Bị tách khỏi gia đình từ năm 3 tuổi, các bé gái bắt đầu cuộc sống của một nữ thần trong cung điện hoàng gia Nepal xa hoa lộng lẫy. Nhưng một ngày định mệnh, khi người ta phát hiện ra em bước vào tuổi dậy thì, lập tức ánh hào quang xung quanh tắt ngấm. Em trở về gia đình, sống cuộc sống không có tuổi thơ.
Từ xa xưa, người dân Nepal coi các bé gái là hiện thân của thân Taleju (đạo Hindu), vị thần có mọi quyền lực bảo vệ cho đức vua và đất nước thoát khỏi mọi tai họa, hưởng thụ cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Vì thế, hoàng gia Nepal luôn ráo riết tìm kiếm những bé gái đủ tiêu chuẩn và đưa về thờ phụng như một nữ thần (gọi là Kumari). Khi cuộc tìm kiếm hoàn tất, đứa bé sẽ bị cách ly khỏi bố mẹ, chuyển đến sống tại cung điện Nepal cổ kính. Đức vua trao quyền lực cho Kumari đến khi cô bé xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Lúc đó hoàng cung lập tức trục xuất cô bé với lý do thân thể đã nhơ bẩn, và bắt đầu một cuộc tuyển chọn mới.
Một bé gái kumari. |
Năm vị linh mục cùng với nhà chiêm tinh được đức vua trao trọng trách phát hiện, tìm kiếm những bé gái độ tuổi chập chững biết đi trong cộng đồng người Shakya vùng Kathmandu. Tiêu chuẩn lựa chọn đầu tiên là lá số tử vi của bé gái phải hợp với lá số của đức vua. Bước tiếp theo là kiểm tra 32 đức tính hoàn hảo trên cơ thể bé gái. Phải có đôi chân dài, cặp má bầu bĩnh, cổ cao, thon thả và giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng. Thêm vào đó, làn da phải trắng, mái tóc, cặp mắt đen, lưỡi mềm mại và bộ phận sinh dục nhỏ. Sau khi được xác nhận là đầy đủ “đức tính hoàn hảo”, các linh mục sẽ dâng hoa, thức ăn và tôn bé gái lên làm nữ thần. Hàng nghìn người dân Nepal đến cầu xin nữ thần ban cho may mắn, bản thân đức vua Nepal cũng vui mừng khi được nữ thần đánh dấu son lên trán, tượng trưng cho quyền lực và thịnh vượng.
Preeti Sahkya, 5 tuổi, với đôi mắt mở to, tóc đen nhánh đang là nữ thần, nhân vật quan trọng nhất trong vương quốc Nepal. Khi các linh mục đến nhà Preeti Sahkya, mẹ em – Reene Shakya – đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều: “Tôi không muốn cho họ xem lá số tử vi của con bé, nhưng làm sao tôi có thể chối từ. Họ không hiểu được tôi cảm thấy như thế nào đâu”, Reene than khóc. “Con tôi đã bị mang đi nhiều năm nay. Và tôi biết, bây giờ con bé đã trở thành một người khác, bởi nó được người ta gọi là nữ thần”. Reene chỉ được phép gặp Preeti mỗi tuần/lần. “Tôi đến như một người thờ cúng bình thường”, Reene nói. Chị gái của Preeti thường đến chơi với em vào các ngày thứ 7, tâm sự: “Dù sao, Preeti vẫn là đứa trẻ, rất thích ăn kem và chơi đùa”.
Là một Kumari của hoàng cung, Preeti phải tuân thủ các quy định hết sức khắt khe. Hằng ngày, những người phục vụ đánh thức Preeti dậy từ rất sớm, mặc cho em bộ váy màu đỏ, khoác chiếc áo choàng thêu kim tuyến vàng, búi tóc gọn và dùng ba màu đỏ, đen, vàng vẽ con mắt thứ ba lên trán em. Khoảng 9 giờ sáng, Preeti đến ngồi trên ngai vàng để các linh mục dâng lễ vật làm dịu cơn đói của “nữ thần Taleju”. Sau đó, Preeti dành nhiều thời gian cầu kinh với mọi người trong cung trước khi bắt đầu một ngày học tập. Cuối cùng, nữ thần được tự do để chơi đùa, tận hưởng giây phút quý giá của một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, tất nhiên chỉ tự do trong khuôn khổ. Nữ thần được phép đi dạo trong phòng và tuyệt đối không được ra ngoài, trừ phi xuất hiện tại nơi công cộng mỗi tháng một lần.
