Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu với hình ảnh 3 chiếc nón lá khổng lồ cùng Cây đờn kìm cách điệu cao gần 20m nằm trong quảng trường Hùng Vương thuộc Phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Được khánh thành từ năm 2014, đến nay quảng trường Hùng Vương đã trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa này “ghi điểm” trên bản đồ du lịch Việt Nam!
2 công trình văn hóa – nghệ thuật của tỉnh đã được Kỷ lục Việt Nam công nhận, đó là cây đờn kìm cách điệu lớn nhất, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu và Nhà hát Cao Văn Lầu.
Cây đờn kìm cách điệu – biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu có tổng chiều cao công trình là 18,6 m, bên dưới là 5 cánh sen đỡ cây đờn kìm, toàn khối đặt trên hồ nước hình ngôi sao 5 cánh
Cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và của văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Bạc Liêu nói riêng.
Cây đờn kìm này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam với tổng chiều cao 18,6m, được dựng trên 5 cánh sen trong hồ nước hình ngôi sao 5 cánh
Cận cảnh đài phun nước và hệ thống chiếu sáng buổi tối của cây đàn kìm
Bên cạnh đó, 3 khối tượng cao 9m, biểu trưng cho sự đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cũng là một điểm nhấn của quảng trường. Trên 3 khối tượng này có khắc các nhóm số đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.
Trong quần thể các công trình kiến trúc của quảng trường Hùng Vương còn có đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tượng đài sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) và biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình. Đây là những công trình mang giá trị lịch sử to lớn, khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử – văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tọa lạc trong khuôn viên quảng trường không thể không nhắc đến Trung tâm triển lãm văn hóa – nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau với tổng diện tích 2.262m2.
Được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất là 24,25 m, đường kính nón lớn nhất là 45,15 m, mái được làm bằng tấm lợp composite
Phần mái composite của Nhà hát Cao Văn Lầu.
Không chỉ là nơi trưng bày những biểu tượng văn hóa, quảng trường cũng là nơi nhiều người dân trong thành phố ra đây vui chơi, vừa để hít thở không khí trong lành, vừa tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn