vaccine đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh sản lượng, cũng như nghiên cứu để đảm bảo vaccine vẫn có hiệu quả trước biến chủng.
Pfizer đã cắt ngắn chu kỳ sản xuất từ 110 ngày xuống còn 60 ngày, đẩy sản lượng trong năm nay lên 3 tỷ liều (so với kế hoạch ban đầu là 2,5 tỷ liều) và năm 2022 lên 4 tỷ liều.
Moderna đặt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều năm 2021 và tăng sản lượng lên gấp 3 vào năm 2022. Johnson & Johnson dự kiến sản xuất 500-600 triệu liều trong năm nay và có kế hoạch tăng lên 3 tỷ liều vào năm 2022.
Sinopharm sản xuất được gần 2 tỷ liều vaccine cho đến giữa năm nay (1,4 tỷ liều dùng nội địa, 570 triệu liều xuất khẩu). Với lợi thế về điều kiện sản xuất, các công ty vaccine Trung Quốc dự kiến tăng sản lượng lên 5 tỷ liều trong năm 2022.
Hãng AstraZeneca dự kiến tăng sản lượng từ 100 triệu liều/tháng năm nay lên 200 triệu liều/tháng vào năm 2022 và có thể sản xuất 4 tỷ liều trong năm 2023.
Hãng sản xuất ra Spunik V, loại vaccine đang được sử dụng ở nhiều nước, đặt mục tiêu điều chế 1,6 tỷ liều trong năm nay, dù đang gặp khó khăn cả ở khâu sản xuất nguyên liệu thô cũng như pha chế, đóng gói và phân phối.
Vaccine Sputnik V. Ảnh: Reuters. |
Khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) chính thức cho phép sử dụng vaccine Pfizer trong điều kiện bình thường vào ngày 23/8, nhu cầu tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới đối với vaccine mRNA sẽ tăng mạnh.
CEO Pfizer Albert Bourla vừa qua đã được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đón tiếp trọng thị nhằm thuyết phục Pfizer cung cấp đúng hạn vaccine cho Nhật Bản.
Có thông tin EU đã chấp nhận yêu cầu tăng giá của Pfizer và Moderna nhằm chuẩn bị cho phương án mở rộng tiêm chủng cho 90% người dân cùng khả năng phải tiêm thêm mũi thứ 3 trước chủng Delta.
Như vậy, về số lượng, thế giới có thể không thiếu vaccine từ năm 2022 nếu không có biến động lớn về sản xuất như kế hoạch nói trên. Đó là chưa kể sẽ có thêm một số loại vaccine nữa sẽ được WHO cấp phép sử dụng.
Vấn đề lớn nhất đối với thế giới nhiều khả năng là ở khâu phân bổ vaccine cho các quốc gia ra sao và khả năng phân phối, tiêm cho người dân như thế nào.
Quốc gia nào làm tốt vấn đề này sẽ có điều kiện nhận thêm vaccine, vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng để các cường quốc vaccine và các công ty đưa ra quyết định viện trợ hay thực hiện các đơn hàng.
Nguồn: News.zing.vn