Keizo Shimamoto chưa từng nghĩ sẽ trở thành người có sức ảnh hưởng trong ngành ramen ở Mỹ. Anh chỉ đơn giản coi mình là một người thích ăn ramen.
Shimamoto bắt đầu viết blog ghi lại các chuyến hành trình trải nghiệm loại mì ramen ở quanh khu vực anh sống là Nam California và Tokyo. Anh không tự nhận mình là một nhà phê bình ẩm thực mà chỉ muốn thưởng thức chúng.
Trải nghiệm và học hỏi
Với mong muốn tìm hiểu thêm về các loại mì trên khắp Nhật Bản, Shimamoto bắt đầu một hành trình từ Hokkaido đến Kyushu để thưởng thức 55 loại ramen khác nhau. Sau chuyến đi, anh có 4 tháng học việc tại tiệm mì Ivan Ramen của đầu bếp người Mỹ, Ivan Orkin, một tên tuổi lớn trong cộng đồng ramen quốc tế. Sau đó Shimamoto chuyển sang làm ở một cửa hàng khác tại Tokyo trong vòng 2 năm và dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm sáng giá.
Ramen ở Mỹ có hương vị kém xa tại Nhật Bản do chất lượng nước dùng mì. Ảnh: Japantimes. |
Năm 2013 sau khi trở lại Mỹ, Shimamoto cho ra mắt món bánh mì ramen kẹp thịt. Anh sử dụng phần ramen chiên giòn để làm bánh và ngay lập tức trở thành một hiện tượng. “Sự thành công của bánh mì ramen kẹp thịt thật khó tin, nhưng tôi không thích điều này vì đây vốn không phải là ramen. Niềm đam mê của tôi là mì ramen và tôi không muốn được biết đến với danh người phát minh ra món bánh mì ramen kẹp thịt.” Shimamoto chia sẻ.
Ước mơ phổ biến loại ramen thủ công
Với tất cả những kinh nghiệm tích lũy được, Shimamoto đặt ra mục tiêu nâng tầm mì ramen ở Mỹ. Không chỉ với món mì ramen do chính anh làm ra, mà còn của những đầu bếp khác. Do đó, anh ấy muốn mở một nhà bếp chuyên làm nước dùng cho các nhà hàng ramen.
Phần lớn các loại ramen mà người Mỹ được thưởng thức đều là mì ăn liền. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng khó có thể biết được loại ramen làm thủ công ngon như thế nào. Các nhà hàng cũng không muốn làm loại ramen này vì nó tốn nhiều công sức.
Shimamoto nói: “Tôi ghét các nhà hàng ramen sử dụng loại nước dùng và thịt đông lạnh, vì đó không phải ramen thực sự.” Shimamoto nghĩ rằng nếu anh ấy có thể chế biến được loại nước dùng cung cấp hàng ngày sẽ làm cho món mì ramen của các nhà hàng trở nên ngon hơn.
Shimamoto không hề muốn mọi người chỉ nhớ đến mình như người phát minh ra món bánh mì ramen. Ảnh: Eater. |
Hành trình thực hiện ước mơ
Shimamoto đã cho ra mắt Ramen Shack – một xe bán ramen lưu động – chủ yếu để giới thiệu việc kinh doanh nước dùng và mì của anh ở Smorgasburg (New York). Chẳng bao lâu, nơi đây đã trở thành một “thánh địa” cho những người đam mê ramen.
Nhưng đại dịch Covid-19 khiến anh phải tạm dừng công việc này. Tuy nhiên, điều đó cũng mang đến một cơ hội khác cho Shimamoto. Anh trở lại California và được Myojo, một nhà sản xuất mì lớn dưới sự tài trợ của Nissin Foods, mời làm giám đốc đổi mới sáng tạo. Shimamoto cho biết anh rất vui vì mình có ảnh hưởng đến văn hóa ramen ở Mỹ từ một góc độ khác: giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận với loại ramen ngon, cho dù nó được nấu tại nhà hay các nhà hàng.
“Tôi cảm thấy ở Mỹ còn thiếu các cơ sở sản xuất mì. Trong khi ở Nhật Bản, có rất nhiều nhà sản xuất mì lớn. Các cửa hàng ramen ngon cũng không cần phải tự làm mì của riêng họ. Do đó, mục tiêu của tôi là cải thiện chất lượng ramen ở công đoạn phân phối,” Shimamoto chia sẻ về việc đưa ramen thủ công trở nên phổ biến hơn.
Hiện nay, cũng giống như tại Nhật Bản cách đây 10-15 năm, cơn sốt mì ramen đang diễn ra ở Mỹ và mọi người đang thực sự tìm hiểu về nó. Việc này sẽ giúp cho sự phát triển của ramen ở đây. Nhưng việc tự làm ramen rất khó nên Shimamoto muốn cung cấp cho những người đầu bếp và các cửa hàng ramen lựa chọn một loại mì được sản xuất thủ công với chất lượng hàng đầu.
Nguồn: News.zing.vn