Ngủ giữa hai quốc gia trong một đêm

0
162

Ở một số phòng trong Arbez, đường biên giới đi qua giữa giường và du khách có thể ngủ trong tư thế đầu ở một nước và chân đặt ở một nước khác.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc ngủ giữa hai quốc gia trong một đêm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm cảm giác này nếu đặt phòng tại Arbez – khách sạn nằm giữa đường biên giới Pháp và Thụy Sỹ tại làng La Cure. Không những vậy, ở một số phòng trong Arbez, đường biên giới này còn đi qua giữa giường nên du khách có thể ngủ trong tư thế đầu ở một nước và chân đặt ở một nước khác. Phòng trăng mật được chia làm hai nửa với một nằm ở Thụy Sỹ và một nửa còn lại thuộc Pháp.

Do điểm độc đáo này, du khách đến với khách sạn Arbez sẽ được tận hưởng hai nền văn hóa truyền thống khác nhau. Ngoài ra, nhà hàng ở đây cũng được chia đôi và phục vụ các món ăn của cả Pháp và Thụy Sỹ. Điều này mang đến cho du khách trải nghiệm “hai đất nước dùng bữa ăn trên cùng một bàn và ngủ trên cùng một chiếc giường” – theo miêu tả trên website của khách sạn.

ngu-giua-hai-quoc-gia-trong-mot-dem

Nhà hàng ở khách sạn Arbez được chia đôi và du khách có thể thưởng thức nền ẩm thực của cả Pháp và Thụy Sỹ ngay trên một bàn ăn. Ảnh: Wikimonks.

Tuy nhiên, đây không phải là điều thú vị duy nhất ở Arbez. Khách sạn được xây dựng ngay sau khi Pháp và Thụy Sỹ đạt được thỏa thuận về việc vẽ lại đường biên giới trong khu vực vào năm 1862. Theo đó, một phần diện tích nhỏ của làng La Cure thuộc sở hữu của Thụy Sỹ và phần dải đất thung lũng Dappes gần đó thuộc về Pháp.

Trước khi chính phủ hai nước đạt được thỏa thuận này, một người dân trong làng tên là M. Ponthus đã xây một tòa nhà nằm ngay trên đường biên giới sắp thiết lập. Mục đích của ông là thúc đẩy kinh doanh và kiếm lời từ việc buôn bán giữa hai quốc gia nhờ thiết kế quán bar nằm về phía Pháp và cửa hàng tạp hóa nằm phía Thụy Sỹ.

ngu-giua-hai-quoc-gia-trong-mot-dem-1

Đường biên giới nằm ngay giữa cầu thang. Ảnh: Wikimonks.

Năm 1921, một người dân địa phương khác đã mua lại tòa nhà, sau đó cải tạo thành khách sạn và đặt tên là Jules-Jean Arbeze theo tên của chính mình. Song, việc kinh doanh quầy bar và cửa hàng tạp hóa giữa hai quốc gia trước đó không còn được ghi chép rõ nữa.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng Đức Quốc xã tiến đánh vào Pháp trong khi Thụy Sỹ vẫn giữ quan điểm trung lập. Tuy nhiên, tại khách sạn Arbez chỉ có một cầu thang duy nhất mà phần nhịp dẫn lên tầng hai lại có một nửa thuộc sở hữu của Thụy Sỹ. Vì vậy, quân đội Đức không thể xâm nhập vào phần lãnh thổ này, khiến tầng hai của khách sạn trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người tị nạn trong thời kỳ chiến tranh.

ngu-giua-hai-quoc-gia-trong-mot-dem-2

Vị trí của khách sạn. Ảnh: Wikimonks.

Ngày nay, Thụy Sỹ và Pháp đều là thành viên của Hiệp ước Schengen. Người dân hai nước, châu Âu và cả du khách có thể di chuyển dễ dàng giữa hai quốc gia cũng như trong khách sạn mà không cần phải xuất trình hộ chiếu, miễn là có hộ chiếu hợp lệ khi nhập cảnh vào hai nước này. Vì vậy, bạn có thể du lịch và nghỉ ngơi thoải mái ở đây bởi việc tham quan Arbez và thuê một phòng tầng hai đã trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều.

Xem thêm: Những nơi bạn có thể đứng cùng lúc trên hai quốc gia

Ngọc Mai

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn