Một số chuyên gia truyền thông nhận định xin lỗi là điều tất yếu khi nghệ sĩ làm sai, nhưng quan trọng là sự chân thành và cách họ hành xử sau mỗi ồn ào.
“Noo gửi lời xin lỗi chân thành đến khán giả và những người yêu thương mình”, đó là chia sẻ của Noo Phước Thịnh sau một ngày gây tranh cãi vì dòng trạng thái có ngôn từ được cho là liên quan đến tình dục. Nam ca sĩ thừa nhận bản thân đã sai khi dùng ngôn ngữ nhạy cảm và coi đây là bài học.
Đã có thời điểm, im lặng chờ sóng gió qua đi là cách số đông nghệ sĩ chọn lựa khi đối mặt thị phi. Thay vì lên tiếng giải thích rõ ràng với công chúng, họ chọn cách ở ẩn, sau đó xuất hiện vào một ngày “sóng yên biển lặng”.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh chia sẻ với Zing rằng việc im lặng trước ồn ào cá nhân không phải tiền lệ tốt. Nghệ sĩ cần có ý thức trách nhiệm và lời xin lỗi kịp thời chính là một trong những cách giải quyết khủng hoảng.
Nghệ sĩ Việt đang hình thành văn hóa xin lỗi
Không lâu trước Noo Phước Thịnh, Jack lên tiếng xin lỗi về ồn ào liên quan đến Thiên An và những cô gái tự nhận là người yêu cũ của nam ca sĩ. Lời xin lỗi của Jack được chuyên gia truyền thông Alex Lương nhận định là kịp thời để ngăn chặn làn sóng tẩy chay ngày càng quyết liệt.
Công chúng chưa hoàn toàn chấp nhận lời giải thích của giọng ca Sóng gió bởi vụ việc khá nghiêm trọng nhưng ít nhất phần nào giải tỏa những bức xúc khi họ theo dõi vụ việc.
Noo Phước Thịnh và Jack phản hồi khi vướng tranh cãi. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, Phương Mỹ Chi gửi lời xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm làm trắng da thiếu sự kiểm chứng kỹ lưỡng về nguồn gốc. Quyền Linh xin lỗi việc quảng cáo sai công dụng một loại thực phẩm chức năng. Hoài Linh xin lỗi khi chậm trễ trong việc giải ngân tiền từ thiện.
Diệu Nhi công khai nhận sai trên trang cá nhân vì quảng cáo thực phẩm giảm cân kém chất lượng và hứa cẩn thận để không mắc tranh cãi. Nam Thư, Hồng Vân, Hoa hậu Mai Phương Thúy… có cách làm tương tự khi mắc sai sót.
Hồng Quang nói với Zing, lời chia sẻ, xin lỗi là một phần rất quan trọng trong việc giải quyết ồn ào. “Nhiều nghệ sĩ Việt Nam có tranh cãi, họ im lặng và không sao cả. Nhưng rõ ràng khi có mạng xã hội, bức xúc của một bộ phận khán giả với những sự việc ồn ào không mất đi. Họ ghi nhớ và dần chuyển biến thành lượng anti hoạt động thường xuyên. Vì vậy theo tôi, khi có tranh cãi, tùy vào thời điểm hợp lý, nghệ sĩ nên tìm cách giải tỏa cho các đối tượng công chúng đang theo dõi họ. Đó là cách duy trì sự quan tâm chuyên nghiệp và văn minh ở hiện tại”.
Chuyên gia truyền thông phân tích nghệ sĩ với sự kết nối của mạng xã hội có nhiều cách để lan tỏa thương hiệu, đồng nghĩa họ có nhiều cách kiếm tiền.
Kiếm được nhiều tiền thì bản thân họ cũng cần mở rộng tư duy, học hỏi, có ý thức trách nhiệm hơn. Nếu thấy bản thân không đủ khả năng để nhận thức những vấn đề về quảng cáo, thương mại như vậy, họ cần có ê-kíp quản lý, người tư vấn.
Anh nhấn mạnh xin lỗi là cần thiết, nhưng làm đúng để không phải xin lỗi vẫn tốt hơn.
Huỳnh Lê Khánh – giám đốc điều hành tập đoàn Golden Communication Group – nói thêm với Zing, nghệ sĩ hiện giờ có nhiều ràng buộc về hợp đồng quảng cáo. Do đó, việc giải thích, xin lỗi là cần thiết không chỉ với người hâm mộ mà cả nhãn hàng.
Anh nhận định: “Một thực tế đã chứng minh, sau khi chỉ trích nghệ sĩ, người dùng tẩy chay nhãn hàng nếu thấy họ tiếp tục cộng tác với ca sĩ, diễn viên có những biểu hiện suy đồi về đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống mà được số đông tin, chọn và bảo vệ. Số đông đó sẽ có những áp lực để ‘truy cùng đuổi tận’ nếu nghệ sĩ không làm an lòng họ”.
Phương Mỹ Chi rút kinh nghiệm sau vụ việc quảng cáo sản phẩm làm trắng da. Ảnh: Phương Lâm. |
Nhưng xin lỗi thôi đã đủ?
Có thể thấy nghệ sĩ Việt đang dần thay đổi, lên tiếng kịp thời thay vì “im lặng là vàng” như trước. Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng không phải cứ xin lỗi là xong. Điều quan trọng là thái độ, hành động của mỗi nghệ sĩ sau lời xin lỗi đó. Thậm chí, nhiều bình luận có nội dung cần có các quy định và hình phạt rõ ràng.
“Người làm văn hóa nghệ thuật, điều kiện tiên quyết là phải có văn hóa”, một khán giả nhấn mạnh.
Huỳnh Anh là một trong những nghệ sĩ vướng nhiều tai tiếng, từ việc đi muộn bị Việt Hương phê bình hay không đến quay hình khiến cả đoàn phim phải thay đổi lịch trình. Lần nào anh cũng xin lỗi nhưng ít lâu sau, công chúng lại thấy nam diễn viên vướng tranh cãi.
Ngày 8/9, Huỳnh Anh có lời bình luận được cho là không văn minh với bạn gái cũ. Khi bị công chúng chỉ trích, nam diễn viên viết trên trang cá nhân: “Tuy nói câu đó trong lúc vô tư không nghĩ gì nhưng không nên. Tôi chẳng có ý xấu như các bạn nghĩ đâu, xin lỗi nhé”.
Lời xin lỗi trong tình huống trên của Huỳnh Anh khiến khán giả càng thêm tức giận. Họ cho rằng nó thiếu sự chân thành mà chỉ miễn cưỡng để giải quyết vụ việc.
Trao đổi với Zing, Hồng Quang Minh chia sẻ nếu làm sai tất nhiên phải xin lỗi. Nhưng các đối tượng công chúng nghe lời xin lỗi đó cần thấy hai điều, đầu tiên là sự chân thành và đường hướng giải quyết cái sai đó.
“Tất nhiên, không phải cứ sai xong xin lỗi. Nếu sai nhiều quá, sai có hệ thống trong những việc có tính chất tương tự nhau thì người đó chưa thấy được cái sai và lời xin lỗi họ nói ra trước đó chưa chân thành”, anh nói.
Nhà báo Hồng Quang Minh cũng trích dẫn văn hóa giải trí Hàn Quốc làm ví dụ. Theo anh, khi nghệ sĩ nước này xuất hiện cùng những thông tin gây chú ý, công ty chủ quản lập tức có động thái. Anh nhấn mạnh lời xin lỗi không hoàn toàn chấm dứt tranh cãi, quan trọng là lối hành xử nghệ sĩ sau những ồn ào đó.
“Nếu chưa trả lời hoặc đưa ra thông cáo chính thức, họ sẽ nói đang tìm hiểu và sớm có kết luận. Áp lực của công chúng rất lớn và phần nào nó chính đáng. Việt Nam trước giờ chưa có văn hóa tẩy chay mạnh mẽ, khán giả tương đối hiền và dễ tha thứ. Chính vì vậy nhiều nghệ sĩ có scandal vẫn chọn cách im lặng. Một số người xin lỗi nhưng chưa chân thành. Tuy nhiên, hiện giờ khán giả Việt rất tinh ý khi quan sát xem nghệ sĩ xin lỗi có chân thành chưa và hành động sau lời xin lỗi đó là gì”.
Huỳnh Anh liên tục vướng ồn ào. Ảnh: Bá Ngọc. |
Nghệ sĩ quốc tế luôn phản ứng kịp thời khi vướng tin đồn
Nhà báo nhận định các nghệ sĩ và công ty giải trí Hàn Quốc luôn có phản hồi kịp thời với ồn ào. Họ thể hiện sự chuyên nghiệp, tôn trọng công chúng bằng cách đưa ra lời giải thích rõ ràng ngay lập tức. Thậm chí, chỉ việc bất ngờ bị tung tin hẹn hò giữa thời điểm Red Velvet đang quảng bá bài hát mới, Joy cũng viết tâm thư xin lỗi với lý do ảnh hưởng đến hoạt động của nhóm.
Với những scandal có tính chất nghiêm trọng hơn, nghệ sĩ Hàn Quốc thậm chí phải từ bỏ sự nghiệp và tuyên bố giải nghệ.
Gần đây, Soojin thông báo rời nhóm (G)I-DLE vì vướng các cáo buộc bắt nạt bạn học, mặc trang phục không phù hợp, hút thuốc trong quá khứ. Na Eun (April) bị cắt đứt các hợp đồng quảng cáo và loại khỏi dàn diễn viên Taxi Driver vì ồn ào bắt nạt thành viên cùng nhóm.
Khi bị báo chí Hàn Quốc đưa tin vi phạm quy định giãn cách vì cùng 3 người bạn tụ tập ở cơ sở giải trí người lớn, thậm chí có hành động cản trở người thi hành công vụ, Yunho (thành viên nhóm TVXQ) tạm dừng hoạt động, rút khỏi các chương trình anh tham gia. Gần đây, khi cảnh sát tuyên Yunho vô tội, nam ca sĩ tiếp tục xin lỗi vì khiến người hâm mộ lo lắng.
Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ.
Bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ trong bài phỏng vấn với Zing, nghệ sĩ phải là tấm gương tốt.
“Đôi khi, họ nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Phát ngôn, ứng xử trên mạng xã hội thế nào là nên, thế nào không nên, dường như họ chưa nắm rõ. Theo tôi, bộ quy tắc sắp được ban hành tới đây không chỉ tốt đối với giới nghệ sĩ, mà còn tốt cho xã hội nói chung. Hình ảnh nghệ sĩ trong sáng, chuẩn mực sẽ góp phần định hướng đạo đức cho chính người hâm mộ của nghệ sĩ ấy”, ông nói.
Theo The Korea Herald, hành xử văn minh, truyền tải thông điệp tích cực trong nghệ thuật lẫn trên mạng xã hội chính là một trong những bí quyết đưa BTS lên vị trí ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc. Thậm chí, họ nổi tiếng trên quốc tế và từng phát biểu tại phiên họp lần thứ 73 của Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại Mỹ.
“Bằng cách giao tiếp một cách tích cực, BTS đã trở thành chủ đề bàn tán. Điều này thu hút sự quan tâm của không chỉ những người trước đây chưa biết đến nhóm mà từ các phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ BTS là ví dụ điển hình về việc mạng xã hội thay đổi xu hướng truyền thông”, nhà sản xuất của BTS – Bang Shi Hyuk nói với The Korea Herald.
Nguồn: News.zing.vn