Nghi vấn về người tự nhận chinh phục đỉnh núi ở Nepal

0
62

H.Q (25 tuổi) cho biết mình đã chinh phục thành công Ama Dablam, đỉnh núi đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Điều này khiến cộng đồng leo núi đặt nhiều nghi vấn.

noi doi leo nui anh 1

H.Q nói mình chinh phục Ama Dablam (6.812 m) cùng 4 người bạn đồng hành trong thời gian mắc kẹt ở Nepal năm 2020. Thời gian chinh phục khoảng từ tháng 6 trở đi. Thành viên trong đoàn không phải dân chuyên. Người có kinh nghiệm nhất là H.Q – chỉ mới chinh phục thành công Tharpu Chuli hồi tháng 3/2020 (tức khoảng 3 đến 4 tháng trước khi chinh phục Ama Dablam như lời kể).

Dù vậy, thông tin này gặp phải nhiều chỉ trích từ dân leo núi. Nhiều người đưa ra thông tin chứng minh việc H.Q không chinh phục được Ama Dablam như anh này nói.

Dưới đây là một số nghi vấn phóng viên đặt ra và nhận được sự giải đáp từ các chuyên gia, người có kinh nghiệm leo những đỉnh núi khó.

Làm sao để chứng minh đã chinh phục đỉnh núi?

H.Q nói: Đã chinh phục thành công đỉnh Mera (6.476 m) và Ama Dablam cùng 4 thành viên không chuyên.

Nghi vấn: H.Q không thể chinh phục cả 2 đỉnh núi này.

Thực tế là: H.Q nói mình leo chui nên không có giấy phép leo núi cũng như giấy xác nhận đã chinh phục đỉnh. Đây là 2 loại giấy tờ bắt buộc phải có khi chinh phục đỉnh núi ở Nepal.

Đánh giá: Thiếu cơ sở

noi doi leo nui anh 2

Chứng nhận chinh phục đỉnh núi là bằng chứng dễ dàng nhất có thể đưa ra. Ảnh: Monterosa.

Có thể leo núi chui không?

H.Q nói: “Tôi leo núi chui. Thời điểm tôi leo núi, Nepal đang chịu ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh. Do đó, thủ tục leo cũng khác”.

Nghi vấn: Không có chuyện leo núi chui.

Thực tế là: Phan Thanh Nhiên, người Việt Nam trẻ nhất chinh phục thành công đỉnh Everest, xác nhận không có chuyện chuyện các sherpa ở Nepal chấp nhận leo núi chui.

Ngoài ra, sherpa Serap, người đã đồng hành cùng đoàn Việt Nam chinh phục Everest, cũng xác nhận không thể nào leo đỉnh Mera hay Ama Dablam mà không có giấy phép.

noi doi leo nui anh 3

Leo núi chui là việc gần như không thể ở Nepal. Ảnh: Summit Post.

Trả lời phóng viên, L.P.A, người đã chinh phục đỉnh Mera thành công vào tháng 5/2019, cũng đồng quan điểm không thể đi chui.

“Chúng tôi leo phải có giấy thông hành. Khi đi qua một số chốt, người ta yêu cầu đóng dấu mới cho đi tiếp. Khi lên độ cao 4.900 m, cũng có người quản lý số lượng thành viên leo.

Tôi chưa leo Ama Dablam nhưng có đến base camp ở đây chơi khi đang lên Everest base camp. Tại base camp của Ama Dablam, họ cũng phân chia lều của từng nhóm quốc gia như Everest base camp. Họ ăn ở đó cả tháng, ai leo chui được?”, cô nhận xét.

Đánh giá: Sai

H.Q lấy tiền đâu để đi?

H.Q nói: Sau khi chinh phục Tharpu Chuli, anh xuống núi và biết Nepal đã đóng biên, các hoạt động du lịch bị đình trệ. H.Q phải xin ăn ở các nhà hàng phát đồ miễn phí. Anh ăn không hợp đồ ăn nên bị sụt tới 4 kg. Nơi ở của H.Q cũng chỉ là phòng dorm 6 người giá rẻ.

noi doi leo nui anh 4

H.Q (phải) phải đi xin ăn nhưng có tiền thuê sherpa để chinh phục Ama Dablam? Ảnh: H.Q.

Nghi vấn: Thiếu chi phí, làm sao thuê sherpa leo Ama Dablam?

Thực tế là: Theo sherpa tên Serap, chi phí thuê khoảng 2.500 USD/sherpa để leo Ama Dablam. Đây là đỉnh núi đòi hỏi kỹ thuật còn cao hơn leo Everest. Do đó, các sherpa sẽ kèm 1:1 với khách hàng. Rất hiếm trường hợp 1 sherpa 2 khách hàng để giảm thiểu chi phí.

Đánh giá: Thiếu cơ sở

H.Q có đủ sức chinh phục Ama Dablam?

H.Q nói: Tôi leo thành công đỉnh Ama Dablam lẫn Mera. Tôi là trưởng đoàn, hỗ trợ và hướng dẫn 4 thành viên không chuyên trong 2 hành trình này. Những người đi cùng đều không phải dân leo núi. Người chuyên đi xe đạp, người chỉ chuyên trekking.

Nghi vấn: H.Q không đủ sức leo Ama Dablam.

Thực tế là: Phan Thanh Nhiên khẳng định dân không chuyên không thể leo được Ama Dablam.

“Người không có kinh nghiệm leo đỉnh 6.000 m đổ lên rất khó để chinh phục Ama Dablam. Đây là nguyên tắc xưa giờ trong giới leo núi.

Bản thân Nhiên là người từng chinh phục Everest. Sắp tới, Nhiên dự định leo Everest không cần oxy. Dù vậy, tôi cũng không chắc có thể chinh phục được Ama Dablam, địa hình ở đây rất khó”, anh Nhiên nhấn mạnh.

noi doi leo nui anh 5

Phan Thanh Nhiên thừa nhận đến mình cũng không tự tin leo Ama Dablam. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, nhiều dân leo núi chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng khẳng định thể hình của H.Q quá khó để leo Ama Dablam (H.Q chỉ cao 1,7 m và nặng khoảng 55 kg đổ lại). Trong khi đó, những người cỡ 1,8 m, nặng 70 kg và từng leo nhiều đỉnh núi cao trên 6.000 m cũng thừa nhận gặp khó để chinh phục Ama Dablam.

Mặt khác, H.Q nói mình đi cùng một nhóm dân không chuyên leo núi. Người kinh nghiệm nhất là H.Q (chỉ mới chinh phục được Tharpu Chuli cách đó 3 tháng). Với dân leo núi chuyên nghiệp, họ xem Tharpu Chuli chỉ như một quả đồi với độ khó không cao.

Do đó, khi xét đến yếu tố trình độ và thể chất, H.Q rất khó có thể chinh phục Ama Dablam.

Đánh giá: Rất thiếu cơ sở

H.Q có leo thành công đỉnh Mera không?

H.Q nói: Đã leo thành công đỉnh Mera nhưng từ chối cung cấp thêm hình ảnh trên đỉnh. Tuy nhiên, anh từng xác nhận 2 tấm ảnh được chụp trên đỉnh.

Nghi vấn: Hình ảnh không phải chụp trên đỉnh Mera.

noi doi leo nui anh 6

Bức ảnh đầu tiên. Ảnh: H.Q.

noi doi leo nui anh 7

Bức ảnh thứ hai. Ảnh: H.Q.

Thực tế là: Sau khi xem 2 bức ảnh này, sherpa Serap nói anh không tin H.Q đã leo thành công đỉnh Mera.

Về bức ảnh đầu tiên, Serap khẳng định đây không phải đỉnh Mera mà là Kala Patthar – điểm cuối trong hành trình trekking Everest base camp (độ cao khoảng hơn 5.500 m).

Về bức ảnh thứ hai, Serap nói đây chính xác được chụp trên đường chinh phục đỉnh Mera. Tuy nhiên, H.Q chỉ mới dừng ở Mera la với độ cao 5.700 m. Mera peak hay đỉnh Mera còn cách đó khá xa.

Độ xác thực: Sai.

H.Q có leo Ama Dablam không?

H.Q nói: Đã chinh phục Ama Dablam nhưng không có ảnh. H.Q từng đăng tải clip với chú thích “View từ camp 1 – 5.900 m” trên đường lên đỉnh Ama Dablam.

noi doi leo nui anh 8

Video H.Q chia sẻ không nằm trên cung đường chinh phục đỉnh Ama Dablam. Ảnh chụp màn hình.

Nghi vấn: Đây không phải đường lên đỉnh Ama Dablam.

Thực tế là: Sherpa Serap xác nhận đây không phải cung đường lên đỉnh Ama Dablam.

Người này thường xuyên tổ chức các tour lên đỉnh Ama Dablam cũng như các tour trekking nhẹ nhàng ở độ cao an toàn. Serap cho biết vị trí chụp này nằm trên cung trekking nhẹ nhàng và người lên đỉnh Ama Dablam sẽ không đi đường đó. Họ sẽ đi theo những đường khác và có điểm khác để chụp ảnh.

Điều này cũng giống trường hợp của Kala Patthar và Everest. Người leo đỉnh Everest sẽ không đi qua Kala Patthar bởi Kala Patthar chỉ là điểm cuối trong hành trình trekking Everest base camp.

Đánh giá: Sai.

Những dấu hiệu bất thường khác

– Theo Phan Thanh Nhiên, khi nhìn bức ảnh H.Q cầm cờ trên đỉnh Mera, anh thấy khó tin bởi quần áo H.Q mặc rất mỏng.

“Tôi khẳng định lên được độ cao 6.400 ai cũng mệt mỏi hết. Trang phục không thể phong phanh thế được. Thời gian lên đỉnh phải là đầu buổi sáng”, anh nói.

Trong khi đó, H.Q chia sẻ mình bắt đầu leo từ 4h và cỡ 10h30 chạm chân lên đỉnh Mera.

– H.Q cũng từng nói về việc mình có khá ít ảnh do tình trạng sụt pin máy ảnh khi lên cao. Tuy nhiên, anh D., một người leo núi chuyên nghiệp, cho biết có trường hợp đó có thật nhưng khó xảy ra.

“Sherpa đi cùng bạn chắc chắn phải biết nhắc bạn giữ ấm máy ảnh trong cơ thể. Ngoài ra, họ cũng thừa sức biết cách để giúp bạn chụp tấm ảnh kỷ niệm được lên đỉnh. Làm gì có ai lên đỉnh mà không thèm chụp ảnh mang về?”, anh nói.

noi doi leo nui anh 9

Chiếc áo H.Q mặc trong tấm ảnh chụp trên đỉnh bị nhận xét quá mỏng. Ảnh: H.Q.

– H.Q cho biết mình giẫm vào sông băng, phải leo giày ướt lạnh suốt 2 giờ. Tuy nhiên, anh không thể thay giày do sherpa đã đi lên trước còn đôi giày khác nằm trong túi người này đeo. Do đó, H.Q phải đi với đôi chân lạnh buốt “tưởng chừng sắp gãy” cho đến khi lên trạm.

Chi tiết này bị nhiều người nói vô lý bởi sherpa thường đi sát khách hàng trong phạm vi khoảng 2 m để đảm bảo an toàn.

Hiện tại, H.Q đang từ chối trả lời mọi câu hỏi từ phía Zing đặt ra về vụ việc này. Zing sẽ cập nhật đến độc giả khi có thông tin mới nhất.

Nguồn: News.zing.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn