VTV.vn – Trên những con dấu gỗ được người thợ đục đẽo thủ công, có một Hà Nội cổ kính hiện lên với nhiều địa danh, con người, câu chuyện,…
Nếu Hà Nội từ lâu đã mê hoặc lòng người qua những trang văn hoài niệm của nhà văn Thạch Lam hay những khúc nhạc trữ tình sâu lắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì giờ đây, tình yêu dành cho mảnh đất còn có thể được khắc họa qua những con dấu gỗ thủ công.
Trên con phố Hàng Quạt, không khó để mỗi người đi qua bắt gặp một người đàn ông ngày ngày cặm cụi khắc dấu gỗ. Ông Phạm Ngọc Toàn là chủ cửa tiệm khắc dấu chỉ rộng khoảng 1 mét vuông tại nhà số 6 trên con phố này. Ông kể, xưa kia ông từng làm thầy giáo dạy môn Vật Lý, nhưng vì nhiều lý do nên đã chọn nghề thủ công để mưu sinh, theo đuổi và bây giờ là giữ gìn.
Hằng ngày, cứ mỗi buổi sáng, ông Toàn và vợ lại cùng nhau mở cửa tiệm đón khách ra, vào. Ông tâm sự: “Vợ tôi là giáo viên nghỉ hưu. Niềm vui của chúng tôi mỗi ngày là còn khoẻ mạnh, được chuyện trò với mọi người và khắc dấu cho khách. Nhiều khi các bạn vào đây chỉ vì tò mò, không mua con dấu nào cả, nhưng tôi vẫn thấy rất vui vì được nói chuyện với các bạn.”
Bác Toàn cùng vợ đã miệt mài gìn giữ nghề khắc dấu thủ công trên con phố Hàng Quạt hơn 40 năm.
Tôi đã đến cửa hàng này vài lần, lần nào chủ tiệm cũng niềm nở, nhẹ nhàng dù công việc rất bận. Ông đông khách, hiếm khi nào được ngơi tay. Dấu gỗ có thể được khắc rất nhiều hình, nhưng ở cửa hàng của ông Toàn, tôi thấy nhiều con dấu hiện lên vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội. Hoá ra, du khách cũng có thể ngắm nhìn Hà Nội qua những con dấu bé xíu xiu ấy.
Những hình ảnh biểu tượng của đất nước, mang dấu ấn đặc biệt như Quốc kỳ, bông sen, cô gái trong tà áo dài và đội chiếc nón lá, hay những địa danh đã gắn liền với mảnh đất kinh kỳ suốt nghìn năm như chùa Một Cột, tháp Rùa, Nhà Thờ Lớn,… giờ đây lại hiện lên trên những con dấu được chạm khắc tinh xảo.
Có rất nhiều mẫu mã đa dạng để khách hàng lựa mua hoặc đặt làm theo mong muốn. Dù hình ảnh nhiều hay ít hoạ tiết, mỗi con dấu cũng chỉ khoảng 70.000 đồng.
Nghề làm dấu thủ công đã xuất hiện trên mảnh đất thủ đô từ lâu đời.
Con dấu là một sản phẩm của ngành thủ công, nhưng hình ảnh trên con dấu lại kể về những nét văn hoá ngàn năm của Hà Nội. Qua từng con dấu, ta có thể thấy ở đó hình ảnh của nước Việt Nam, biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, cái độc đáo trong văn hoá đời thường của người Hà Nội,… Con dấu đã thay chúng ta nói về tình yêu nước và Thủ đô Hà Nội cho bạn bè bốn phương. Con dấu đã trở thành món quà “xách tay” của nhiều người bạn quốc tế khi đến Việt Nam du lịch.
Bạn Như Quỳnh, một du học sinh về nước chơi trong dịp Tết Nguyên đán, ghé vào cửa tiệm nhỏ của bác Toàn, mua vài con dấu làm quà cho những người bạn của mình. “Mình thấy bác khắc rất tỉ mẩn, có nhiều hình thù đa dạng. Bạn bè mình có người theo nghề làm phim, có người đam mê âm nhạc, mình lựa theo sở thích của từng người mà mua, hình nào không có sẵn mình đặt bác làm. Nếu không có sẵn thì sẽ phải chờ lâu hơn, nhưng để có được một món quà dễ thương và ý nghĩa như vậy thì rất đáng để chờ.” – Như Quỳnh chia sẻ.
Gói những con dấu trong túi giấy, rồi dùng chính con dấu để in lên bên ngoài, không chỉ để trang trí mà còn giúp phân biệt từng đơn hàng không bị lẫn lộn với nhau.
Chỉ với một chiếc dao sắc, đục nhọn, đôi bàn tay cần mẫn cùng một trái tim trọn vẹn với nghề hơn 40 năm, ông Toàn đã biến những mẩu gỗ nguyên phôi tưởng chừng chỉ là vật vô tri, vô giác trở thành vật phẩm mang trong mình hơi thở nghệ thuật truyền thống khiến nhiều người say mê. Những hình ảnh không quá phức tạp chỉ mất khoảng 15 tới 20 phút để hoàn thiện, nhưng cũng có những con dấu mà ông Toàn phải dành tới vài ngày để khắc, và chỉ cần “lơ đãng một chút là hỏng ngay”.
Bác Toàn tự hào kể: “Từng có một cô giáo người Mỹ đến thăm Hà Nội và ghé qua cửa hàng của bác. Cô ấy đã mua 40 con dấu để mang về nước và tặng học sinh, mỗi con dấu đều khắc tên của từng bạn”. Niềm tự hào của bác có lẽ không chỉ là niềm tự hào với nghề, mà đã trở thành niềm tự tôn dân tộc.
Cửa hàng nhỏ chỉ khoảng 1 mét vuông lúc nào cũng đông khách.
Nghề làm dấu thủ công đã có mặt trên đất Hà Thành hàng trăm năm, đủ lâu để chứng kiến thành phố này trải qua những thăng trầm của thời cuộc. Từ những ngày phố phường còn thưa bóng người, khi những hiệu khắc dấu nhỏ bé nép mình trong lòng phố cổ, đến lúc đô thị hóa tràn về, nhịp sống hối hả dần cuốn đi nhiều giá trị xưa cũ, nghề dấu vẫn âm thầm tồn tại, như một phần ký ức không thể mờ phai của Hà Nội.
Những di tích lịch sử hào hùng, những góc phố thân quen, những nếp nhà cổ kính nhuốm màu thời gian hay những con người cần cù lao động, tất cả hiện lên con dấu như một nhân chứng sống động của lịch sử, lưu giữ hồn cốt nơi đây, mang vẻ đẹp giao thoa của quá khứ và hiện tại. Qua mỗi đường khắc thủ công tinh tế trổ xuống miếng gỗ thừng mực, ẩn trong đó không chỉ là sự khéo léo, tận tâm với nghề của người thợ, mà còn là tấm lòng, ký ức của những người đã sống, yêu và góp phần tạo nên vẻ đẹp trầm mặc của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nguồn: Vtv