Đánh bắt tôm trên lưng ngựa là nghề từng rất phổ biến ở Bỉ. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng ngư dân còn theo nghề này đang ngày một ít đi.
Oostduinkerke (Bỉ) nằm ở rìa phía nam của biển Bắc lạnh giá. Bãi biển vắng lặng của Oostduinkerke là nơi mưu sinh của những ngư dân cưỡi ngựa đặc biệt. Họ mặc chiếc áo vàng đặc trưng, cưỡi trên lưng ngựa Brabant mạnh mẽ để bắt những con tôm ẩn dưới làn nước biển. Ảnh: BBC. |
Trong quá khứ, nghề bắt tôm trên lưng ngựa khá phổ biến với những gia đình ngư dân sống ở khu vực biển Bắc từ Pháp đến Đức và miền Nam nước Anh. Ngày nay, chỉ còn khoảng 17 người tiếp tục theo nghề này. Họ sống ở Oostduinkerke. Theo phong tục xưa, đây là nghề cha truyền con nối và chỉ dành cho nam giới. Ảnh: BBC. |
Những ngư dân này mặc bộ đồ màu vàng truyền thống có khả năng chống thấm. Họ buộc 2 chiếc giỏ đan ở 2 bên hông ngựa. Phía sau con ngựa kéo một tấm lưới hình phễu dài khoảng 9 m. Ngư dân xuống biển khi thủy triều xuống. Tới điểm nước ngang ngực ngựa, họ sẽ điều khiển những con ngựa để kéo lưới. Cuối ngày, những người này gỡ lưới và chất tôm vào 2 giỏ đeo bên hông ngựa. Ảnh: BBC. |
Thông thường, mỗi lần đánh bắt kiểu này, ngư dân sẽ kiếm được khoảng 10-13 kg tôm. Những sinh vật khác như sứa, cá nhỏ mắc vào lưới sẽ được đem thả lại biển. Việc đánh bắt thường được thực hiện khoảng 2 lần/tuần, trừ những tháng mùa đông. Ảnh: Pinterest. |
Ngựa Brabant với thân hình to lớn cùng sức mạnh là yếu tố quan trọng giúp ngư dân di chuyển dưới biển. Theo Atlas Obsucra, người dân ở đây thường nói đùa: “Muốn đánh bắt trên lưng ngựa, trước tiên, bạn phải yêu con ngựa của mình. Một số người ở đây còn nói họ dường như yêu ngựa hơn cả vợ mình. Giữa cả hai cần tạo dựng được niềm tin. Lần đầu tiên thấy sóng biển, con ngựa chắc chắn không thích thú gì”, tờ này viết. Ảnh: Equinenow. |
Những con tôm được chế biến theo công thức riêng hoặc đem bán. Đây là nguyên liệu quan trọng cho những món hải sản địa phương. Ảnh: BBC. |
Nghề đánh bắt tôm trên lưng ngựa đang ngày càng mai một khi xã hội phát triển. Những chiếc thuyền đánh cá hiện đại có thể giúp ngư dân kiếm được nhiều hơn. Từ đó, những người mặn mà với nghề này cũng ít dần đi. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, vào năm 2013, phương pháp đánh bắt kỳ lạ này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Điều này khiến những ngư dân có thêm động lực bảo tồn nét đẹp văn hóa này. Tới năm 2016, phụ nữ cũng được phép tham gia vào việc đánh bắt tôm trên lưng ngựa. Nele Bekaert, bà mẹ ba con 37 tuổi là phụ nữ đánh bắt tôm đầu tiên được công nhận. Trước đó, bà cũng phải trải qua khóa huấn luyện 2 năm và một số bài kiểm tra để có thể chính thức làm việc. Ảnh: BBC. |
Nguồn: News.zing.vn