Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh

0
Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh

Ngày 24/2 (tức 27 tháng Giêng), tại thành phố Lạng Sơn diễn ra ngày cuối của lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ.

Đây là lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn được tổ chức hằng năm và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Năm nay, ngày hội diễn ra từ 19/2 đến 24/2.

Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh - 1

Người dân và du khách tham gia lễ rước kiệu (Ảnh: Lạng Sơn Review).

Trong những ngày diễn ra lễ hội, từ sáng sớm, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ dồn tới khu vực trung tâm bất chấp thời tiết lạnh khoảng 11 độ C.

Mở đầu chương trình là màn diễn tích về Hán Quận công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ).

Ông vốn là vị quan dưới thời vua Lê, có công lao trong việc mở mang buôn bán trên mảnh đất Lạng Sơn, thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc vào giai đoạn cuối thế kỷ 17. Vị quan này còn có công lập nên phố chợ Kỳ Lừa.

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, một trong những hoạt động đáng chú ý nhất là màn rước kiệu quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng về đền Tả Phủ.

Lễ rước là dịp để người dân địa phương bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ đi trước có công lao xây dựng gìn giữ xứ Lạng.

Vào đúng giờ Ngọ (12h), đám rước bắt đầu diễn ra khiến các tuyến phố chật kín người.

Để bày tỏ lòng thành, người dân sống tại các tuyến phố nơi kiệu quan đi qua đều dựng rạp lớn như đám cưới, bày mâm lễ và không thể thiếu nghi thức tung tiền lộc may mắn. Theo người dân địa phương, đây vốn là nghi thức mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh (Nguồn video: Nhân vật cung cấp).

Hòa trong dòng người tới dự hội, chị Nguyễn Phượng cho biết, năm nào cứ tới dịp này chị sẽ thu xếp công việc để tới tham gia.

Khoảng 12h khi kiệu quan đi qua tuyến đường Trần Đăng Ninh, nhiều nhà dân bắt đầu mang những bao tải chứa nhiều cọc tiền lẻ, mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng thậm chí cả vài chục nghìn đồng, tung lên cao với mục đích để tán lộc.

Giữa bầu không khí náo nhiệt, dòng người lại đổ xô tới nhặt lộc. Người mang theo túi nilon, người lại chuẩn bị sẵn balo để lấy tiền về.

Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh - 2

Hoạt động tung tiền lộc để may mắn trong ngày hội được nhiều người mong chờ (Ảnh: Lê Cương).

Lần đầu tới dự hội, chị Phạm Quỳnh Phương (Ninh Bình) bất ngờ trước cảnh tượng này. Vị khách 21 tuổi cho biết, hoạt động tung tiền diễn ra trong bầu không khí vui vẻ. Mọi người tới nhặt tiền đều hoan hỉ, không xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy hay tranh cướp.

Điều khiến vị khách đến từ Ninh Bình ngạc nhiên hơn cả là sự nhiệt tình mến khách của người dân xứ Lạng. Không chỉ nhặt được những túi tiền nhỏ, chị Phương còn được người dân mời ăn xôi, lợn quay, hoa quả miễn phí.

Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh - 3

Một số hộ gia đình chuẩn bị bao tải đựng tiền lẻ để tán lộc cho khách dự hội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Thành, chủ một hộ gia đình tại Lạng Sơn cho biết, để vui hội năm nay, nhà anh đã chuẩn bị sẵn một bao tải tiền lẻ để tán lộc. Đây vốn là phong tục truyền thống của người địa phương.

Khi rước kiệu quan đi từ đền qua các phố, gia chủ sẽ tung tiền lẻ. Người dân tin rằng, càng nhiều người lạ tới lấy lộc thì gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Bởi vậy đây là hoạt động được mọi người đều mong chờ.

“Người Lạng Sơn quan niệm rằng, chỉ cần tán lộc và nhặt lộc đều sẽ may mắn. Không ai để ý tới mệnh giá tờ tiền lấy được là bao nhiêu”, anh Thành nói.

Người dân Lạng Sơn mang cả bao tải, tung tiền ở ngày hội lớn nhất tỉnh - 4

Một hộ gia đình chặt heo quay mời khách tới ăn miễn phí Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lạng Sơn, ngày hội năm nay (19/2-24/2) đã thu hút hơn 820.600 lượt khách về dự hội, tăng gần 300.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, doanh thu ước đạt 985 tỷ đồng.  

Trong đó, chỉ tính riêng ngày cuối cùng của lễ hội là 24/2, thành phố Lạng Sơn đón 356.200 lượt khách, tăng hơn 71.000 lượt khách so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt 534 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong những ngày diễn ra lễ hội, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đều đạt công suất buồng phòng 100%. Nhiều khách phương xa tới chơi hội không kịp đặt phòng, liên hệ được người dân địa phương mời về ở miễn phí.

Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ là dịp thể hiện sự tri ân của hậu thế, tưởng nhớ công lao to lớn của 2 vị quan góp phần xây dựng Lạng Sơn nói riêng và đất nước nói chung.

Đó là Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài, một vị tướng thời hậu Lê. Hiện vị quan này được thờ tại đền Tả Phủ thuộc phường Hoàng Văn Thụ, được xây dựng vào năm 1683.

Vị thứ 2 là quan lớn Tuần Tranh, người được cử lên trấn ải tại Lạng Sơn, hiện được thờ tại đền Kỳ Cùng thuộc phường Vĩnh Trại.

Tên gọi lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ bắt đầu từ câu chuyện truyền thuyết được truyền tai qua rất nhiều người dân sống tại đây.

Nguồn: Dantri