Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi “nóc nhà thế giới”

0
Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi “nóc nhà thế giới”

48 giờ đặt chân lên 2 đỉnh núi cao

Vào 9h9 sáng 11/5, anh Nguyễn Mạnh Duy (SN 1984, Hà Nội) đứng trên nóc nhà thế giới – đỉnh Everest. Đó là thời khắc anh lặng người trên dãy Himalaya chứng kiến vẻ đẹp kỳ vĩ của vùng đất này.

Trên đỉnh Everest cao 8.848m, giữa cái lạnh âm hàng chục độ và không khí loãng đến nghẹt thở, anh Duy ngồi xuống bên tấm bảng check-in độ cao Everest. Với anh, đây là biểu tượng của hành trình dài 2 năm đầy thử thách.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 1

Anh Duy tại đỉnh Everest (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngọn cờ Việt Nam tung bay trong gió lồng lộng của “nóc nhà thế giới”. Trong giây phút xúc động, anh cởi mặt nạ dưỡng khí, giọng run vì lạnh và thiếu oxy, anh gửi lời chào đến Việt Nam.

Anh Duy bày tỏ, khoảnh khắc đó không chỉ ăn mừng mà còn biết ơn từng bước chân đã đi qua, từng người đã hỗ trợ, đồng hành và với chính ngọn núi thiêng liêng dưới chân.

Không lâu sau đó, vào 7h sáng 13/5, anh tiếp tục đặt chân lên đỉnh Lhotse – đỉnh núi cao thứ tư thế giới. Như vậy, chỉ trong vòng 48 giờ, anh Nguyễn Mạnh Duy đã lần lượt đặt chân lên hai đỉnh núi nổi tiếng của Himalaya, hoàn thành giấc mơ 40 ngày chinh phục những đỉnh cao bậc nhất thế giới.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 2Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 3

Anh Duy chinh phục đỉnh Lhotse (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Việc leo liên tiếp hai đỉnh núi cao trên 8.000m – Everest (8.848m) và Lhotse (8.516m) – trong khoảng thời gian ngắn như vậy là điều vô cùng thử thách, ngay cả với các vận động viên chuyên nghiệp. Với người nghiệp dư như anh Duy, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên trì trong suốt nhiều năm.

Hai năm chuẩn bị

Trước hành trình “double summit” (chinh phục kép), anh đã có 2 năm rèn luyện thể lực, chinh phục nhiều đỉnh núi 6.000-8.000m, đồng thời nhận được sự hỗ trợ chuyên sâu từ người Sherpa (dân tộc ở phía đông Nepal), cùng đơn vị tổ chức leo núi chuyên nghiệp tại Nepal.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh Duy cho biết, ý tưởng chinh phục hai đỉnh cao thế giới bắt đầu nhen nhóm vào năm 2023 khi anh lần đầu leo lên một đỉnh núi cao gần 6.500m ở dãy Himalaya.

Đứng trên đỉnh núi phủ tuyết, trước vẻ đẹp choáng ngợp và hùng vĩ của thiên nhiên, anh tự hỏi: “Tại sao mình không thử tiến xa hơn? Tại sao không phải là Everest?”. Trong vòng 1 giờ sau khi xuống núi, anh hỏi han những người bạn cùng các vận động viên leo núi, và họ khẳng định nếu nghiêm túc, 2 năm là đủ để chuẩn bị.

“Ngay lúc đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch cụ thể. Tôi gọi nó là “Everest – kế hoạch và giấc mơ”. Giấc mơ thì lớn, nhưng kế hoạch phải rõ ràng từng bước”, anh nói.

Trong suốt 2 năm, anh đều sang Nepal ít nhất hai lần để rèn luyện thể lực và thích nghi với độ cao, yếu tố quan trọng nhất khi leo núi.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 4Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 5

Trong 2 năm chuẩn bị, anh Duy đã chinh phục nhiều đỉnh núi tại dãy Himalaya như Mera Peak (6.476m), Ama Dablam (6.812m), Manaslu (8.163m)… (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thể lực là điều kiện cần, nhưng dẻo dai và khả năng thích nghi mới là điều kiện đủ. Nhiều người Việt có thể lực rất tốt, nhưng khi lên tới 6.000m hay 8.000m lại bị áp lực độ cao “tấn công” và phải bỏ cuộc”, anh chia sẻ.

Tập gym, chạy bộ, ăn uống khoa học là chưa đủ. Với anh Duy, chỉ có “rèn luyện thực địa” – tức luyện tập ngay tại dãy Himalaya – mới giúp cơ thể thích nghi đúng với điều kiện thật. Mỗi mốc độ cao là một lần thử thách.

Leo Everest là môn thể thao không dành cho người nửa vời. Ngoài thể lực và ý chí, người leo núi còn phải vượt qua rào cản lớn là chi phí.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 6

Anh Duy và vợ trong một chuyến đi đến Nepal (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thực tế, để tăng khả năng thành công và đảm bảo an toàn, tôi phải đầu tư tổng thể cho cả quá trình chuẩn bị. Tôi tính tổng cộng khoảng 80.000-100.000 USD (2-2,6 tỷ đồng) cho suốt 2 năm. Chi phí này bao gồm: Tiền mua tour, trang phục, thiết bị bảo hộ…”, anh Duy tiết lộ.

Tuy nhiên, tài chính không phải yếu tố duy nhất. Anh gọi việc chuẩn bị leo Everest là bài toán đồng bộ. “Không thể có tiền mà không có sức khỏe, có sức khỏe mà không có thời gian hoặc có thời gian mà không có sự ủng hộ từ người thân”, anh khẳng định.

May mắn với anh là luôn có một hậu phương vững vàng là người vợ đồng hành trong mọi quyết định và ba đứa con nhỏ yêu thiên nhiên, thích khám phá văn hóa Himalaya. Anh kể: “Chúng tôi xem Nepal như quê hương thứ hai. Mỗi mùa hè cả nhà lại về đó. Dù vợ tôi không thích leo núi, nhưng các con lại có hứng thú với môn này”.

Hành trình bước qua cái chết

Đầu tháng 4, anh Duy bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest – nóc nhà thế giới.

Anh Duy kể, những đoạn như Hillary Step hay South Summit – đều ở độ cao trên 8.500m – là những nơi khắc nghiệt bậc nhất, không khí loãng tới mức mỗi hơi thở trở nên khó nhọc, đau buốt lồng ngực.

Cơ thể phải chịu áp lực khủng khiếp khi di chuyển ở khu vực được mệnh danh là “vùng tử thần”. Dù không nhìn thấy hiểm họa ngay trước mắt, anh vẫn hiểu rõ rằng chỉ một sơ suất nhỏ, một cú trượt chân hay chiếc móc leo không đủ chắc… cũng có thể dẫn tới hậu quả không thể cứu vãn.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 7Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 8

Anh Duy trong hành trình chinh phục Everest (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dưới chân anh là tuyết trắng mênh mông, bên trên là bầu trời xám lạnh, nơi thời tiết có thể trở mặt trong vài phút. Gió giật mạnh, bão tuyết bất ngờ hay các khe nứt ngầm dưới là những mối đe dọa luôn rình rập, có thể cướp đi mạng sống bất kỳ lúc nào.

Theo tờ ABC News, trong mùa leo núi năm nay, ít nhất hai nhà leo núi người Ấn Độ và Philippines đã tử nạn.

Nhà leo núi người Philippines tử vong vào ngày 14/5 khi đang trên đường chinh phục đỉnh núi. Anh đã đến được trại 4 – điểm dừng chân cao nhất trên hành trình – và đang chuẩn bị cho chặng leo cuối cùng lên đỉnh. Trong khi đó, một nhà leo núi người Ấn Độ cũng tử vong ngày 15/5 ở gần chân núi khi trở về từ đỉnh Everest.

Anh Duy cho biết, khi đi qua khu vực South Summit, gần chạm tới đỉnh núi, anh cũng đã nhìn thấy thi thể nằm trên lớp tuyết lạnh. Đó là thực tế khắc nghiệt, nhưng cũng là lý do khiến anh càng thêm ý thức rõ ràng về sự sống và trách nhiệm sống còn trong từng bước chân.

Sau những chặng gian khổ, anh lần lượt đặt chân tới Everest, rồi sau đó là Lhotse – đỉnh núi cao thứ tư thế giới. Khi vừa rời đi, anh chứng kiến được hiện tượng mây ngũ sắc cuộn xoáy quanh đỉnh núi như dải lụa trời tạo nên cảnh tượng thiêng liêng, anh gọi đó là lời tạm biệt của Himalaya.

Người đàn ông Việt chi 2 tỷ đồng chinh phục 2 đỉnh núi nóc nhà thế giới - 9

Mây ngũ sắc trên đỉnh Lhotse (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh khẳng định không có ý định truyền cảm hứng để người khác thử sức với Everest. Đơn giản, vì đây không phải là một cuộc phiêu lưu đẹp như cổ tích, mà là hành trình thể thao khắc nghiệt, nhiều rủi ro – nơi cái giá phải trả đôi khi là mạng sống.

“Tôi leo vì đó là lựa chọn của riêng mình. Và tôi kể lại hành trình này không để truyền cảm hứng, mà để những ai thực sự quan tâm hiểu rằng Everest không phải một giấc mơ lãng mạn mà là môn thể thao chứa đựng vô vàn rủi ro và đôi khi, cái giá phải trả là cả mạng sống”, anh nói.

Trong hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”, nhiều người Việt Nam cũng từng ghi dấu bằng những cột mốc đáng nhớ.

Tháng 5/2008, ba cái tên Bùi Văn Ngợi, Phan Thanh Nhiên và Nguyễn Mậu Linh đã trở thành những người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Thành tích này được xem là bước ngoặt lớn đối với cộng đồng leo núi trong nước.

14 năm sau, vào tháng 5/2022, Phan Thanh Nhiên một lần nữa trở lại đỉnh cao 8.848m, giương cao lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi thiêng. Không lâu sau đó, Việt Nam chào đón một cột mốc khác khi chị Nguyễn Thị Thanh Nhã trở thành người phụ nữ Việt đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest.

            

Nguồn: Dantri