Trước khi về nhà, Như đi từng phòng tạm biệt y, bác sĩ, tình nguyện viên và F0 cô hỗ trợ trong gần một tháng ở bệnh viện. Mọi người hẹn gặp lại nhau khi thành phố khỏe lại.
Giúp TP.HCM chống dịch trong vài tháng qua, nhiều tình nguyện viên có thêm bạn bè, kỷ niệm đáng giá và thấy bản thân trưởng thành hơn. Khi trở lại cuộc sống bình thường, họ vui mừng nhưng cũng cảm thấy tiếc nuối.
4 bạn trẻ chia sẻ với Zing cảm xúc của họ khi hành trình tình nguyện khép lại.
Nguyễn An Khang (16 tuổi), học sinh trường THPT Trường Chinh
“Đi làm tình nguyện viên như vậy không sợ à?” là câu hỏi tôi thường xuyên được nghe từ khi tham gia phòng, chống dịch vào đầu tháng 6.
Thật ra, đi chống dịch cũng sợ lắm! Ngày qua ngày đối mặt với quân giặc vô hình, chỉ cần lơ là một chút sẽ bị tấn công ngay.
Thế nhưng, thay vì sợ hãi, tôi chọn học hỏi nhiều thông tin đúng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh. Nhờ đó, tôi bớt đi nhiều phần lo sợ.
Nhớ ngày tập huấn lấy mẫu xét nghiệm tại Nhà Thiếu nhi quận 12. Lúc mới bước vào, tôi đã cảm nhận được sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ của các tình nguyện viên. Tôi biết rằng mình không cô đơn vì có thêm đồng đội, những người có cùng mục tiêu hướng tới.
Tôi là tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất phường nhưng đi đâu cũng bị gọi là “anh”. Các anh, chị không biết tôi mới 16 tuổi. Nhìn lại, tôi cũng có phần già nua, mặt nổi đầy mụn, da chỗ đen, chỗ trắng vì đeo khẩu trang thường xuyên.
Tham gia chống dịch từ 6/6 đến 30/9, An Khang đảm nhận các công việc từ trực chốt kiểm dịch, hỗ trợ ATM gạo, lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vaccine đến vận chuyển rau củ. |
Hôm 30/9, tôi đi tình nguyện như mọi ngày vì nghĩ thành phố sẽ gia hạn giãn cách. Nhưng sau đó, tôi được nhận lệnh không cần phải đi hỗ trợ nữa vì vùng xanh tăng lên nhiều, những việc còn lại đã có sinh viên y khoa đảm nhận.
Tôi vui mừng vì dịch đã trong tầm kiểm soát, nhưng cũng luyến tiếc khi chia tay đồng đội.
Gần 4 tháng tham gia chống dịch giúp tôi trưởng thành, tự lập hơn, từ những việc nhỏ nhặt như giặt quần áo, dậy sớm tập thể dục đến tối ngủ trên bàn học bằng gỗ, không êm ấm như ở nhà.
Ngày 3/10, tôi được UBND phường trao tặng giấy khen vì đã góp sức chống dịch trên địa bàn. Khi đi học lại, tôi sẽ tự hào khoe chúng bạn về trải nghiệm này.
Cảm ơn những người đồng đội đã cùng nhau chiến đấu. Cảm ơn gia đình đã tin tưởng cho phép con đi hỗ trợ đất nước.
Sài Gòn ơi, mau khỏe nhé!
Đinh Hoàng Bảo Trâm (18 tuổi), sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM
Đã qua 35 ngày kể từ khi tôi bắt đầu làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5). Đó là khoảng thời gian không quá dài nhưng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm khó quên.
Từ những ngày đầu, cô gái 18 tuổi còn bỡ ngỡ, chưa quen với các lối đi, quy trình, cường độ làm việc, đến khi mắc Covid-19, đi cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 8 (TP Thủ Đức) và quay lại hỗ trợ sản phụ F0 tại khu K1.
Từ người chưa có kinh nghiệm chăm sóc bà bầu và bé sơ sinh, tôi có thể hỗ trợ đưa bệnh nhân đi siêu âm, xét nghiệm, cấp cứu, thành thạo thay đồ vải, dọn giường bệnh cho sản phụ.
Sau khi hồi phục từ Covid-19, Bảo Trâm tiếp tục xin đi chống dịch ở Bệnh viện Hùng Vương. |
Hôm 30/9, hành trình chống dịch của tôi khép lại.
Trước đó, số bệnh nhân và khối lượng công việc của tôi cũng giảm dần, chỉ còn những F0 tương đối nặng, cần ở lại chăm sóc thêm. Cứ đến chiều, số bệnh nhân xuất viện ngày càng nhiều khiến tôi rất vui.
Ngày chia tay tình nguyện viên, bệnh viện tổ chức lễ tuyên dương và phát thưởng. Sau thời gian gắn bó khá lâu, mọi người luyến tiếc, không muốn về. Thế nhưng, ai cũng vui vì tình hình dịch đã giảm và có thể quay lại cuộc sống bình thường mới.
Chúng tôi nói lời tạm biệt, hẹn nhau ngày hội ngộ khi Sài Gòn mạnh khỏe.
Tôi biết ơn Thành Đoàn và bệnh viện đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội đóng góp sức trẻ để đẩy lùi dịch bệnh.
Trần Thảo Như (27 tuổi), nhân viên văn phòng
Gần một tháng ở Bệnh viện dã chiến số 2 (quận 12) của tôi kết thúc vào 15h chiều 7/10.
Từ F0 nhập viện ngày 9/9, đến hôm 19/9, tôi xin làm tình nguyện viên hỗ trợ mọi người. Công việc gồm phát cơm, đổi bình oxy, vận chuyển oxy, hỗ trợ bác sĩ thăm khám, phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm, trấn an tinh thần bệnh nhân… Với tôi, công việc không quá khó khăn và phức tạp.
Tôi dự định ở lại bệnh viện một tháng mới xin về nhưng vì lý do cá nhân, hành trình tình nguyện của tôi phải kết thúc sớm hơn.
Hôm cuối cùng, tôi chỉ kịp tạm biệt các y, bác sĩ, tình nguyện viên và F0 ở tầng mình hỗ trợ.
Đến từng phòng, các bệnh nhân đều biết tôi nên vui mừng xen lẫn chút buồn. Tôi dặn họ ăn uống, ngủ nghỉ, cần hỗ trợ thì liên hệ bác sĩ để mọi người yên tâm chữa trị và sớm được về nhà.
Khi đó, có 7-8 F0 phải thở bình oxy và máy tạo oxy nên chào hỏi họ xong, tôi đi kiểm tra một lần nữa mới về soạn đồ.
Thảo Như (phía trước) nhập viện điều trị Covid-19 và xin tham gia tình nguyện để giúp đỡ các F0 khác. |
Với tôi, niềm vui lớn nhất là được 2 anh bệnh nhân tặng sách, các cô, bác mình từng hỗ trợ nói cảm ơn, chúc mạnh khỏe. Có người còn xin số điện thoại của tôi để sau này hết dịch hẹn gặp mặt và ăn uống.
Hiện tại, tôi đã khỏe mạnh, không còn gì lo lắng. Nhưng về nhà, tôi rất nhớ mọi người. Nhớ lúc đi khám bệnh cùng các anh, chị bác sĩ, khi đi xin “quyên góp” để mở tạp hóa 0 đồng giữa lòng bệnh viện dã chiến hay giây phút được bệnh nhân cảm ơn, tặng sách.
Tôi mong dịch mau qua đi để các y, bác sĩ và tình nguyện viên sớm được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình.
Đỗ Trọng Nhân (20 tuổi), quê An Giang
Tôi tham gia tình nguyện từ giữa tháng 7, hỗ trợ các hoạt động như vận chuyển nhu yếu phẩm, hỗ trợ đội oxy, chăm sóc và hướng dẫn F0 tại nhà, hỗ trợ điểm tiêm vaccine và bệnh viện dã chiến.
Chiều 9/10, nhóm tôi hỗ trợ tiêm vaccine ở Bệnh viện Nhi đồng thành phố nữa là kết thúc chiến dịch.
Nhiều đồng đội của tôi sẽ trở về cuộc sống bình thường. Còn tôi có thể xin ở lại để tiếp tục hỗ trợ đến khi dịch ổn hẳn.
Những ngày Sài Gòn dần khỏe lại là thời điểm tình nguyện viên chúng tôi trông đợi nhất nhưng cũng đem đến cảm giác nuối tiếc nhiều kỷ niệm.
Trọng Nhân (áo xanh lam) xa nhà hơn 2 tháng qua để tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. |
Từ những người xa lạ, chúng tôi trở thành bạn bè, đồng đội thân thiết. Có khi cùng làm việc tới 2-3h sáng mới được nghỉ ngơi, 6h chúng tôi đã dậy chuẩn bị đi làm tiếp.
Cảm thấy quá quen thuộc với nhau, giờ phải chia xa, có lẽ không ai nỡ. Nhưng không sao, Sài Gòn khỏe rồi!
Sau này, mỗi người có công việc, cuộc sống riêng nhưng tôi hy vọng mọi người vẫn như những ngày tháng qua khi cùng nhau cố gắng, nỗ lực, chia sẻ và có thể ngồi lại với nhau vui vẻ.
Giây phút chia tay, chúng tôi chỉ cần ôm nhau, nói lời cảm ơn vì đã đồng hành cùng nhau là đủ. Có rất nhiều đồng đội của tôi mắc Covid-19 khi đi tình nguyện nhưng may mắn tất cả đều bình an.
Tôi cũng muốn cảm ơn y, bác sĩ tại Bệnh Viện dã chiến số 13, Trung tâm y tế huyện Bình Chánh luôn tận tình chăm sóc chúng tôi suốt thời gian qua. Cảm ơn Huyện Đoàn Bình Chánh đã cho cả nhóm cơ hội kết nối, đồng hành cùng nhau. Cảm ơn cha mẹ đã cho tôi đi chống dịch để có cảm giác tự hào vì giúp ích cho xã hội.
Sài Gòn ơi, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ rồi. Trả lại sự ồn ào vốn có của bạn rồi đấy nhé!
Nguồn: News.zing.vn