Chào cờ qua màn hình máy tính, hát quốc ca tại nhà… ngày khai trường của những học sinh ở Hà Nội bỗng trở nên đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
NGÀY KHAI GIẢNG ĐẶC BIỆT KHI TRẺ EM KHÔNG ĐẾN TRƯỜNG
Chào cờ qua màn hình máy tính, hát quốc ca tại nhà… ngày khai trường của những học sinh ở Hà Nội bỗng trở nên đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không có khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tổ tiên, để phụng sự đất nước, dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến…”
Cầm trên tay lá thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh) dừng nhịp đọc. Lòng thầy bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả. Lúc này, trước mắt thầy Bình chỉ là khoảng sân yên ắng. Màu áo trắng, khăng quàng đỏ tươi… năm nay vắng bóng, chỉ còn lại cái nắng dịu của mùa thu với cơn gió mơn man thổi và những cành phượng vừa kịp ra nụ cuối.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh. |
Ngày 5/9 thường niên, thầy luôn được ngắm nhìn hàng trăm gương mặt háo hức vui tươi của học trò và các giáo viên cùng chào đón năm học mới. Còn năm nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội vẫn trong thời gian giãn cách xã hội, thầy Bình tới trường một mình để đọc thư. Ngày tựu trường trở nên khác lạ khi toàn bộ học sinh tại Hà Nội đón năm học mới qua máy tính, điện thoại…
Cặp song sinh lớp 1 đón năm học mới tại nhà
– La La, con đang vẽ gì thế?
– Dạ lá cờ, con vẽ trường Marie Curie có cột cờ, có lớp học của em và Đô Đô.
Dừng lại chừng 5 giây để đáp lời mẹ, cô bé 6 tuổi lại cặm cụi vào bức tranh đang vẽ dở. Ngày mai, hai con của chị Hạnh Thủy sẽ chính thức bước vào lớp 1. Niềm háo hức, mong chờ hiện rõ trên nét mặt của cặp song sinh hoặc bằng cả tá câu hỏi chúng đặt ra cho chị Thủy: Con dán nhãn vở trước được không mẹ? Chừng nào con được tới trường? Khai giảng qua máy tính thì con có nhìn thấy các bạn cùng lớp không ạ?…
Trước khai giảng một ngày, bầu không khí gia đình chị Hạnh Thủy náo nhiệt hơn hẳn. Trong khi Đô Đô còn mải hoàn tất ván cờ cá ngựa với bố thì cô La La chạy tới chơi đàn cùng mẹ. Thỉnh thoảng hai đứa trẻ lại rủ nhau học tiếng Anh, ghép hình hoặc thích thú chạy xe quanh nhà.
“Háo hức quá nên dư năng lượng mất rồi. Chạy nhảy nô đùa cả ngày, mặt mũi đứa nào cũng tươi roi rói luôn ấy”, chị Hạnh Thủy cười nói.
Chiều muộn, cô bé La La chợt nhớ ra bộ quần áo đồng phục. Hôm trước nhà trường đã cẩn thận gửi tới từng gia đình đồng phục cho học sinh với lời dặn dò để các em cùng mặc trong lễ khai giảng. La La chạy vào phòng, sung sướng như vừa nghĩ ra điều gì đó:
– Mẹ, mẹ, đi là quần áo đồng phục đi mẹ. Là quần áo để con treo lên mai mặc. Nhanh nào nhanh nào!
Vừa hối mẹ, La La vừa nhảy cẫng lên. Chị Thủy cười rồi đáp ứng ngay yêu cầu của cô con gái bé bỏng. Chỉ mất chừng 10 phút, hai bộ trang phục đã phẳng phiu rồi được mang đi treo ngay ngắn.
21h30, hai “tân học sinh” vẫn chưa nguôi phần háo hức. Vừa nằm trên giường, Đô Đô vẫn liên tục hỏi về ngày mai mấy giờ khai giảng, Đô sẽ chào cờ như nào, rồi tự khoe sẽ hát quốc ca thật to. Chị Thủy xoa lưng cậu con trai bé nhỏ dỗ dành: “Nhưng Đô ơi, muốn ngày mai được tham gia lễ khai giảng thì Đô phải nhắm mắt vào ngủ đi. Đô hỏi mẹ cả ngày nay rồi, bây giờ còn hỏi nữa thì mai con sẽ dậy muộn mất”.
