Chuyển đổi số, làn sóng tự xuất bản, hỗ trợ của chính phủ cũng như sự trung thành của độc giả là những yếu tố giúp ngành xuất bản Canada đứng vững trong đại dịch.
Hơn một năm rưỡi, dịch bệnh tấn công mọi ngóc ngách của nền kinh tế, trong đó có cả ngành xuất bản của Canada. Nhưng điều này cũng kích thích sự thay đổi trong xuất bản. Nhiều người đọc sách hơn và theo các cách khác nhau. Đồng thời, nhiều người bắt tay vào viết lách, tạo nên một cơn sốt sách tự xuất bản.
Mùa hè năm 2020, mọi thứ thật sự ảm đạm. Các nhà xuất bản đều đưa ra con số giảm từ 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tới tháng 11 cùng năm, tình hình có cải thiện đôi chút nhưng vẫn giảm 30-40% so với mức thông thường.
Dù doanh số bán hàng tại các cửa hiệu sách có sụt giảm nghiêm trọng, doanh số bán online có phần tăng lên, đặc biệt là ở mảng sách điện tử, cũng như sách tham khảo dùng trong trường học. Các cửa hàng sách độc lập cũng thể hiện tốt hơn nhiều chuỗi cửa hàng lớn. Đòn bẩy là từ kênh bán hàng trực tuyến và ấn phẩm điện tử.
Theo Brian Lam (Nhà xuất bản Arsenal Pulp Press), bốn tháng đầu bước vào đại dịch thật sự khó khăn, vì đó là lúc các nhà sách phải đóng cửa. Nhà phân phối cũng gặp vấn đề. Họ không thể thanh toán cho nhà xuất bản vì phần lớn khách hàng chưa trả tiền.
Các đơn hàng sách từ trường học giảm đột ngột khi nhiều trường chuyển sang học trực tuyến. Nhu cầu sau đó đã chuyển từ sách in sang sách điện tử.
“Đột nhiên mọi người đều hỏi những câu như làm thế nào để tiếp cận những cuốn sách trong thư viện? Tôi nghĩ vấn đề là cần phải có cú hích đối với thị trường này để mọi người nhận ra rằng sách điện tử là sự chuyển đổi cần thiết”, Andrew Wooldridge (Nhà xuất bản Orca), nói.
Nhiều nhà xuất bản cũng thay đổi cách quảng cáo, truyền thông và bán hàng của mình trong đại dịch. Orca đã chuyển từ gửi catalog giới thiệu sách sang kết nối trực tiếp qua các phương tiện mạng xã hội với độc giả và người mua sách. Trong khi đó, Arsenal Pulp có doanh thu bán hàng trực tiếp qua trang website tăng 400%, tính riêng 4 tháng đầu đại dịch.
Đại diện Andrew Wooldridge của nhà xuất bản Orca chia sẻ về sự chuyển đổi cần thiết sang sách điện tử. Ảnh: Orca. |
Làn sóng sách tự xuất bản
Các cuộc khảo sát thời kỳ đầu của đại dịch cho thấy khi bị giới hạn các hoạt động ngoài trời, người Canada dành nhiều thời gian đọc sách hơn. Vào những lúc cao điểm trong thời gian giãn cách, lượng bản thảo gửi tới các nhà xuất bản cũng gia tăng kỷ lục.
Dù vậy, không phải tác giả nào cũng chọn cách thức truyền thống khi mà hình thức tự xuất bản (self- publishing) cũng nổi lên trong thời đại dịch.
Chi nhánh Bờ Tây của Friesens, nhà in chuyên cung cấp dịch vụ in truyền thống và cũng là dịch vụ tự xuất bản, cho biết rằng số lượng tác giả mới của họ đã tăng thêm 60% trong một năm rưỡi qua. Điều tương tự cũng xảy ra với Blurb, một nền tảng xuất bản độc lập tạo thúc đẩy viết sách, in theo yêu cầu, phân phối sách.
“Tôi cho rằng đối với những tác giả tự xuất bản, Covid-19 đã cho họ thời gian để chuyên tâm sáng tác tác phẩm của mình. Chúng ta thường nói rằng tạo ra một cuốn sách quá dễ dàng. Nhưng trên thực tế, để cho ra đời cuốn sách của chính bạn đòi hỏi một nỗ lực lớn, nhiều thời gian và tư duy hơn mọi người vẫn nghĩ”, theo lời Daniel Milnor tại Blurb.
Người đọc đóng vai trò quan trọng
Với nhiều nhà xuất bản Canada, hỗ trợ của chính phủ và địa phương rất cần thiết, khi phần lớn đều tận dụng các chương trình trợ cấp lương của liên bang, cũng như những khoản tài trợ thông qua tổ chức Hội đồng Canada, Hội đồng Nghệ thuật British Columbia và Canadian Heritage.
Hiệp hội các nhà xuất bản British Columbia cũng nhận được hỗ trợ Canadian Heritage vào thời điểm mà tổ chức lo ngại các thành viên sẽ không thể đóng phí thành viên hay trả cho dịch vụ quảng cáo và truyền thông.
Dù vậy, đại dịch vẫn cho thấy những vấn đề tồn đọng trong ngành, đòi hỏi sự trao đổi xuyên suốt giữa các nhà xuất bản. Áp lực từ ngành công nghiệp bột gỗ và giấy đã làm tăng chi phí sản xuất cho mỗi cuốn sách.
Các nhà xuất bản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đặt in sách, hệ quả từ mất cân bằng cung cầu máy in, những vấn đề trong chuỗi cung ứng như nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Theo chia sẻ một số đại diện, nếu đặt in vào tháng 8/2021, phải đến tháng 1/2022, họ mới có thể nhận được sách. Họ cũng đã nghĩ tới việc tìm đến những nhà in ở nước ngoài, nhưng kể cả thế thì chi phí vận chuyển đắt đỏ và thời gian giao hàng kéo dài khiến mọi thứ không mấy khả thi.
Các hiệu sách địa phương ở Canada được người dân ủng hộ vượt qua đại dịch. Ảnh: Read Local BC. |
Nhiều tranh cãi cũng nổ ra xoay quanh việc hoàn trả sách của các hiệu sách. Theo đại diện Laurine Coates ở nhà xuất bản UBC Press, đây không chỉ là vấn đề kinh doanh của ngành xuất bản, mà còn là việc bảo vệ môi trường. Cứ vận chuyển sách qua lại tốn quá nhiều nhiên liệu và thời gian. Hệ thống phân phối cần thảo luận để đưa ra cách làm việc hiệu quả hơn.
Trong thời điểm dịch bệnh, chi phí để vận chuyển một cuốn sách 250 trang tại Canada thậm chí cao bằng giá tiền của chính cuốn sách đó. Nhiều nhà xuất bản dù đã chuyển sang kênh bán hàng online, cũng rất khó để cạnh tranh với các đế chế lớn như Amazon. Họ không thể giao hàng miễn phí vì chi phí quá đắt đỏ.
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát phần nào, độc giả cũng quyết định mua sách nhiều hơn tại các cửa hiệu ở địa phương, ủng hộ các nhà xuất bản cũng như cửa hàng sách độc lập.
Suy cho cùng, chính sự trung thành của độc giả đã giúp cho các nhà xuất bản vượt qua thời kỳ khó khăn. Ngành xuất bản Canada vẫn đứng vững và hoạt động ở mức độ hiện tại như một phép màu.
Nguồn: News.zing.vn