Tang Shangjun quyết tâm vào đại học Thanh Hoa sau 13 lần thất bại. Câu chuyện của anh tạo ra cuộc tranh luận gay gắt về áp lực thành tích học tập ở Trung Quốc.
Tang Shangjun, sống ở khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây, đã tham dự kỳ thi đại học, được gọi là gaokao tại Trung Quốc, lần thứ 13 trong năm nay, The Paper đưa tin.
Mặc dù điểm gaokao của người đàn ông 33 tuổi được cải thiện theo thời gian, nó giảm đáng kể so với những lần thi thử, chỉ giúp anh trúng tuyển vào Đại học Quảng Tây.
Tang cho biết việc học tại Đại học Quảng Tây sẽ là kế hoạch tạm thời. Anh dự định thử sức một lần nữa vào năm sau để đỗ vào Đại học Thanh Hoa, một trong những trường danh tiếng của Trung Quốc.
“Tôi khá căng thẳng. Hy vọng gaokao năm sau là kỳ thi cuối cùng tôi tham gia”, anh nói.
Tang (thứ nhất từ phải sang) quyết tâm thi vào Đại học Thanh Hoa sau 13 lần thất bại. |
13 lần “thất bại”
Ngoài Đại học Quảng Tây, trước đó Tang đã được nhận vào hai trường khác. Nhưng anh không chọn theo học vì quyết tâm thi lại vào Thanh Hoa, đại học được xếp hạng thứ 17 trên thế giới và thứ 3 ở châu Á trong Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới Quacquarelli Symonds.
Ở Trung Quốc, gaokao có ý nghĩa sống còn đối với triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của một người.
Trong mắt nhiều người, đây là kỳ thi có thể thay đổi cả cuộc đời vì mang đến cơ hội “công bằng” cho cả những học sinh sinh ra trong các gia đình nghèo khó.
Tang sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Shangsi, Quảng Tây. Năm 2009, khi tham gia kỳ thi gaokao lần đầu tiên, anh nói rằng mình không thể giải được hầu hết bài toán trong đề thi toán học. Điểm số của Tang quá thấp nên anh chỉ đủ điều kiện vào các trường đại học kém tên tuổi.
Người đàn ông quyết định không theo học, thay vào đó anh quay lại trường trung học để luyện thi lại gaokao.
Tang từ chối lời mời nhập học từ các trường đại học khác, bất chấp sự lo lắng của gia đình. |
Trong 7 năm tiếp theo, Tang cứ miệt mài ôn luyện, thi và rồi lại thất bại hết lần này đến lần khác. Suốt thời gian đó, anh giữ bí mật với gia đình vì sợ không được chấp thuận.
Năm 2016, khi trúng tuyển vào Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, một trường đại học xếp hạng cao, Tang mới dám kể với cha mẹ.
Gia đình nói rằng họ không trách anh vì đã giấu giếm câu chuyện, thậm chí cảm thấy tự hào về nỗ lực bền bỉ của anh.
Tuy nhiên, Tang đã bỏ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc vì mong muốn vào Đại học Thanh Hoa. Giấc mơ này được nhen nhóm sau khi anh nghe tin một trường trung học ở Nam Ninh thưởng 10.000 nhân dân tệ cho những học sinh có điểm gaokao cao.
Trường trung học đã hứa tặng thưởng 600.000 nhân dân tệ và trợ cấp 2.000 nhân dân tệ/tháng nếu Tang được nhận vào Đại học Thanh Hoa hoặc Đại học Bắc Kinh.
Tang đã theo học ở ngôi trường này hai năm, thi gaokao hai lần, nhưng vẫn không vào được Thanh Hoa.
Sau đó, anh chuyển đến một trường trung học khác, nơi cung cấp học bổng tương tự cho những người thi lại gaokao.
Trong thời gian này, anh làm gia sư vào kỳ nghỉ hè hoặc shipper giao đồ ăn để kiếm thêm tiền.
Tang cũng mua cả cổ phiếu, tham gia quỹ và thu được hàng chục nghìn nhân dân tệ, theo The Paper.
Tranh cãi
Người đàn ông 33 tuổi cho biết anh không hối hận vì thi lại gaokao nhiều lần.
“Nhưng đôi khi tôi nghĩ nếu mình có một công việc ổn định, gia đình sẽ không nghèo đến mức này. Bây giờ tôi không có gì cả và rất khó để làm bất cứ điều gì”, anh nói.
Câu chuyện của Tang đã thu hút 190 triệu lượt đọc và hơn 6.000 bình luận trên Weibo.
“Định nghĩa về cuộc sống của một người bình thường là gì? Tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng sự lựa chọn của anh ấy. Chúng ta không có tư cách bình luận xem anh ấy làm vậy có đáng hay không”, một người viết.
Học sinh Trung Quốc bị nhà trường, phụ huynh gây áp lực phải vào đại học danh tiếng bằng mọi giá. |
Nhưng một số người không đồng tình. “Anh ấy không biết rằng thời gian và cơ hội trong cuộc sống là có hạn sao?”, một người bình luận.
“Anh ấy có thể học tại một trường đại học khác rồi đăng ký vào trường cao học của Đại học Thanh Hoa. Hoặc anh ấy có thể làm việc trong thời gian chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu vào của Thanh Hoa”, một người khác đề xuất.
Xiong Bingqi, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, hy vọng mọi người sẽ coi trải nghiệm của Tang là một ví dụ tiêu cực.
“Trường trung học cơ sở nhồi nhét học sinh bằng quan điểm rằng vào các trường đại học danh tiếng đồng nghĩa với thành công trong cuộc sống. Từ đó, học sinh cho rằng sau khi được các trường đại học hàng đầu nhận vào học, các em sẽ không cần phải học tập hay làm việc chăm chỉ nữa”, Xiong nói với South China Morning Post.
“Chúng ta nên lưu ý rằng phụ huynh hoặc giáo viên nhà trường sẽ sử dụng câu chuyện của Tang như một tài liệu tham khảo để gây áp lực học tập chăm chỉ hơn cho học sinh trước gaokao”, chuyên gia nói thêm.
Nguồn: News.zing.vn