7h, gia đình chị Hạnh Thủy thức giấc. Khác với mọi ngày quen “ngủ nướng”, hôm nay chỉ mới nghe tiếng mẹ gọi, Đô Đô liền bật dậy ngay. Hai chị em tất bật làm vệ sinh cá nhân, chải đầu tóc rồi cùng mẹ chuẩn bị quần áo thật tươm tất. “Ngày đầu tiên Đô Đô và La La được mặc đồng phục”, chị Thủy nhắc lại câu nói tới vài lần trong cảm xúc hân hoan khó tả. Là giáo viên giảng dạy tại trường Marie Curie, chị cũng được chứng kiến những phụ huynh cùng con háo hức trong ngày khai giảng. Ngày 5/9, chị vừa là cô giáo chào đón học sinh, vừa là một người mẹ cùng con dự buổi lễ quan trọng.
Phía ngoài phòng khách, chị Hạnh cùng con gái căng lá cờ tổ quốc lên tường. Trước đó vài hôm, La La vẫn thường thắc mắc: “Mẹ ơi khai giảng ở nhà thì con có được nhìn thấy cờ tổ quốc giống ở sân trường không?”. Vậy là chị Thủy biến mong ước của cô bé thành hiện thực. Lá cờ gia đình chị cất trong ngăn tủ thường dùng cho các dịp lễ Quốc khánh, 30/4… Còn hôm nay là lần đầu dùng cho ngày khai giảng.
8h30, trường Tiểu học Marie Curie bắt đầu buổi phát sóng trực tiếp. Sau khi gửi lời chào tới những học sinh thân yêu, thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng) bắt đầu nghi thức chào cờ trang trọng. La La, Đô Đô cùng mẹ Thủy đứng thành hàng ngay ngắn, đặt tay lên ngực và cùng hát quốc ca:
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang
Trên đường gập ghềnh xa
…
Sau bài hát, thầy hiệu trưởng đánh nhịp trống khai giảng chính thức bắt đầu năm học mới tại trường Tiểu học Marie Curie. Lúc này, niềm vui sướng không thể giấu đi trên gương mặt của hai cô cậu học trò bé nhỏ. Như để khẳng định thêm lần nữa, La La reo lên: “Đô Đô ơi thế là mình vào lớp 1 rồi đấy, vào lớp 1 rồi”.
Lễ chào cờ của hàng triệu học sinh qua màn hình
– Sol ơi, Sony ơi, mau ra vẽ cờ Tổ quốc để mai còn khai giảng nào con.
Tiếng gọi của chị Thủy (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đánh thức hai đứa trẻ vẫn đang say giấc trong buổi chiều cuối cùng của kỳ nghỉ hè đặc biệt. Gần 2 tháng nay, bé Sol (Phạm Vương Bảo Anh – 6 tuổi) và anh trai Sony (Phạm Vương Hiếu Duy – 8 tuổi) chỉ loanh quanh trong nhà nên thông tin hoạt động về lễ khai giảng khiến hai đứa trẻ háo hức, chờ mong.
Để các con được cảm nhận được nhiều hơn không khí vui tươi trong ngày tựu trường online, chị Thủy đã nghĩ ra cách dạy hai con tự làm cờ Tổ quốc, vừa là hoạt động ý nghĩa, vừa giúp gia đình có kỷ niệm vui cho mai sau khi nhớ về giai đoạn đặc biệt này. Tiếng cười nói vui vẻ xóa tan không gian yên tĩnh của chiều hè oi bức. Ông nội lũ trẻ cũng hào hứng tham gia “công xưởng gia công cờ Tổ quốc” khi vót hai cây đũa tre làm thành cán cờ tặng các cháu.
