Hội thả diều được tổ chức vào tháng 5 hàng năm trên thành phố biển phía nam Tokyo. Có hàng nghìn, hàng vạn khách yêu thích diều từ khắp nơi trên đất nước đổ về đây để chiêm ngưỡng hoặc tham gia cuộc thi.
Nhiều kiểu dáng diều. |
Khi vào cuộc thi, những cánh diều chao liệng rợp trời, trông thật rực rỡ và vui mắt. Người tham gia thi được phép buộc chặt một lưỡi dao cạo râu bén ngọt vào dây diều của mình để có thể cắt đứt dây diều đối phương giành chiến thắng. Cánh diều bị cắt đứt trông như một cánh chim lìa đàn, chao liệng xa bay trong tiếng reo hò vẫy gọi xuýt xoa của mọi người.
Có một truyền thuyết rất rung động lòng người về ngày hội thả diều: Ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau rất thắm thiết. Vì muốn phá hạnh phúc của họ, kẻ xấu đã bắt cô gái đem nhốt vào tận vùng núi sâu. Cô gái kiên trinh ấy đã cắt gấm the thành từng mảnh nhỏ, dùng tơ lụa tết thành đây, và làm thành 99 cánh diều rồi mang thả chúng bay theo gió. Đang ở xa, chàng trai trông thấy cánh diều lập tức lần theo sự chỉ đường ấy cứu được cô gái. Từ đó, cánh diều được lưu hành trên thế gian này.
Hội xem hoa
Yêu thích hoa là một đặc điểm lớn của dân tộc Nhật Bản. Họ cho rằng, sau những công việc bận rộn, đi xem hoa là một thứ hưởng thụ thú vị. Thường thì tháng 3 xem hoa mai, tháng 4 xem hoa anh đào, mùa đông xem hoa cúc…
Hoa anh đào nổi tiếng thế giới bởi hình dáng hoa lệ, sắc cánh rực lửa. Tục xem hoa của Nhật Bản đã có từ lâu, ngay từ thế kỷ thứ 7, Nhật Hoàng đã nhiều năm liền đến thưởng hoa ở Nara. Đến thế kỷ thứ 8, triều Heyan đã quy hoạch một vườn lớn chuyên trồng hoa anh đào. Đầu thế kỷ 9, Nhật hoàng tổ chức đại hội thưởng hoa lần đầu trong lịch sử Nhật Bản.
Tháng 4 là mùa đẹp nhất của Nhật Bản, và các gia đình, họ hàng, bạn bè thường tụ hội ở dưới tán cây. Họ chơi đàn 3 dây, hát ca dao anh đào.
(Theo Phong tục tập quán các nước)
Nguồn: Vnexpress.net