Vui mừng khi quận 7 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhiều người mong mỏi ngày bình thường mới. Đó là ngày họ được kinh doanh, làm việc và đoàn tụ người thân.
Vừa được UBND phường tặng mớ rau xanh, ông Mực đem ra nhặt trước cửa. Nói với hàng xóm, ông bảo: “Rau này mà có thêm thịt bò xào chung thì bá cháy luôn”.
“Tưởng gì chứ bò thì dễ. Chú ra trước sân, bò lăn, bò trườn, bò tới, bò lui, tha hồ mà lựa”, người hàng xóm hóm hỉnh.
Trêu nhau mỗi ngày nhưng ông Mực và những người trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vẫn có nỗi lòng canh cánh. Hơn 3 tháng nay, công việc kinh doanh của họ bị đình trệ do dịch bệnh. Nhìn những chiếc xe bán hàng nằm im lìm, lòng người không khỏi nôn nao.
Muốn được kiếm tiền để chăm lo cuộc sống
Buổi giờ chiều, người dân trong hẻm 615 Huỳnh Tấn Phát đứng trước cửa nhà nói trò chuyện với nhau. Con hẻm vừa trở thành vùng xanh khi được tháo dỡ hàng rào phong tỏa. Mấy tháng liền nhà ai nấy ở, nay, họ mới có dịp “tâm sự từ xa”.
“Quận 7 vừa công bố kiểm soát được dịch, nghe nói chuẩn bị cho buôn bán trở lại”, ông Mực vừa nhặt rau, vừa nói với nhà hàng xóm. Cách đó một căn nhà, bà Thu Dung uống ngụm cà phê rồi hào hứng nói: “Tự nhiên thấy mừng quá! Mấy tháng nay ai cũng khó khăn. Chờ đón cái ngày được buôn bán lại quá!”
Trái ngược với sự phấn khởi của hàng xóm, ông Hùng trăn trở: “Kế hoạch thì cho mở bán lại nhưng kinh doanh như thế nào trong tình hình mới là điều còn cân nhắc”.
Sau nhiều tháng tạm ngừng công việc kinh doanh, nhiều người dân quận 7 mong mỏi được trở lại làm việc. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Tại cuộc làm việc với UBND quận 7 sáng 5/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh sau khi kiểm soát được dịch bệnh, sứ mệnh tiếp theo của quận 7 và Củ Chi là làm thí điểm cho tiến trình trở lại cuộc sống bình thường mới theo chỉ đạo của Trung ương cũng như mong muốn của người dân thành phố.
Chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tối 8/9, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết dự kiến sau 15/9, nếu tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ổn định hơn, địa phương này sẽ bắt đầu mở lại một số ngành nghề kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống.
Theo kế hoạch, việc mở cửa các hoạt động này kéo dài một tháng, bắt đầu từ 20/9 đến 20/10. Tuy nhiên, các cửa hàng ăn uống chỉ mở lại với hình thức bán mang đi Bên cạnh đó, quận cũng đưa ra điều kiện để các hoạt động kinh doanh được vận hành.
Quận 7 đã lên kế hoạch về việc mở cửa trở lại một số hoạt động. |
Tạm ngừng việc buôn bán hàng ăn hơn 2 tháng nay, bà Thu Dung (63 tuổi) vẫn luôn theo dõi tin tức dịch bệnh mỗi ngày với hy vọng sớm trở lại hoạt động kinh doanh. Được nhận 2 lần trợ cấp với tổng cộng 3 triệu đồng, người phụ nữ cho biết gia đình bà vẫn khá chật vật để trang trải chi phí.
“Tiền trợ cấp của Nhà nước thì có chừng mực, mình đòi hỏi cao là không thể. Chính vì thế, tôi chỉ mong được buôn bán trở lại, tự kiếm ra tiền để chăm lo cho mình”, bà Dung nói.
Được giảm 50% tiền thuê nhà nhưng số tiền 5 triệu đồng duy trì mặt bằng mỗi tháng, cộng với tiền phòng trọ, chi phí sinh hoạt khiến bà Dung không khỏi áp lực. Việc chủ nhà hỗ trợ giảm tiền thuê đã là sự chia sẻ đáng quý, vì vậy người phụ nữ luôn cố gắng trả đúng thời hạn.
Các thành viên trong gia đình đang đợi tiêm mũi 2 vaccine. Điều này làm bà cảm thấy an tâm hơn nếu trở lại công việc kinh doanh.
Chậm mà chắc
“Có ai ở trong nhà không ạ?”, người đàn ông gõ vào cánh cửa sắt. Minh Đức đeo khẩu trang, hé cánh cửa ra hỏi: “Có chuyện gì không anh?”.
Người đàn ông gấp gáp nói: “Bố tôi vừa mất, tôi muốn đặt làm một khung ảnh thờ, anh có thể làm giúp tôi không?”
Đắn đo giây lát, Minh Đức tiếc nuối nói: “Anh thông cảm, tôi rất muốn giúp gia đình nhưng hiện tại đang giãn cách, tôi không được phép hoạt động”.
Anh Minh Đức cho rằng việc nới lỏng giãn cách cần thực hiện cẩn trọng, việc kiểm soát dịch vẫn đặt lên hàng đầu. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Những ngày qua, cửa tiệm đóng khung tranh của Minh Đức nhận được không ít yêu cầu từ khách hàng, tuy nhiên anh buộc phải từ chối. Hơn 3 tháng ngừng hoạt động, áp lực kinh tế ngày một nặng nề, nhưng người đàn ông này cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là sức khỏe. Việc nới lỏng cần phải tiến hành từng bước thận trọng.
“Trước mắt phải thật sự kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời phủ rộng vaccine thì mới tính đến các việc nới lỏng giãn cách”, anh Đức nói.
Đồng quan điểm, chị Lan Chi (cư dân khu đô thị Nam Long, quận 7), cho rằng việc nới lỏng giãn cách cần thực hiện chừng mực, chậm mà chắc. Chị tán thành với việc cho phép người dân ở vùng xanh được đi chợ và mở lại hàng quán bán mang về.
“Phương án náy phần nào giúp người lao động dần ổn định kinh tế sau thời gian dài tạm dừng công việc. Tuy nhiên, phải có phương án hỗ trợ cho người kinh doanh trong bối cảnh giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển leo thang”, chị Lan Chi bày tỏ.
Bên cạnh đó, người phụ nữ này cho rằng sau hơn 3 tháng ở nhà, nhiều người có tâm lý muốn được ra đường, vì thế vẫn phải siết chặt việc di chuyển, tránh ảnh hưởng đến kết quả chống dịch của cả thành phố.
“Trong trường hợp kiểm soát được dịch bệnh vẫn không nên chủ quan”, Lan Chi cho biết gia đình chị luôn trong tâm thế sống chung với dịch cho đến cuối năm.
Bà Hồng mong muốn sớm được trở lại làm việc để có tiền đóng học phí cho con gái đang là sinh viên năm 2. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Còn với bà Hồng, đã thành thói quen, mỗi buổi chiều, người phụ nữ 60 tuổi lại lên mũi thuyền ngồi hóng mát cho khuây khỏa tâm trí. Hơn 5 tháng nay, bà sống đơn độc trên con thuyền đậu trên dòng kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, quận 7).
“Nhớ nhà lắm! Hồi trước dịch, tôi từ Bến Tre lên thành phố làm mướn để đóng tiền học cho con gái út. Vậy mà kẹt lại tới bây giờ”, bà Hồng nghẹn ngào. Thương con gái hiếu học, bà nỗ lực vừa đi làm mướn, vừa nhặt ve chai để chăm lo chi phí đại học của con.
Không nhà cửa, không người thân nương tựa ở thành phố, nhiều tháng nay mất thu nhập, bà Hồng chật vật từng ngày với mong ước được gặp lại người thân, được trở lại làm việc.
Đầu tháng 9, con gái thông báo đã bảo lưu kết quả, tạm nghỉ học vì học phí quá cao. Ở tình thế khó khăn, bà Hồng lặng đi một lúc lâu, thấy con thuyền chông chênh giữa mênh mông biển nước.
Nguồn: News.zing.vn