Đối với Sol, năm học 2021 – 2022 là một dấu ấn đặc biệt, khi cô bé rời trường mẫu giáo để lên lớp 1, năm học khởi đầu hành trình đèn sách. Một ngày trọng đại là thế nhưng ngay cả việc mua một lá cờ Tổ quốc cũng trở nên khó khăn vì toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu đã buộc phải đóng cửa nghỉ dịch Covid-19.
Khoảng ban công nhỏ tràn ngập nắng và bóng cây mỗi buổi chiều là góc sinh hoạt ưa thích của ba mẹ con chị Thủy. Tranh thủ những ngày làm việc tại nhà, chị đều dành 1-2 tiếng đồng hồ cùng con làm bài tập, ôn luyện kiến thức hoặc tổ chức vài trò chơi ngoài trời “đổi gió” cho con.
“Mai đã là ngày khai giảng, dù các con chưa được tới trường nhưng mình vẫn cố gắng duy trì thói quen học tập theo khung giờ cố định cho con quen nếp”, chị Thủy nói.
Là người rất cẩn thận và tỉ mỉ trong việc học hành và phát triển của con trẻ, đặc biệt năm nay có con vào lớp 1, chị Thủy cảm thấy hụt hẫng, dịch Covid-19 đã lấy đi của con chị một mùa hè với biết bao hoạt động ngoại khóa bổ ích. “Hơn một tháng giãn cách xã hội, không gian sống ở đô thị khá bức bí, các con chỉ loanh quanh trong nhà với tivi, laptop, máy tính bảng thật sự khiến mình lo lắng. Nhất là khi con vào lớp 1, nhiều môn học cần có sự chỉ tay dạy dỗ của thầy cô giáo, rồi còn những hoạt động thể chất, giao lưu học hỏi giữa các bạn cùng lứa với nhau. Những giá trị này việc học online đều không thể đáp ứng được”.
Sáng sớm ngày 5/9, ngày tựu trường quen thuộc với biết bao thế hệ học sinh Việt Nam năm nay diễn ra rất khác lạ. Sol và Sony dậy sớm hơn hẳn bình thường, hai đứa trẻ chuẩn bị sẵn bộ quần áo đồng phục đã được gấp gọn và để ngay ngắn trên bàn từ tối hôm trước. Nhưng thay vì cùng cha mẹ bước ra khỏi nhà, hoà vào không khí náo nhiệt của đường phố đón gió thu mát mẻ thì ngày khai giảng năm nay, đường đến trường của các em chỉ rút ngắn lại bằng 5 bước chân từ phòng ngủ ra tới phòng khách. Đúng 7h30 sáng, lễ khai giảng của Sol và Sony bắt đầu.
Giống như Sol và Sony, lúc này, tại nhiều nơi khác, hàng triệu học sinh đang theo dõi ngày lễ quan trọng qua màn hình tivi, điện thoại. Dù không đầy đủ cờ hoa, không được gặp thầy cô, bạn bè nhưng tất cả các em đều hiểu đó là việc làm cần thiết.
Nguyễn Phương Linh (lớp 8P4, trường THCS và THPT Marie Curie CS2) dự khai giảng chung qua màn hình tivi. “Tiếng trống trường khiến em rất nhớ bạn bè và thầy cô”, Linh chia sẻ.
Ảnh: Tuấn Trần, Đức Anh. |
Buổi lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội năm nay được tổ chức nghi lễ chính tại tại trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) với số lượng giới hạn chỉ 100 đại biểu, giáo viên, học sinh tham dự và truyền hình trực tiếp trên tivi và radio để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố theo dõi.
Hai em Trần Tuấn Minh (học lớp 9) THCS Khương Mai và Trần Phương Khanh (học lớp 5) nghiêm chỉnh trong bộ đồng phục làm lễ chào cờ tại nhà. Anh Trần Tuấn, phụ huynh chia sẻ: “Các con tôi háo hức từ hôm trước, chuẩn bị sẵn quần áo đồng phục, khăn quàng và dậy sớm để chuẩn bị dự khai giảng và đón chào năm học mới. Cháu học năm cuối cấp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực. Vì vậy tôi và bà xã luôn động viên các con cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần tự lập để cố gắng đạt kết quả tốt nhất trong năm học này.
Em Phạm Ngọc Bảo Khánh (lớp 4) xem Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống tại chính ngôi trường Tiểu học và THCS Trưng Vương của mình. Chị Nguyễn Linh Tâm, phụ huynh chia sẻ: “Đây có lẽ là lễ khai giảng đặc biệt nhất không chỉ của các con mà cả các bậc phụ huynh. Tuy là khai giảng trực tuyến, không được gặp mặt các thầy cô, bạn bè nhưng các con tôi vẫn hào hứng, tự giác chuẩn bị đồng phục, sạc pin máy tính, laptop từ tối hôm trước để sáng nay dự lễ khai giảng sớm. Mặc dù chỉ xem qua tivi, nhưng các con tôi và cả gia đình vẫn cảm nhận được không khí vui tươi, ấm áp.
Ngày tựu trường chỉ có một mình thầy hiệu trưởng
9h ngày 4/9, thầy Nguyễn Quốc Bình có mặt tại trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Hôm nay thầy sẽ tới đọc thư chào mừng năm học mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, để quay lại hình ảnh phát sóng cho học sinh toàn trường vào buổi khai giảng ngày mai.
Trước tình hình dịch Covid-19 Hà Nội, các trường học đóng cửa. Ngày tựu trường chuyển sang hình thức trực tuyến. Hiểu rõ được tình hình, thầy Bình cùng giáo viên nhà trường cũng bắt tay chuẩn bị cho lễ khai giảng đặc biệt này từ nhiều ngày trước.
Sân khấu vẫn được săp xếp đầy đủ dù không rực rỡ cờ hoa như mọi năm. Phía bên phải, thầy Bình nghiêm chỉnh trong bộ đồ giản dị. Ngước lên nhìn khoảng sân trống rồi lại nhìn về phía chiếc máy quay trước mặt, thầy Bình bắt đầu bằng một lời chào: “Các con thân mến! Có lẽ đây sẽ là lần khai giảng đáng nhớ nhất trong cuộc đời của thầy và của chính các con. Tuy ngày gặp mặt chưa tới vì lí do dịch bệnh, nhưng hôm nay qua màn ảnh, mong rằng chúng ta vẫn cùng nhau dự một buổi khai giảng thật ấm áp và tình cảm…”
Đọc thư và phát biểu xong, chưa vội rời đi, thầy Bình cất bước một vòng quanh sân trường rồi lại ghé vào vài lớp học. Từ cuối tháng 4, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các trường học đóng cửa, học sinh nghỉ ở nhà. Hành lang, ghế đá… im lìm từ đó tới nay như vừa trải qua một kỳ nghỉ hè dài lắm.
“Vắng học trò lâu ngày thành ra không quen. Tôi đâm nhớ những khoảnh khắc các em nô đùa với nụ cười trong sáng. Cả những gương mặt bỡ ngỡ, trong ngày đầu tới lớp gặp cô, gặp bạn”, thầy Bình nhìn xa xăm rồi nói.
“Trong tai cô luôn ngân vang lời ca
Nồng ấm nơi đây bao yêu thương
Tình bạn đẹp bên trang sách hồng
Mái trường cho em bao mơ ước
Mai này tung cánh muôn phương
…”
Thầy Bình đọc lại một đoạn trong bài thơ của cô Văn Thùy Dương – Phó hiệu trưởng nhà trường sáng tác để gửi tới các học trò.
“Không chỉ những học trò của trường Lương Thế Vinh, mà với cả học trò trên cả đất nước ta, tôi mong ngày các con sớm được quay lại trường học. Mong ngày sân trường được lấp đầy bởi tiếng cười nói, hân hoan nô đùa. Hãy cùng nhau giữ gìn sức khoẻ cho đến ngày gặp mặt nhé! Chúc mừng năm học mới!”, thầy Bình tràn đầy tự tin.
Nguồn: News.zing.vn