Khi đến tuổi trưởng thành, Preeti bị trả về gia đình. Giống như các trẻ vị thành niên khác, em giúp mẹ làm việc nhà. Chỉ khác một điều, em sẽ không bao giờ đi dạo trên đường phố, đi shopping hoặc giao thiệp với bạn bè. Bởi lẽ, việc từ một nữ thần được cung phụng, chiều chuộng trong cung điện phút chốc bỗng trở thành người bình thường là việc quá đột ngột đối với các bé gái.
“Thật là khó khăn. Tất cả những việc tôi muốn làm bây giờ là quay trở về ngôi nhà Kumari”, Rashmila, 22 tuổi, một Kumari trước đây, nói. Chỉ còn những bức ảnh lưu niệm chụp cảnh nữ thần Rashmila đang ngồi trang điểm trước gương với mái tóc búi cao. “Trở về nhà, tôi không có cảm giác tự do mà phải vật lộn với nhiều thứ trước đây không hề có”. Mặc dù vậy, Rashmila là cô gái bản lĩnh. Hiện cô theo học ngành thông tin với mơ ước trở thành chuyên gia thiết kế phần mềm vi tính. Nhưng Rashmila không nguôi nhớ về quá khứ: “Không phải ai cũng được lựa chọn để trở thành Kumari. Đó là một vinh dự”.
Người kế vị Rashmila là Amita Shakya, sau khi hết thời hạn làm nữ thần cũng đã trở về nhà với bố mẹ. Amita 14 tuổi, mặc quần jeans bạc màu và áo thun hồng như bao đứa trẻ Nepal bình thường khác, đang ngồi trên chiếc ghế đẩu trong phòng khách nhưng chẳng nói một lời. Bố em cho biết, ông đã phải đấu tranh rất nhiều với hoàng gia để nữ thần Amita được học hành tử tế. Ông kể: “Tôi đã gửi thư đến cung điện nhiều lần nhưng họ trả lời: Con gái của anh là nữ thần, vì vậy không cần học hành gì cả”. Cho đến khi Mimita, mẹ của Amita, đích thân cầm lá thư đến gặp đức vua Birenda thì mọi chuyện mới được giải quyết ổn thỏa.
Tháng 9/2002, Bidya Bhandari (nguyên thành viên quốc hội Nepal) đã kêu gọi mọi người hủy bỏ tập tục truyền thống lâu đời này thông qua hội nghị báo chí toàn quốc. Theo bà, việc duy trì phong tục này ngày càng vi phạm quyền trẻ em, quyền phụ nữ và quyền con người: Vừa mới chập chững biết đi, các bé gái đã bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội, rồi vài năm sau, khi chúng đến tuổi dậy thì lại bị chính những người đang cung phụng, nuôi dưỡng quẳng ra ngoài đường. Điều này gây tổn hại lớn tâm lý vì cuộc sống của trẻ tự nhiên bị đảo lộn hoàn toàn.
Tuy nhiên, để hủy bỏ một tập tục truyền thống đã ăn sâu bám rễ trong dân chúng không phải là điều đơn giản. Ramesh Prasad Pandey, 72 tuổi, trước kia là giám sát ba nữ thần trong hoàng cung, nói: “Vấn đề là ý thức của mỗi người. Khi tôi nhìn thấy một viên đá, tôi bảo trên viên đá có dấu vết của thánh thần và đem về đặt trên bàn. Một thời gian sau nó sẽ thực sự trở thành viên đá linh thiêng. Các Kumari cũng thế. Nếu mọi người cho rằng bé gái là hiện thân của thần Taleju, thì bé gái sẽ trở thành nữ thần”.
Pradhan Malla – một luật sư, người tích cực trong các hoạt động xã hội – thừa nhận, các Kumari thuộc một phần văn hóa Nepal nên rất khó từ bỏ. Tuy nhiên, bà phát biểu: “Quyền lợi của các bé gái cần được bảo vệ. Trước khi từ bỏ vị trí của một Kumari, ít nhất bé gái cũng phải được giáo dục để hiểu được chuyện tất yếu xảy ra và xã hội phải có trách nhiệm giúp bé gái hòa hợp cuộc sống mới”.
(Theo Mỹ Thuật)
Nguồn: Vnexpress.net