Thời gian gần đây, nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng ví điện tử Momo phản ánh tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi lừa đảo.
“Tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0522785849 tự xưng là nhân viên Momo. Họ nói ‘Momo có gửi tặng mã quà tặng 300.000 đồng nhưng gửi email nhiều lần không thấy bạn trả lời’. Tôi thấy khá kỳ lạ vì không bao giờ thấy email quà tặng gì từ Momo mặc dù ngày nào cũng kiểm tra hòm thư”, Quỳnh Chi, một nạn nhân, kể.
Tiếp tục nghe máy, chị Chi được người mạo danh nhân viên công ty cho biết “sẽ xác nhận lại để hoàn mã quà tặng vào tài khoản Momo, khi tổng đài gọi tới bạn hãy ghi nhớ mã OTP để báo lại”.
Do cả tin, sau khi nhận được cuộc gọi thông báo của tổng đài, chị Chi đã cung cấp mã OTP và bị kẻ gian lấy cắp số tiền 4.959.996 đồng.
“Phải đến khi nhận được email thanh toán tiền trên sàn thương mại điện tử, tôi mới chợt phát hiện ra mình bị lừa. Tôi đổi mật khẩu ứng dụng Momo ngay lập tức và rất may mắn khi giữ được số tiền còn lại”, chị Chi kể.
Kẻ gian sau khi truy cập ứng dụng Momo của người dùng đã chuyển tiền đến các tài khoản khác nhau. Ảnh: NVCC. |
Theo ghi nhận của Zing, không riêng Quỳnh Chi, nhiều khách hàng sử dụng ứng dụng Momo cũng rơi vào tình trạng tương tự. Số tiền nạn nhân bị kẻ gian lấy cắp tùy thuộc vào số dư trong ứng dụng, thông thường dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
“Tôi có tham gia một hội nhóm những người bị kẻ gian mạo danh nhân viên Momo chiếm đoạt tài sản. Hiện nhóm có hơn 20 người với tổng số tiền thiệt hại ước tính gần 25 triệu đồng. Chúng tôi đã làm đơn trình báo gửi cơ quan chức năng về vụ việc này”, chị Chi cho biết.
Trên thực tế, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua các ứng dụng tài chính vẫn là “bình mới rượu cũ”. Về cơ bản, kẻ gian thường giả mạo đại diện doanh nghiệp để lấy lòng tin của nạn nhân. Bằng nhiêu thức dụ dỗ, dẫn dắt, mục tiêu cuối cùng của những đối tượng này là mã OTP của người dùng.
Kẻ gian thường đánh cắp mã OTP theo nhiều cách khác nhau. Đơn cử, từng có thời gian khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Sacombank, Vietcombank… nhận được nhiều tin nhắn có brandname giả mạo, đi kèm thông báo yêu cầu người dùng truy cập vào đường link lạ.
Đường link này sẽ dẫn tới một giao diện được thiết kế giống với ngân hàng hòng qua mắt người dùng. Sau khi đăng nhập thông tin, kẻ gian có thể lấy toàn bộ dữ liệu quan trọng của người dùng như mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu.
Tin nhắn giả mạo ngân hàng của đối tượng lừa đảo. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với Zing, đại diện ví điện tử Momo cho biết đã ghi nhận sự việc. Đồng thời, Momo khuyến cáo người dùng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai (kể cả bạn bè hoặc người thân) cũng như không truy cập vào link lạ.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc này. Nhân viên Momo không bao giờ đề nghị người dùng cung cấp thông tin dưới mọi hình thức. Những đề nghị này đều là lừa đảo”, đại diện ví điện tử cho biết.
Ngoài ra, người dùng chỉ nên truy cập, tìm hiểu thông tin tại các kênh truyền thông chính thống của Momo như website https://momo.vn/; fanpage https://fb.com/vimomo (có dấu tích xanh) hoặc bộ phận CSKH 1900545441.
Đối với thư điện tử, định dạng email của ví Momo luôn có cấu trúc abc@momo.vn (từ công ty) và abc@mservice.com.vn (từ đội ngũ nhân viên).
Nguồn: News.zing.vn