Số lượng các giao dịch bán vàng để trả nợ có xu hướng gia tăng ở Ấn Độ, phản ánh sức khỏe nền kinh tế của quốc gia Nam Á này, đặc biệt kể từ làn sóng Covid-19 lần 2.
Sau khi mất việc giáo viên, bà Sandhya Babla, 58 tuổi, phải thế chấp trang sức vàng của gia đình để có tiền trang trải cuộc sống tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ.
Tháng 6, bà Babla được ngân hàng thông báo rằng việc gia hạn khoản vay thế chấp bằng vàng trị giá 3.670 USD sẽ tăng lãi suất từ 11% lên 16%. Nếu không, số vàng được dùng thế chấp sẽ được đem ra bán đấu giá trả nợ.
“Rất bất công. Tôi không muốn trả thêm mức lãi suất cao hơn nhưng họ dọa sẽ bán đấu giá vàng của tôi. Vì thế tôi đã chuyển khoản vay sang một ngân hàng khác. Đó là đồ trang sức của gia đình nên tôi không muốn mất chúng”, bà Babla nói trên Straits Times.
Ở Ấn Độ, trang sức bằng vàng được coi là một khoản đầu tư để giúp các gia đình vượt qua những lúc khó khăn về tài chính. Ảnh: AFP. |
Nền kinh tế chịu nhiều áp lực
Khó khăn của bà Babla đang là khó khăn chung của nhiều người khác tại Ấn Độ.
Ở nước này, đồ trang sức vàng với thiết kế đặc trưng cho mỗi địa phương thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được mua trong đám cưới và dịp lễ. Chúng cũng được coi là một tài sản khẩn cấp để giúp các gia đình vượt qua những lúc khó khăn về tài chính.
Ngân hàng và các cơ sở tài chính Ấn Độ có thể cho vay số tiền lên tới 90% giá trị số vàng được thế chấp. Nếu trả đủ tiền trong thời hạn (có thể chỉ kéo dài 3 tháng), người vay sẽ được nhận lại vàng. Nếu không, số vàng thế chấp sẽ bị đem ra bán đấu giá để bù nợ.
Là nước nhập khẩu vàng lớn thứ 5 trên thế giới vào năm 2020, Ấn Độ phải hứng chịu 2 làn sóng Covid-19 trong hơn 18 tháng qua. Làn sóng sau có sức tàn phá hơn làn sóng đầu.
Để chống dịch, quốc gia Nam Á này đã 2 lần phong tỏa, trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại và số người thất nghiệp ngày một tăng. Những lần phong tỏa khiến các doanh nghiệp tư nhân phải cắt giảm lương nhân viên.
Không chỉ mang lại chết chóc, Covid-19 còn khiến nhiều người dân Ấn Độ rơi vào tình trạng khó khăn tài chính. Ảnh: Reuters. |
Vì thế, sự gia tăng của các giao dịch bán vàng cho thấy hồi chuông báo động về sức khỏe nền kinh tế Ấn Độ.
“Nguyên nhân là giá vàng giảm và việc người vay khó trả nợ vì thách thức kinh tế do đại dịch gây ra”, ông Krishnan Sitaraman, giám đốc cấp cao của CRISIL Ratings – một công ty phân tích tại Ấn Độ, nói.
Giá vàng lập đỉnh 2.048 USD/ounce vào đầu tháng 8/2020 nhưng đã giảm xuống còn 1.815 USD/ounce vào ngày 20/7.
“Số lượt bán vàng tăng không đáng kể trong làn sóng đại dịch thứ nhất nhưng tăng mạnh trong làn sóng thứ hai, khi lệnh phong tỏa phần nào làm chững lại đà hồi phục kinh tế và ảnh hưởng tới cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Những cơ sở này là người đi vay vàng lớn”, Saurabh Jumar, giám đốc bộ phận vay vàng tại IIFL Finance, một công ty cung cấp dịch vụ tài chính và đầu tư, nói.
Giá vàng giảm trùng với thời điểm làn sóng thứ 2 càng làm tăng số lượng các cuộc bán đấu giá. Tuy nhiên, ông Jumar tin rằng đây chỉ mang tính chất tạm thời.
“Theo chúng tôi quan sát, hoạt động kinh tế đang tăng trở lại, tình hình có vẻ đã tốt hơn cho người vay”, ông Jumar nói.
Các khoản tiết kiệm dần cạn kiệt
Manappuram Finance, một công ty tài chính, cho biết lượng vàng mà hãng này đấu giá trong năm tài khóa 2020 trị giá 55,2 triệu USD. Con số này trong năm tài khóa trước là 15,5 triệu USD.
“Chúng tôi đã bán con số kỷ lục 1.000 kg vàng thế chấp trong quý I”, V.P. Nandakumar, giám đốc quản lý và CEO của hãng Manappuram, trả lời báo chí.
Các chuyên gia tin rằng nhiều người đã lâm vào tình cảnh khó khăn từ trước khi Covid-19 xuất hiện. Ảnh: CNN. |
Các chuyên gia tin rằng nhiều người lâm vào tình cảnh khó khăn từ trước khi Covid-19 xuất hiện.
“Sự giảm tốc của nền kinh tế Ấn Độ trong 3 năm qua càng trở nên trầm trọng hơn trong 18 tháng đại dịch. Điều này rõ ràng đã dẫn đến sự sụt giảm lớn trong thu nhập, đặc biệt là của những hộ gia đình không có nhiều tiền tiết kiệm”, giáo sư N.R. Bhanumurthy, phó giám đốc Trường Dr B.R. Ambedkar Bengaluru, thuộc Đại học Kinh tế (Ấn Độ), nhận định.
“Làn sóng thứ 2 cũng đã ảnh hưởng tới nhiều người trong lớp trung lưu và thượng trung lưu. Chi phí sinh hoạt vẫn cứ tăng, trong khi thu nhập giảm, đang gây áp lực cho khoản tiết kiệm (của người dân)”, giáo sư Bhanumurthy nói.
Nguồn: News.zing.vn