Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng, Mạnh Giàu đón tuổi 25 bên hũ tro cốt của người mẹ vừa qua đời vì Covid-19.
Ngày 7/8 có lẽ là sinh nhật đáng nhớ nhất trong đời của Trần Mạnh Giàu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Anh đón tuổi mới một mình. Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có bánh kem và lời hát chúc mừng. Căn nhà trống trải đến lạnh lẽo.
Buổi chiều, Giàu lặng lẽ chuẩn bị mâm cơm cúng 7 ngày cho mẹ. Bỗng có người ghé nhà. Là cán bộ của phường, họ đến trao hũ tro cốt của mẹ anh – người vừa qua đời vì Covid-19.
Hũ tro cốt nằm gọn trong chiếc hộp giấy, bên trên ghi rõ thông tin cá nhân của người mất. Mắt Giàu nhòe đi, anh ôm chặt chiếc hộp như thể đó là món quà sinh nhật cuối cùng mẹ dành cho anh.
“Mẹ tặng cho tôi cả cuộc đời”, giọng anh nghẹn lại.
“Mẹ ơi, đừng giỡn nữa, tỉnh lại đi mẹ”
“Mẹ đau bao tử quá, con chạy ra tiệm thuốc mua cho mẹ mấy viên thuốc nghen Giàu!”, Giàu còn nhớ như in tiếng mẹ gọi.
Ngày 28/7, mẹ của Giàu – bà H. – được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Suốt 3 ngày liền Giàu gần như thức trắng để trông chừng mẹ. Sáng sớm 1/8, vừa chợp mắt được một lát, anh nghe tiếng mẹ gọi, liền thức dậy đi mua thuốc.
Trước đây, bà H. thường xuyên lên TP.HCM ở cùng con trai, có lúc vài ngày, có khi nửa tháng. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, bà quyết định ở lại chăm sóc cho con. Sống ở thành phố không người thân nương tựa, hai mẹ con luôn hạn chế ra ngoài để giảm rủi ro lây nhiễm.
Theo dõi các thông tin về dịch bệnh trên báo chí, Giàu không nghĩ gia đình anh lại phải trải qua biến cố này. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Hay là đến bệnh viện kiểm tra đi mẹ”, Giàu đề nghị ngay khi trở về từ tiệm thuốc. Người mẹ không đồng ý, bà cho rằng sức khỏe vẫn ổn định, chỉ là căn bệnh tim và bao tử lâu nay vẫn phiền bà như vậy. Sau khi uống thuốc, người phụ nữ đi tắm rồi vào bếp nấu cháo.
Thấy mẹ lục đục trong bếp. Giàu khuyên bà nghỉ ngơi, để việc nấu nướng cho anh lo. “Ừ, vậy con canh chừng nồi cháo giùm mẹ”, nói rồi người phụ nữ đi về phía nhà vệ sinh.
Hơn 10 phút trôi qua, không thấy mẹ trở ra, Giàu cũng không nghe tiếng động gì bên trong nhà vệ sinh. Dự cảm điều chẳng lành, anh bước đến mở cửa thì thấy bà đã ngất xỉu từ lâu.
Vội vàng đỡ mẹ dậy, Giàu gọi cấp cứu, chạy sang nhà hàng xóm nhờ sự hỗ trợ. Không khí khẩn trương bao trùm lấy căn chung cư cũ. Mọi người tìm cách liên lạc với y tế địa phương, người nỗ lực gọi xe cấp cứu.
“Mẹ ơi, đừng giỡn nữa, tỉnh lại đi mẹ”, người con trai dần mất bình tĩnh trong lúc chiếc xe cấp cứu lao nhanh về phía Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (quận Bình Thạnh).
“Tim của bệnh nhân đã ngừng đập trên đường đưa đi cấp cứu”, vị bác sĩ buồn bã cho biết. Xét nghiệm PCR người mẹ cho kết quả dương tính với nCoV. Thi thể bà H. được giữ lại để hỏa thiêu theo quy định.
“Các bác sĩ nói với tôi rằng có khả năng biến thể Delta đã tấn công quá nhanh, khiến mẹ tôi nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong”, Giàu chia sẻ.
Mọi thứ xảy ra đột ngột, Giàu không dám tin vào những gì nghe thấy. Giây phút đó, anh quỵ xuống, chết lặng.
“Có ai mừng với mình nữa đâu”
Giàu âm tính với nCoV. Tuy nhiên, căn chung cư nơi anh sống bị phong tỏa nhằm phục vụ công tác phòng dịch. Trở về từ bệnh viện, Giàu tự cách ly tại nhà. Trước đây, khi xem các thông tin về dịch bệnh trên phương tiện đại chúng, Giàu chưa từng nghĩ một ngày nào đó gia đình anh phải đối diện với biến cố này.
Là con một trong gia đình, Giàu được cha mẹ yêu thương hết mực. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Giàu được bố mẹ khuyến khích học lên thạc sĩ.
“Tốt nghiệp xong tôi muốn đi làm để có tiền chăm lo cho gia đình. Nhưng mẹ động viên tiếp tục việc học. Dù không thích lắm, nhưng thương mẹ, tôi cũng chấp thuận”, Giàu nói. Để không lãng phí thời gian anh đăng ký học song song ngành thiết kế đồ họa tại trường Đại học FPT.
Vài ngày trước khi mẹ qua đời, Giàu đã hoàn thành chương trình tại Đại học FPT. Anh dự định khi nào bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ sẽ báo cho mẹ mừng. “Nhưng giờ chẳng còn quan trọng nữa. Căn nhà vắng trước vắng sau, có ai mừng với mình nữa đâu”, người con trai ngậm ngùi nói.
Khoảng cách thế hệ khiến mẹ con không ít lần lớn tiếng. Mẹ vừa lo lắng, vừa bảo bọc nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc. Nhiều lần bị mẹ rầy la, anh giận dỗi chỉ muốn sống một mình.
Giờ đây, nhìn không gian bốn bề tĩnh lặng, Giàu ước mọi chuyện chỉ là một cơn ác mộng. Tỉnh lại vẫn thấy mẹ cạnh bên.
Chiều ngày 7/8, một tuần sau khi biến cố xảy ra, chính quyền địa phương đã trao lại tro cốt của bà H. cho gia đình. Người con trai đón mẹ trở về vào đúng ngày sinh nhật tuổi 25. Nhưng lần trở về này, Giàu chỉ còn thấy mẹ trong chiếc hộp đựng tro cốt.
Giàu cho biết gia đình dự tính sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ đưa tro cốt của mẹ về quê hương ở Cái Bè (Tiền Giang). “Chỉ mong không còn gia đình nào phải nếm trải sự mất mát này nữa”.
Tro cốt của những người không may mất vì Covid-19 được Bộ Tư lệnh TP.HCM tập hợp tại Nhà tang lễ Thành phố. Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện tiếp nhận và đưa trực tiếp đến người nhà. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhiều ngày nay TP.HCM mưa liên miên. Những trận mưa đưa con người ta về với kỷ niệm. Giàu kể, có lần anh gọi điện thoại về nói nhớ mẹ, câu nói bâng quơ thôi, vậy mà vài tiếng sau mẹ thu xếp công việc, đón xe khách từ Cái Bè lên thành phố thăm con.
“Hôm nay tôi nói nhớ mẹ, nhưng mẹ đã không hồi âm”, Giàu nhìn ra hiên, trời vẫn mưa rả rích.
Lúc ta quay về, mẹ đã đi xa
Mẹ về hư không, mẹ về mây trắng
Ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng
Muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?
(Vẫn còn có mẹ – Lê Minh Quốc)
Nguồn: News.zing.vn