Xem lại mới thấy ẩm thực Việt đặc sắc đến thế nào, chỉ riêng bánh nếp thôi cũng có rất nhiều loại đặc sắc.
Nói về những món bánh của Việt Nam làm từ gạo nếp, chắc hẳn ai ai cũng có thể kể ra vô vàn loại. Thế nhưng, có những món vô cùng quen thuộc, mà trong một khoảnh khắc nào đó, ta lại bất ngờ quên mất sự hiện diện của nó. Thế thì nhân ngày Tết Hàn thực, hãy thử điểm danh lại những món bánh nếp truyền thống Việt Nam vô cùng đặc sắc nhé!
Bánh nếp nhân đậu xanh
Nghe tên thôi là đủ biết món bánh này được làm từ những nguyên liệu nào rồi đúng không? Bánh nếp nhân đậu xanh còn được gọi là bánh dày nhân đậu xanh, hay một số địa phương thì còn gọi bằng cái tên rất thú vị là bánh “tu hú”. Bánh có phần nhân được làm từ đậu xanh nấu chín, trộn với đường. Phần vỏ bánh làm từ bột nếp, sau khi nhào dẻo thì nặn thành hình tròn với nhân đậu bên trong, một số nơi thì cho nhân vào cuộn thành hình ống rồi cắt miếng sau.
Bánh nếp nhân đậu xanh còn đặc trưng bởi lớp áo đậu xanh bên ngoài. Sau khi hấp chín, người ta bỏ ngay vào một phần đậu xanh đã được đồ chín, lăn cho đậu bám đều xung quanh bánh.
Ngày trước, bánh nếp nhân đậu xanh là món quà vặt vô cùng quý giá đối với trẻ con mỗi khi bà hay mẹ đi chợ về. Cầm trên tay miếng bánh vừa dẻo, vừa thơm thơm mùi của nếp, của đậu xanh, đứa nào cũng thích thú vô cùng.
Bánh gấc nhân đậu xanh
Cách làm bánh gấc cũng tương tự như bánh nếp. Phần nhân là đậu đồ chín, trộn với đường để có vị ngọt. Tuy nhiên, điểm khác là ở phần vỏ bánh được làm từ bột nếp trộn với gấc, nhờ đó mà chiếc bánh vừa có thêm mùi thơm của gấc, vừa có màu đỏ vô cùng đẹp mắt. Bánh sau khi nặn xong với phần nhân đậu xanh cũng được cho vào xửng hấp chín, rồi bỏ ra thì rắc thêm chút vừng đen lên trên, vừa để trang trí, vừa tạo thêm độ thơm, bùi.
Sau này, cũng từ món bánh gấc này, người ta đã sáng tạo thêm những hương vị khác như làm từ lá cẩm, dừa, mít, rau khúc…
Bánh xoài
Nhắc đến bánh xoài, đa số mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến Hội An bởi đây được xem là một trong những món đặc sản “nhất định phải ăn” khi đến đây. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khác, điển hình như ngay tại Hà Nội cũng có bán món bánh này.
Gọi là bánh xoài, nhưng nguyên liệu làm bánh lại không hề liên quan đến xoài, mà sự thật thì nó lại là một loại bánh nếp. Vẫn với quy trình tương tự như bánh nếp, bánh gấc, nhưng sự khác biệt nằm ở một số nguyên liệu cơ bản đã tạo nên nét khác biệt cho bánh xoài.
Nhân bánh được làm từ vừng đen, đậu phộng giã nhuyễn rồi thêm đường. Bánh được nặn thành hình giống như một quả xoài, có lẽ vì vậy mà người ta gọi là bánh xoài. Sau khi hấp chín, bánh xoài sẽ được lăn một lớp áo bột nếp được làm từ gạo nếp rang rồi nghiền nhuyễn.
Không chỉ thời xưa, cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người yêu thích bánh xoài bởi cái vị thơm của nếp, của vừng (mè). Rất nhiều người có tuổi thơ gắn liền với món bánh này nên cũng thường xuyên tìm mua về ăn để tìm về tuổi thơ.
Bánh trôi bánh chay
Bánh trôi và bánh chay là 2 món bánh thường đi liền với nhau. Đây là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Hàn thực (3/3 âm lịch hàng năm). Bánh trôi và bánh chay là món rất dễ làm và không quá cầu kỳ như các loại bánh khác nên vào ngày Tết Hàn thực, các gia đình cũng thường mua bột về nhà tự nặn và luộc bánh.
Bánh trôi chỉ bao gồm một lớp bột nếp bọc lấy viên đường rồi bỏ vào luộc. Điều hay ho còn nằm ở lúc luộc bánh mà người ta hay nói rằng “ba chìm bảy nổi”, cứ khi nào thấy bánh nổi lên là chín, vớt ra bỏ ngay vào nước nguội là được. Món bánh trôi nguội này rất khác với bánh trôi tàu, viên trôi nhỏ hơn nhiều và chỉ có nhân đường, sau khi vớt ra sẽ rắc thêm vừng trắng lên trên.
Bên cạnh bánh trôi còn có bánh chay. Bánh chay thì cầu kỳ hơn bởi phần nhân được làm từ đậu xanh nấu nhuyễn với đường. Viên bánh được nặn to hơn bánh trôi một chút. Bánh chay thì thường được chan một lượt nước chè nấu từ bột năng hoặc bột sắn và ít đậu xanh còn nguyên hạt.
Ngày nay, với sự sáng tạo, người ta đã biến tấu bánh trôi với rất nhiều hương vị và màu sắc khác nhau để tạo nên đĩa bánh trôi ngũ sắc. Từ các nguyên liệu tự nhiên như gấc, lá dứa, hoa đậu biếc… là có thể khoác thêm một chiếc “áo” mới cho các loại bánh trôi rồi.
Một số địa chỉ mua bánh truyền thống:
– Cửa hàng Quà quê số 1 Đinh Liệt
– Cửa hàng Gia Trịnh ngõ 16A Lý Nam Đế
– Bác bán bánh ở phố Hàng Giấy đoạn gần đèn đỏ bốt Hàng Đậu
– Gánh bán rong buổi sáng ở Hồ Đắc Di đoạn trước chợ Nam Đồng
Bạn đã từng thưởng thức hết các loại bánh nếp ở trên chưa? Hãy chia sẻ cảm nhận ngay nhé!
Nguồn: KENH14.VN