Nghệ sĩ bị tẩy chay vì bắt chước người gốc Phi

0
48

Theo các chuyên gia, việc sao chép phong cách người gốc Phi của những nghệ sĩ da trắng làm cộng đồng da màu tổn thương.

“Ngày xưa, người da màu tổn thương với làn sóng ‘blackface’ – thuật ngữ chỉ người da trắng tô đen mặt để biểu diễn vai phản diện về người da đen. Ngày nay, cộng đồng người gốc Phi thấy phẫn nộ trước làn sóng blackfishing”, CNN mở đầu bài viết về vấn nạn bắt chước người da màu của các ngôi sao Hollywood.

Thuật ngữ blackfishing xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Tất nhiên, đó không phải là lời khen. Lịch sử đau khổ của cộng đồng da màu không cho phép người da trắng cố tình hóa thân thành họ.

Phong trào “tẩy chay blackfishing” gần đây nổ ra mạnh mẽ sau khi Iggy Azalea – ngôi sao nhạc pop người Australia – cố tình nhuộm đen da, hóa thân thành phụ nữ da màu trong MV I Am The Strip Club.

ngoi sao bi chi trich lam dung van hoa anh 1

Iggy Azalea đối mặt nhiều chỉ trích vì chọn phong cách người gốc Phi.

Azalea và những ngôi sao bị chỉ trích

Trong MV I Am The Strip Club, ngôi sao người Australia – người vốn đặc trưng với mái tóc vàng – chọn đội tóc giả màu đen, diện phong cách bó sát, tôn thân hình đẫy đà vốn đặc trưng của người gốc Phi.

Theo CNN, nhiều nhà phê bình khẳng định cô đang cố tình sao chép văn hóa người da màu. Không chỉ phong cách, kiểu tóc, làn da của nữ ca sĩ đã “sẫm” hơn rất nhiều so với thời mới ra mắt năm 2011.

Nói về vấn đề blackfishing, gia đình Kardashian là những thành viên thường trực của “hội những người bị tẩy chay” vì sao chép văn hóa người da màu.

Năm 2017, trước khi thuật ngữ blackfishing ra đời, Kim Kardashian hóa thân thành cựu đệ nhất phu nhân Mỹ trong một bộ ảnh. Tuy nhiên, việc thể hiện hình ảnh bà Jacqueline Kennedy Onassis với làn da tối màu một cách không cần thiết khiến Kim bị chỉ trích nặng nề.

“Tôi không bao giờ xúc phạm bất cứ ai. Làn da của tôi bị sậm màu chỉ vì độ tương phản của ảnh”, Kardashian, người da trắng gốc Armenia, nói về buổi chụp ảnh.

Tuy nhiên, lời giải thích của Kardashian khó được chấp nhận, vì đây không phải lần đầu tiên gia đình ngôi sao truyền hình thực tế vướng cáo buộc.

Trong bộ ảnh quảng bá sản phẩm trang điểm khác, ngôi sao truyền hình thực tế cũng bị chỉ trích vì photoshop cho làn da thật tối màu, giống với người gốc Phi nhất có thể.

Theo Ebony, trang bìa tạp chí Vogue số tháng 11/2018 gây nhiều tổn thương cho người mẫu da màu. Kendall Jenner để kiểu tóc xù, đặc trưng cộng đồng người da đen những năm 1960. Khán giả cho rằng em gái Kim và tạp chí Mỹ chiếm dụng văn hóa da đen, phân biệt chủng tộc.

“Tại sao không mời người da đen để đại diện cho văn hóa họ? Người mẫu da màu vốn chịu nhiều bất công, điều này tiếp tục tô đậm sự kỳ thị”, Insider bình luận.

Các chị em khác nhà Kim như Khloe, Kourtney Kardashian, Kylie Jenner cũng liên tục đối mặt với việc cố tình bắt chước người da màu.

Ca sĩ Ariana Grande, ngôi sao người Italy cũng vướng cáo buộc tương tự. Trong trang bìa tạp chí Vogue, làn da của nữ ca sĩ sẫm màu hơn thực tế. Theo Insider, giọng ca Side to Side “cổ xúy sự mơ hồ về chủng tộc”, thường xuyên nói đùa về màu da của mình.

Bruno Mars – ca sĩ có mẹ là người Philippines, cha là người Puerto Rico gốc Do Thái – từng bị nhà hoạt động nhân quyền Seren Sensei chỉ trích “cố tình làm mơ hồ chủng tộc để thực hiện mục đích riêng”.

Vì sao nhiều nghệ sĩ tham gia blackfishing?

Thuật ngữ Blackfishing bắt nguồn từ năm 2019, sau khi nhà báo Wanna Thompson cho rằng cô nhận thấy những ngôi sao da trắng ở Hollywood cố tình hóa trang, bắt chước phụ nữ da màu.

“Blackfishing là thuật ngữ chỉ các nhân vật của công chúng, làm mọi cách để người khác hiểu lầm họ là người da màu. Họ làm rám nắng làn da, diện tóc bện dây thừng, diện phong cách tiên phong của phụ nữ da đen”, Wanna Thompson giải thích.

Các nhà phê bình văn hóa cho rằng họ không chỉ trích một người hâm mộ nền văn hóa nào đó. Song, điều nguy hiểm là những người da đen có lịch sự đấu tranh đen tối, vốn chưa giành được nhiều tiếng nói, giờ đây văn hóa của họ tiếp tục bị chiếm đoạt bởi người da trắng.

“Nghịch lý là văn hóa người da màu bị chiếm đoạt bởi người da trắng. Tại sao vẻ đẹp và thẩm mỹ dựa trên quy chuẩn người gốc Phi chỉ được tôn trọng khi được thực hiện, mô tả bởi người da trắng”, Wanna Thompson nói với CNN.

Các chuyên gia cho biết việc nhiều ngôi sao học hỏi, sao chép nền văn hóa của người da màu, tự tạo cho bản thân vỏ bọc mơ hồ về chủng tộc khiến họ được chú ý hơn.

“Một số người tham gia blackfishing chỉ vì họ nghĩ đó là sành điệu, lạ. Họ đâu biết người gốc Phi phải đấu tranh như thế nào để có được ngày hôm nay”, Thompson nói.

Leslie Bow, giáo sư nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Wisconsin, mô tả blackfishing là lễ hội hóa trang, phô trương về chủng tộc và hoạt động dựa trên cơ chế bắt chước càng nhiều càng tốt.

Thompson nói rằng blackfishing về cơ bản giống với chiếm đoạt văn hóa. Theo từ điển Cambridge, chiếm đoạt văn hóa là hành động lấy hoặc cố tình sao chép văn hóa của người khác nhưng lại không tôn trọng văn hóa của họ.

Nhiều ngôi sao da trắng ở Hollywood đã bị chỉ trích vì để tóc bện dây thừng truyền thống của người da đen, sau đó xem đây là kiểu tóc nóng bỏng. Trong khi đây là kiểu tóc truyền thống gắn với những người da đen bị bắt nạt, áp bức nặng nề trong quá khứ.

“Nhiều người không thực sự tôn trọng văn hóa người da đen, chỉ đơn giản thấy đó là thứ dễ bắt chước, khai thác điều đó nhằm mục đích thương mại. Chúng tôi thấy điều đó phổ biến trên mạng xã hội, đặt biệt là TikTok”, giáo sư khẳng định.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn