Người đàn ông gác cổng tới ‘thiên đường’

0
214

Người thợ điện già đã dành phần lớn thời gian sau khi nghỉ hưu để hỗ trợ du khách khi tới Paradise (Mỹ), nơi khá gần hiện trường một vụ thảm sát trước đây nhưng ngày nay là điểm du lịch thu hút nhiều người.

Paradise là địa danh nằm ở lưng chừng hành lang Magruder, một trong những con đường khó đi nhất miền tây nước Mỹ. Với chiều dài 163 km, đường đất gập ghềnh và gió bụi, hành lang Magruder đi qua các khu vực thiên nhiên hoang dã lớn nhất nước Mỹ, xuyên những đoạn dốc trên núi và suối dọc biên giới hai bang Montana và Idaho. 

nguoi-dan-ong-gac-cong-toi-thien-duong

Earl, 64 tuổi, là người quản lý khu vực cắm trại ở rừng quốc gia Bitteroot. Ảnh: BBC.

Theo nhiều người, khi tới thăm Paradise, họ có cảm giác như mình đang dạo bước trên thiên đường vì cảnh đẹp khiến họ nghẹt thở. Nó thực sự xứng đáng với tên gọi Paradise (nghĩa là thiên đường). Người đàn ông làm nhiệm vụ gác cổng, chỉ dẫn du khách khi tới thiên đường nơi hạ giới này chính là Earl, một thợ điện 64 tuổi đã về hưu.

“Chúng tôi gặp Earl ở giữa con đường đầy bụi. Với nụ cười rộng mở trên môi, tay cầm một tách cà phê và hai con chó đen đang chạy nhảy xung quanh chân, ông tiến tới cửa kính xe ô tô của chúng tôi bắt tay chào: Mọi người đã đến Paradise rồi đấy. Tôi sẽ chỉ cho mọi người chỗ cắm trại yêu thích của mình nhưng nhớ cẩn thận với lũ rắn chuông đấy nhé. Chúng tôi ở khá xa để có thể giúp đỡ đấy”, đó là những gì mà nhiều du khách đã phác họa chân dung về Earl, người đàn ông có nhiệm vụ gác cổng tới “thiên đường”.

Cùng với con hai con chó, Harrison và Ozzie, Earl là người duy nhất ở đây suốt mùa hè. Ông quản lý việc cắm trại ở rừng quốc gia Bitterroot, có nhiệm vụ chào đón các đoàn khách tới Paradise tham quan, đi bộ, đi săn, câu cá và cả những người chèo thuyền liều lĩnh trên sông Selway. Trách nhiệm của ông là hướng dẫn mọi người có chuyến dã ngoại an toàn, ở khu vực nằm giữa vùng đất hoang dã có diện tích lên tới hơn 1,4 triệu hecta này.

nguoi-dan-ong-gac-cong-toi-thien-duong-1

Paradise là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của các gia đình: họ cùng cắm trại, leo núi, chèo thuyền giữa một không gian hoang dã. Ảnh: BBC.

Earl dành hầu hết 3 thập kỷ khám phá khu vực hoang dã Selway Bitterroot này. Và ông thường chọn Paradise như một điểm để khởi động. Trong một chuyến đi vào mùa hè, Earl gặp đôi vợ chồng, những người từng làm nhiệm vụ hướng dẫn ở Paradise. “Tôi đã hỏi họ làm thế nào để xin làm công việc này. Và kết quả là tôi đã ở đây 6 mùa hè rồi. Mọi thứ không khác gì một giấc mơ có thật”, người thợ điện già nhớ lại thời điểm nhận công việc làm thêm này.

Khi bắt tay nhận việc, Earl đã xóa bỏ khá nhiều chỉ dẫn về các con đường mòn nguy hiểm lên núi. Ông chào đón mọi du khách, giới thiệu chi tiết về địa hình nơi họ sẽ tới tham quan, cũng như các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong rừng. Trong lúc làm việc, ông cũng dành nhiều thời gian khám phá thiên nhiên hoang dã rộng lớn này.

nguoi-dan-ong-gac-cong-toi-thien-duong-2

Con suối trong khu hoang dã. Ảnh: BBC

Để trả công cho Earl (vốn là một công việc tình nguyện), Sở Lâm nghiệp Mỹ USFS đã gửi ông một khoản trợ cấp thực phẩm khiêm tốn, một chiếc xe tải để làm việc và một cabin nhỏ để nghỉ ngơi. Sau khi nhận việc, Earl rời khỏi ngôi nhà bên bờ sông Mississippi của mình và tới Paradise ngay sau khi tuyết tan trên hành lang Magruder. Vợ ông cũng thường đến ở cùng chồng nhưng thời gian ở lại khá ngắn vì bà thích ở nhà và trông nom lũ cháu của mình.

Khi ngồi cùng du khách bên đống lửa trại ở Paradise, Earl thường kể cho họ nghe về những trải nghiệm của cuộc đời mình, hay những thứ hay ho ông thấy ở nơi này. “Một buổi sáng đẹp trời, tôi làm công việc cưa bớt những chiếc cây bị đổ và mồ hôi đổ ra khá nhiều. Vài người khách đã nhìn thấy tôi và họ mời tôi một ly bia lạnh. Sau đó, họ cầm cưa và giúp tôi hoàn thành nốt công việc. Tất nhiên là tôi không từ chối rồi”, người thợ điện già cười khúc khích kể lại.

Nếu như ai đó hào phóng đãi Earl một tách cà phê thứ hai, chắc chắn người đàn ông sẽ hào hứng kể cho họ nghe về những câu chuyện lướt ván ở Puerto Rico, chèo thuyền kayak ở New Mexico hay trải nghiệm thú vị mà mình có được khi bôn ba khắp thế giới.

Hành lang Magruder luôn nằm trong danh sách những nơi nhất định phải tới của nhiều du khách. Nằm giữa vùng hoang vu Selway Bitterrot ở phía bắc và Frank Church-River về phía nam, hành lang Magruder thực sự không phải là một con đường dành cho người yếu tim. Trước đó, nơi này cũng khiến nhiều người sợ hãi vì là hiện trường của một vụ thảm sát.

Ngày nay, mối đe dọa lớn nhất của nó đối với con người là việc cây đổ chắn lối đi. Và Earl thường xuất hiện với chiếc ô tô tải nhỏ màu trắng, dịch chuyển cây sang chỗ khác để thông đường.

Mùa cao điểm ở khu vực này là từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7. Lúc đó, những người muốn chèo thuyền trên sông phải xin phép USFS. Sau Grand Canyon, Selway là con sông thứ hai mà việc xin giấy phép khá khó khăn.

Mỗi tuần, Earl lái 100 km đến văn phòng USFS để lấy giấy phép cấp cho những người muốn đi thuyền trên sông. Ông cũng làm báo cáo hàng ngày về các dòng chảy của sông. Việc này rất quan trọng đối với những người chèo thuyền, vì nó giúp họ giữ an toàn.

“Nơi đây có vẻ như là thiên đường đối với vợ chồng tôi. Vì vậy, chúng tôi mang theo cậu con trai 2 tuổi, đóng gói đồ cất vào chiếc xe tải nhỏ cùng một chiếc lốp dự phòng, đồ ăn thức uống cho 4 ngày. Mục tiêu của chúng tôi là khám phá con sông hoang dã, cùng ngắm nhìn những hàng cây tuyết tùng tươi tốt và triền đồi dốc”, một du khách cho biết.

Trong suốt quãng thời gian làm việc ở đây, Earl nhận được nhiều cảm tình từ khách du lịch. Họ đánh giá ông là một người thân thiện, luôn mỉm cười. Hình ảnh quen thuộc của ông là mặc áo khoác dài và quần short. Mặc dù công việc hiện tại của ông khá nhàm chán theo nhận định của nhiều người, trợ cấp cũng không nhiều nhưng với Earl, đây là công việc lý tưởng vì được sống tại nơi ông yêu thích nhất.

Xem thêm Nhật ký của nhiếp ảnh gia tại thiên đường tình dục Dominica

Nguồn: Vnexpress.net

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn